Tại sao người Nga lại ‘săn’ khách sạn ở các khu nghỉ dưỡng châu Âu?

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:45, 02/12/2021

Nhu cầu về bất động sản khách sạn ở châu Âu đã tăng 30% và gần như đạt đến mức trước đại dịch.

Forbes phát hiện ra rằng người Nga đầu tư vào các khách sạn châu Âu không chỉ vì mục tiêu kiếm tiền mà còn để xin giấy phép cư trú.

Các khách sạn châu Âu vẫn chưa mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch Nga, nhưng họ đang đợi dòng tiền từ “xứ sở Bạch Dương”. Nhu cầu về bất động sản khách sạn ở châu Âu đang phục hồi. Từ tháng 1 đến tháng 10/2021, nhu cầu đầu tư vào khách sạn nước ngoài của người Nga tăng 29,47% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Tranio, công ty kinh doanh bất động sản ở Moscow, tốc độ tăng trưởng nhu cầu cũng ước tính khoảng 30%.

Tại sao người Nga lại ‘săn’ khách sạn ở các khu nghỉ dưỡng châu Âu?
Nhà đầu tư Nga vung tiền "săn" bất động sản ở châu Âu. (Ảnh: AP)

Tổng biên tập của cổng thông tin bất động sản nước ngoài Prian.ru, ông Philip Berezin cho hay, nhu cầu đầu tư vào khách sạn nước ngoài phục hồi thấp hơn chỉ 20%, nhưng theo ông, kể từ tháng 10, nhu cầu thậm chí đã vượt quá mức của năm 2019 một chút.

Theo bà Marina Shalaeva, Giám đốc khu vực về bất động sản nước ngoài và đầu tư tư nhân của Knight Frank, vào năm 2021, số lượng yêu cầu về khách sạn gần như quay trở lại thời kỳ trước đại dịch và nhu cầu bất động sản ở một số quốc gia thậm chí còn tăng 5-7%.

Năm 2020, tỷ lệ yêu cầu mua bất động sản khách sạn là 1-2% trong tổng số khách hàng, hiện đã đạt 5% và tỷ lệ chuyển đổi thành giao dịch khoảng 80%.

Bà Shalaeva cho biết thêm, chu kỳ giao dịch trong phân khúc này lâu hơn, tối đa 20% yêu cầu được giao dịch trong 6 tháng đầu tiên, thường thì việc tìm kiếm được thực hiện trong khoảng một năm hoặc hơn.

Theo Colliers, vào năm 2021, khối lượng giao dịch trong phân khúc khách sạn đã đạt 88 triệu USD, trong khi năm ngoái là 62 triệu USD. Trong 5 năm qua, khối lượng đầu tư trung bình hàng năm vào lĩnh vực này lên tới khoảng 100 triệu USD.

“Trong 3 quý năm 2021, tổng khối lượng giao dịch đầu tư của người Nga vào phân khúc khách sạn châu Âu lên tới 11 tỉ euro, tương đương với số liệu của cả năm 2020 và kết quả dự kiến ​​vào cuối năm ở mức 14 tỉ euro”, một thành viên của ban giám đốc và người đứng đầu nhóm đầu tư của JLL, ông Mikael Ghazaryan cho biết.

Theo ông, trước đại dịch, khối lượng đầu tư lên tới gần 19 tỉ euro, nhưng gần đây xu hướng tích cực là rõ ràng.

Ngoài ra, một số giao dịch không được bao gồm trong số liệu thống kê. “Rõ ràng, các giao dịch đã được thực hiện qua mặt các văn phòng tư vấn. Nhìn chung, việc mua khách sạn được thực hiện dưới tác động của yếu tố cảm xúc”, bà Marina Smirnova, trưởng bộ phận du lịch và kinh doanh khách sạn nhận xét.

Giảm giá do đại dịch

Một số nhà đầu tư Nga hy vọng rằng đại dịch sẽ buộc các chủ sở hữu phải giảm giá đáng kể cho các khách sạn châu Âu.

Bà Irina Mosheva, đối tác của tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu trên thế giới Savills tại Nga giải thích, “trong năm 2020 và đầu năm 2021, sự quan tâm của nhà đầu tư gắn liền với kỳ vọng chiết khấu lớn”.

Tại sao người Nga lại ‘săn’ khách sạn ở các khu nghỉ dưỡng châu Âu?
Nhu cầu bất động sản ở nước ngoài của người Nga tăng mạnh trong những năm gần đây. (Ảnh: Depphotos)

“Về cơ bản, chiết khấu từ chủ sở hữu mang tính chất thời điểm và quy mô của chiết khấu là một câu chuyện riêng lẻ. Ví dụ, đối với các khách sạn nhỏ cao cấp được bán trong thời kỳ đại dịch, mức chiết khấu tối đa là 25-30%”, bà Shalaeva cho biết thêm.

Trong khi, ở một số địa điểm, giá khách sạn có liên quan đến sự sụt giảm giá trị bất động sản chung. Ví dụ, trong 2 năm trước, bất động sản ở Tây Ban Nha đã mất 10-15% giá trị. Tuy nhiên, sau khi mở cửa trở lại, nhu cầu mua tăng mạnh (theo CBRE, tăng trưởng nhu cầu là 250%) và xu hướng giá đã đảo ngược.

Xin giấy phép cư trú

Nhiều người đầu tư vào khách sạn châu Âu không chỉ vì mục đích thu nhập, mà còn để xin giấy phép cư trú.

Trong số những người mua khách sạn hoặc căn hộ, Montenegro đang có nhu cầu lớn vì chương trình hộ chiếu sẽ kết thúc sau một tháng, cũng như Hy Lạp và Bồ Đào Nha, nơi các nhà đầu tư có thể nhận được giấy phép cư trú khi mua căn hộ.

Bà Shalaeva cho biết, một số khách sạn (ví dụ như ở Bồ Đào Nha) được phép tham gia vào các chương trình hộ chiếu để có được giấy phép cư trú sau khi được cấp quyền công dân.

Bà Tatyana Burlakovskaya, Giám đốc điều hành của Golden Brown Group, giải thích chi phí cho một phòng hoặc cổ phần trong các khách sạn tham gia chương trình như vậy là 350.000-500.000 euro, cộng với lợi nhuận đảm bảo 5-6% mỗi năm.

Thanh Bình (lược dịch)