Thương mại điện tử trở thành hiện tượng tại Việt Nam và toàn cầu

Cuộc sống số - Ngày đăng : 12:56, 02/12/2021

Xu hướng mua sắm trên thương mại điện tử tăng mạnh, trở thành một hiện tượng trên toàn cầu và cả tại Việt Nam.

Adjust, một nền tảng phân tích tiếp thị di động, vừa công bố báo cáo về các ứng dụng thương mại điện tử trên toàn cầu năm 2021. Số liệu cho thấy doanh thu phát sinh trong ứng dụng (in-app) tăng mạnh trong năm 2021.

Thương mại điện tử trở thành hiện tượng tại Việt Nam và toàn cầu
Xe của một hãng vận chuyển trên đường phố Sài Gòn. (Ảnh: Hải Đăng)

Từ năm 2020, doanh thu thương mại điện tử qua ứng dụng trong các tháng 10, 11, và 12 có xu hướng cao hơn hẳn doanh thu chín tháng trước đó và mùa mua sắm năm hứa hẹn sẽ lập kỷ lục doanh thu mới.

Điều này phù hợp với các số liệu gần đây ICTnews đã thông tin. Trong đó, Việt Nam và Đông Nam Á ghi nhận mức tăng mạnh mẽ trong các lễ hội mua sắm 10/10, 11/11, và ngày Black Friday vừa diễn ra.

Tiki, Lazada, Shopee đều nhận thấy số lượng khách mua hàng, doanh số, nhà bán mới tăng mạnh trong các dịp khuyến mại lớn. Trong đó, dịp 11/11 vừa qua, Tiki đạt mức doanh số kỷ lục nhất kể từ khi thành lập đến nay.

Không riêng các sàn thương mại điện tử truyền thống nói trên, kênh mua hàng trực tuyến và trực tiếp ở các nhà bán lẻ công nghệ cũng tăng gấp đôi so với năm ngoái trong ngày Black Friday cuối tháng 11 vừa qua.

Báo cáo của Adjust cho thấy người dùng không chỉ chi nhiều tiền hơn để mua hàng trong ứng dụng, mà còn dành nhiều thời gian hơn cho ứng dụng.

Xét trên toàn cầu, thời lượng truy cập trung bình của người dùng tăng từ 10,07 phút (trong năm 2019) lên 10,42 phút (trong năm 2020) và 10,56 phút (trong năm 2021). Khu vực EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) có thời lượng dài nhất (10,97 phút).

Paul H. Müller, đồng sáng lập và CEO tại Adjust, cho biết: "Thiết bị di động đang trở thành kênh lớn mạnh nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ấn tượng hơn nữa, các ứng dụng thương mại điện tử không chỉ giữ chân được người dùng hiện tại, mà còn thu hút thêm nhiều người dùng mới. Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy, mô hình kinh doanh này đã thành công trong việc tạo ra các trải nghiệm thuận tiện và tối ưu. Để duy trì doanh số cao trong suốt mùa mua sắm cuối năm và sang năm mới, các nhãn hàng cần giữ chân được người dùng trung thành”.

Để giữ chân người dùng trên ứng dụng, các nền tảng thương mại điện tử hiện nay không chỉ bán hàng mà còn mở các chương trình livestream, chương trình giải trí, các game, và thậm chí xây dựng mạng xã hội trên nền tảng.

Chẳng hạn, trên khu vực Đông Nam Á và Đài Loan ngày 11/11 vừa qua, khách hàng dành hơn 2,8 triệu giờ xem kênh Shopee Live. Tại Việt Nam, có đến hơn 830 triệu lượt chơi đã được ghi nhận qua chương trình giải thưởng Shopee.

Trên Lazada, đại tiệc âm nhạc Lazada Supershow 11/11 thu hút hơn 26 triệu lượt xem.

Báo cáo của Adjust cho hay số lượt cài đặt ứng dụng thương mại điện tử trên toàn cầu tăng 10% từ năm 2020 đến năm 2021. Cụ thể, tăng 9% tại khu vực APAC (châu Á - Thái Bình Dương), 11% tại LATAM (Mỹ Latin) và 15% tại EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi).

Năm 2021, số phiên truy cập tăng mạnh nhất ở khu vực LATAM — 27% và trên toàn cầu là 12%. Số phiên truy cập tăng 10% tại khu vực APAC và 13% tại khu vực EMEA.

Randy Nelson, phụ trách mảng di động tại Sensor Tower, nhận định thương mại điện tử trên thiết bị di động đã vượt ra khỏi thị trường mua sắm thông thường và trở thành hiện tượng toàn cầu, trong đó phát triển mạnh nhất tại khu vực LATAM và APAC.

Trong khi đó, báo cáo của Google và Temasek mới đây cho thấy thương mại điện tử tại Việt Nam đang trở thành động lực của nền kinh tế số. Năm 2021, nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến ​tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD và có khả năng tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

Hải Đăng