Tổng thống Putin muốn phương Tây lắng nghe điều gì?

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:50, 29/11/2021

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho biết, bất chấp việc tập trung lực lượng quân sự ở biên giới với Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin không hề muốn bắt đầu một cuộc chiến chống lại Kiev.

Theo đó, nhà lãnh đạo Nga chỉ đang cố gắng thể hiện sự nghiêm túc trong ý định của mình, cũng như khiến phương Tây lắng nghe.

“Ông Putin biết rất rõ những gì đang diễn ra và khiến phương Tây luôn trong tình trạng hồi hộp, đưa quan hệ với nước này lên đỉnh điểm trước khi có bước ngoặt bất ngờ. Tuy nhiên, khi nói đến Ukraine, ông ấy cực kỳ nghiêm túc”, Bloomberg viết.

Tổng thống Putin muốn phương Tây lắng nghe điều gì?
Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn phương Tây lắng nghe. (Ảnh: RIA)

Theo các nguồn tin thân cận với Điện Kremlin, nhà lãnh đạo Nga không hề muốn bắt đầu một cuộc chiến mới ở Ukraine. Đồng thời, ông phải chứng minh cho mọi người thấy rằng, nếu cần thiết Nga sẵn sàng chiến đấu để đẩy lùi thứ được cho là mối đe dọa thực sự - đó là sự mở rộng ảnh hưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với “một quốc gia đã là một phần của Nga trong nhiều thế kỷ”.

Các nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Nga cho biết, ông Putin đã mất niềm tin vào phương Tây, ông làm lu mờ dần những lời kêu gọi giảm căng thẳng. Giờ đây, hầu hết những người theo chủ nghĩa cứng rắn đã tập trung xung quanh ông, trong khi bản thân ông Putin cho rằng Nga đang bị đe dọa bởi cả Mỹ và các đồng minh.

Những nỗ lực hàn gắn quan hệ mà ông Putin thực hiện khi bắt đầu cầm quyền đã bị thay thế bằng đối đầu, trừng phạt và đe dọa. Giờ đây, theo nhà lãnh đạo Nga những lời phản đối cứng rắn là ngôn ngữ duy nhất ở phương Tây hiểu được.

Nga và “toan tính” với Ukraine

Về phía Ukraine, theo các nguồn tin, Điện Kremlin hiểu bất kỳ nỗ lực nào nhằm chiếm đóng đất nước này đều sẽ thất bại, vì bước đi như vậy sẽ vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của người dân Ukraine, cũng như hứng chịu các lệnh trừng phạt thảm khốc từ phương Tây.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt và áp lực chính sách đối ngoại kéo dài nhiều năm đã khiến ông Putin cứng rắn và ông tiếp tục “bẻ cong” mọi đường lối, bất chấp lời cảnh báo từ Mỹ và các cuộc điện đàm từ các nhà lãnh đạo Pháp và Đức.

Ông Putin nhiều lần chỉ ra, người Nga và người Ukraine là “một dân tộc”, vì họ được liên kết bởi các mối quan hệ lịch sử và văn hóa hàng thế kỷ.

Việc sáp nhập Crimea năm 2014 là một trong những thành tựu quan trọng nhất của ông Putin, khi trả lại cho Nga vùng đất lịch sử này đã ngăn cản sự mở rộng của NATO ở Biển Đen, vốn rất quan trọng đối với an ninh của Moscow.

Đối với Moscow, lệnh ngừng bắn mong manh ở Ukraine được kết thúc vào năm 2015 rõ ràng không phải là dấu chấm hết của lịch sử. Giờ đây, với việc NATO tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev và tăng cường tuần tra biên giới của Nga, Điện Kremlin nhận thấy mối đe dọa đối với Moscow đang ngày càng gia tăng hơn bao giờ hết.

Tổng thống Putin muốn phương Tây lắng nghe điều gì?
Điện Kremlin hy vọng Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc nói chuyện trực tuyến trước cuối năm nay. (Ảnh: RIA)

Trong quá khứ, ông Putin đã làm dấy lên nỗi lo chiến tranh cho đến khi ông thành công trong việc thu hút sự chú ý của phương Tây. Điều này đã xảy ra, cụ thể là vào tháng 4 năm nay, khi đó Nga tập trung quân đội gần biên giới Ukraine, nhưng rút lui ngay khi Tổng thống Biden gọi điện và đề nghị tổ chức một hội nghị thượng đỉnh.

Tuy nhiên, trong những trường hợp như vậy, ông Putin rời đi mà không đạt được thỏa thuận với NATO để đảm bảo sẽ tránh xa biên giới phía nam của Nga.

Theo giới chuyên gia, ông Putin không hề khinh suất khi nói sẽ không "đụng tới" Ukraine, ít nhất là vào lúc này. Ông chỉ tập hợp sức mạnh và cho thấy Nga đã sẵn sàng để hành động. Như vậy, ông muốn nói rõ với Tây Phương là Nga đang cực kỳ nghiêm túc. Và cho đến nay, Điện Kremlin tin tưởng cách tiếp cận cứng rắn như vậy là chính đáng.

Lập trường này của Điện Kremlin phần lớn dựa trên niềm tin vào nền kinh tế Nga đã phục hồi sau cuộc suy thoái do Covid-19 nhanh hơn so với nhiều nước khác. Hơn nữa, Ngân hàng Trung ương Nga đã dự trữ được hơn 600 tỉ USD, đây là số tiền kỷ lục có thể giữ cho Nga trụ vững trong hầu hết mọi tình huống, ngoại trừ việc áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất của phương Tây.

Ông Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn diện châu Âu và Quốc tế kiêm chuyên gia của Câu lạc bộ thảo luận Valdai cho biết: “Hiện chúng ta đang ở trong tình trạng đối đầu với phương Tây trong mọi lĩnh vực. Nga đã nói rõ là không có ý định thực hiện các bước đi gây căng thẳng”.

Trong khi đó, theo các nguồn tin với giới cầm quyền của Bloomberg, “Nga không thấy có lý do gì để làm dịu chính sách trong quan hệ với châu Âu”. Đồng thời, trong khi phương Tây cáo buộc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thúc đẩy cuộc khủng hoảng di cư, thì Điện Kremlin đã sẵn sàng nắm bắt cơ hội để gây áp lực lên Liên minh châu Âu (EU).

Đặc biệt, trong bối cảnh giá khí đốt tăng chóng mặt, Nga đang cung cấp cho châu Âu nguồn tài nguyên này với khối lượng chỉ vượt quá nghĩa vụ hợp đồng một chút, dẫn đến việc Moscow bị cáo buộc sử dụng năng lượng như “vũ khí chính trị”.

Theo các nguồn thạo tin, Nga không vội bổ sung thêm nguồn cung cấp năng lượng cho đến khi châu Âu trả lại cho họ thứ gì đó, cụ thể là việc phê duyệt đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2).

Giám đốc Câu lạc bộ thảo luận Valdai, nhà khoa học chính trị Ivan Timofeev nhận định, mặc dù cả phương Tây và Nga đều có thể sử dụng nguy cơ xung đột để đạt được các mục tiêu chính trị ở Ukraine, nhưng “không bên nào quan tâm đến một cuộc chiến thực sự”.

Thanh Bình (lược dịch)