Chữ 'Lễ' rất đẹp, việc gì mà phải bỏ?

Xã hội - Ngày đăng : 17:46, 29/11/2021

Chia sẻ với báo TG&VN, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ cho rằng, xin đừng hiểu phiến diện, định kiến với chữ 'Lễ' bằng những cách hiểu chật chội và đóng khung.
Chữ 'Lễ' rất đẹp, việc gì mà phải bỏ?
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ quan niệm chữ "Lễ" rất đẹp, vì vậy sao phải bỏ?

Chữ "Lễ” đã trở thành một quy chuẩn ứng xử, một luật bất thành văn để hành động có ý thức, vượt qua mọi không gian trở thành nguyên tắc tôn trọng.

Nếu một cá nhân nào muốn bỏ nó, cá nhân đó đang tự tách mình ra khỏi giá trị mà loài người đang hướng tới.

Quan điểm của anh về việc bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”?

Tôi xin được thẳng thắn: Việc gì phải bỏ? Khi ta bỏ một cái gì đó trở thành khẩu hiệu thì đảm bảo rằng khẩu hiệu đó mang đến những hành vi không tích cực.

Còn những thứ mang đến hành vi tích cực được kiểm chứng qua thời gian, trở thành của chung, cá nhân nào muốn bỏ cũng không bỏ được, vì nó đã ăn sâu vào ý thức và hành động của con người rồi.

Tôi hiểu là người đề xuất bỏ điều này đang hiểu một cách định kiến rằng câu khẩu hiệu trên nó thuộc về quy tắc ứng xử của xã hội phong kiến, của việc áp đặt trật tự xã hội miễn cưỡng trong ý thức con người.

Tuy nhiên, có những giá trị đạo đức, hành xử nó xuyên qua thời gian, không gian và lịch sử, trở thành một thứ di sản vô hình, một điều đẹp đẽ được lưu giữ một cách “bình thường”. Cái “bình thường” giá trị lắm, nó không bất thường như cách mà người ta định kiến.

Nhìn sâu vào chữ “Lễ”, có thể ban đầu được hiểu gói gọn trong quan điểm nho giáo: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Nhưng mấy ngàn năm trôi qua, chữ “Lễ” đã vượt ra khỏi những khuôn phép ban đầu, trở thành một giá trị văn hoá sống, một khuôn phép ứng xử tích cực, một quy chuẩn của văn minh giao tiếp, một phạm trù đạo đức về lòng tôn kính và sự biết ơn.

Chữ “Lễ” cũng vượt ra khỏi giới hạn của quan niệm sống phương Đông, hoà nhập chung với văn minh ứng xử phương Tây, trở thành thứ giá trị mang tên tôn trọng.

Khi đã thành một giá trị lớn, một chân lý lớn, đâu phải ai đó cứ muốn bỏ là bỏ, muốn chối là chối? Bởi không một điều gì có thể phủ nhận được giá trị của nhân loại, hoặc phủ nhận được chân lý cả.

Việc bỏ khẩu hiệu này có ảnh hưởng ra sao đến xã hội? Liệu có thúc đẩy việc xã hội cởi mở, sáng tạo hơn?

Như tôi nói ở trên, cái gì thành giá trị, thành chân lý, đâu cứ muốn bỏ là bỏ được? Thứ hai, bạn có thể chối bỏ và cho rằng nó không là giá trị, là chân lý của bạn. Nhưng, số đông họ sẽ cho là bạn lập dị, thiển cận và phiến diện, thậm chí sống lệch.

Quý giá biết bao khi có những quy chuẩn xã hội trở thành thứ luật bất thành văn như chữ “Lễ”, anh tự phủ nhận thì anh sống có còn tôn ti trật tự, có còn ý thức sống và hành xử nữa không?

Lễ nên hiểu thế nào cho đúng trong ứng xử? Việc giữ chữ "Lễ" cũng là giữ văn hóa, giữ mình thế nào?

Trong lịch sử, đã không ít lần chúng ta chứng kiến cảnh chữ “Lễ” bị huỷ hoại. Những màn đấu tố, những sự phủ nhận nhưng những cái gì là giá trị thật, tự khắc nó có đời sống của nó, trong ý thức của con người.

Trong văn hoá phương Đông nói chung và văn hoá Việt Nam nói riêng, chữ “Lễ” thành một bản sắc. Đó là sự cung kính, tôn kính, là ý thức gia đình, là văn hoá nguồn cội. Nó đã đi sâu vào đời sống, dày dặn thêm theo thời gian. Nó giúp ta hiểu chúng ta đến từ đâu và có một đời sống tinh thần thế nào.

Nếu thiếu nó, chúng ta sẽ thành cái gì? Không thành cái gì cả. Tây chẳng ra Tây, ta chẳng ra ta, chẳng ra làm sao cả.

Sự lễ nghĩa, kính trên nhường dưới liệu có hạn chế, cản trở sự phản biện và tư duy sáng tạo của người học hay không?

Không, một ông giáo sư, một bà tiến sĩ rất giỏi giang ngoài đời, thành đạt ngoài xã hội nhưng về trong gia đình vẫn là một người con, một người em, một thành tố trong gia phả gia đình, họ hàng.

Cái gì ra cái đấy, sự tôn trọng luôn hiện diện trong tất cả mọi mặt của đời sống nên chẳng có gì cản trở sự phản biện hay sáng tạo cả. Bạn có quyền phát biểu ý kiến của mình nhưng hãy nhớ rằng, phải tôn trọng người khác bằng các quy tắc ứng xử, văn hoá phản biện. Đó chính là “Lễ”.

Anh nhận định thế nào về tầm quan trọng của chữ "Lễ" trong giáo dục cũng như cuộc sống nói chung?

Câu khẩu hiệu ở trước cổng trường cũng nhắc những đứa trẻ từ nhỏ hãy hiểu cách sống "kính trên nhường dưới", tôn trọng phép tắc, giữ lễ thầy trò. Chứ giờ nói với học sinh nên bỏ điều này đi, vậy trường học chỉ đơn thuần trở thành nơi dạy kiến thức chứ có còn nơi dạy ta làm người nữa không?

Bên cạnh đó, bạn cứ tưởng tượng đi, chữ “tự do” và “vô kỷ luật” khá giống nhau trong một số hành động, nhưng khác nhau hoàn toàn về cách tác động của nó đến đời sống của bạn và với xã hội.

Khi có “Lễ” trong hành động, bạn phản biện, bạn chọn cách sống, sẽ thành “tự do”. Nhưng nếu không có chữ “Lễ”, sự phản biện của bạn thành cãi vã hỗn hào, cách sống của bạn trở thành vô kỷ luật. Nó tai hại vô cùng.

Tiện đây tôi cũng kể một chút, là tôi vừa xin phép tổ tiên, cha mẹ để tu sửa lại căn nhà cũ của cha mẹ tôi thành một căn nhà theo lối cổ truyền. Bàn thờ tổ tiên đặt ở giữa, có hoành phi câu đối, có không gian sinh hoạt chung. Từ đó, mình nhắc nhở con cháu lại cái “nếp nhà Việt”, để cùng giữ gìn. Trong nếp nhà ấy, chính là cái “Lễ”.

Đáng tiếc là cuộc sống bây giờ nhiều phép tắc bị "bẻ gãy", người mới giàu cũng nhiều lên, học cái hay đâu chẳng thấy, thấy không ít học đòi. Không ít người phủ nhận những giá trị cũ vì cho là lỗi thời nhưng thực sự để chứng minh mình tân tiến. Cuối cùng, cái đẹp không giữ được, cái hay không học được, không ít người trở thành những sản phẩm lỗi, không có điểm tựa của những giá trị sâu thẳm, chới với giữa "mùi vị" của đồng tiền.

Vậy thì, hãy biết học “Lễ” đi. Đó là điểm tựa giữa mọi phức tạp đời sống đấy!

Xin cảm ơn anh!

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ, sinh năm 1980, từng là phóng viên báo Quân đội nhân dân, Công an Nhân dân, Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, báo Điện tử Trí thức trẻ (quản lý phía Nam, chuyên trang Soha). Được biết đến là một cây viết ký sự nhân vật xuất sắc với nhiều giải thưởng báo chí và là một trong những cây phỏng vấn sắc sảo hiện nay. Hiện nay anh phụ trách mảng truyền thông đối ngoại của Khối quảng cáo, Công ty cổ phần VC Corp.
Các tập sách cá nhân được xuất bản: Có tuổi hai mươi thành sóng nước - ký sự hậu chiến 2005, Khúc bi tráng một thời (Ký sự hậu chiến, 2006), Hành trình số phận (Phóng sự thân phận, 2007), Nghệ sĩ bình yên và không bình yên (Chân dung nhân vật, 2007), Thân phận và hào quang (Phỏng vấn nghệ sĩ, 2015), Danh hoạ và tôi (Chân dung hội hoạ, sắp xuất bản).

Yến Nguyệt