Đề phòng bệnh ung thư 6.300 người Việt phát hiện mỗi năm, tử vong đến 43%

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 15:06, 29/11/2021

Mỗi năm tại Việt Nam phát hiện khoảng 6.300 trường hợp ung thư tuyến tiền liệt, với tỷ lệ tử vong lên đến gần 43%. Đáng chú ý, rất nhiều trường hợp nhận ra bệnh khi ở vào giai đoạn trễ.

Ngày 29/11, bác sĩ Phó Minh Tín, khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) cho biết, theo thống kê mới nhất của cơ quan nghiên cứu ung thư thế giới, ung thư tuyến tiền liệt xếp hàng thứ hai trong tổng số các loại ung thư thường xảy ra ở nam giới, chỉ đứng sau ung thư phổi.

Căn bệnh 6.300 người Việt phát hiện mỗi năm

Tại Việt Nam, mỗi năm phát hiện khoảng 6.300 trường hợp ung thư tuyến tiền liệt với tỷ lệ tử vong khá cao, gần 43%. Riêng ở khoa Tiết niệu của BV ĐHYD, mỗi năm tiếp nhận gần 150 ca ung thư tuyến tiền liệt. Điều đáng lo ngại là trên 85% người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn có triệu chứng rối loạn tiểu, nghĩa là ung thư ở giai đoạn trễ, thậm chí có thể đã di căn.

Như trường hợp của ông Nguyễn Văn N. (80 tuổi, ngụ TPHCM) đến BV khi đã có dấu hiệu nặng. Sau thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt di căn xương, gây ảnh hưởng đến chức năng vận động. Ngoài ra, ông N. còn có tiền căn cao huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Sau khi tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa liên quan, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp nội tiết. Sau 2 tuần, sức khỏe ông N. có cải thiện rõ rệt, giảm đau, có thể ăn uống và đi lại.

Theo bác sĩ, Lâm Quốc Trung, Phó Trưởng khoa Hóa trị ung thư của BV, nam giới từ 50 trở lên hoặc trên 45 tuổi và có tiền căn gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt là những đối tượng nguy cơ cao. Đối tượng này cần chú ý sức khỏe và thực hiện thăm khám tổng quát để được lưu ý cũng như phát hiện sớm nếu có bệnh.

Ở giai đoạn sớm bệnh lý này hầu như không có triệu chứng điển hình. Khi ung thư tuyến tiền liệt phát triển đến giai đoạn muộn, khối u tuyến tiền liệt thường đa ổ, lan tỏa xâm lấn vỏ bao ra xung quanh và di căn xa tới nhiều cơ quan trong cơ thể. Lúc này người bệnh xuất hiện các biểu hiện như đau nhức xương, yếu liệt hai chi dưới, đau tầng sinh môn, phù nề, xuất tinh ra máu, tiểu máu và các dấu hiệu toàn thân khác.

Đề phòng bệnh ung thư 6.300 người Việt phát hiện mỗi năm, tử vong đến 43% - 1

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt (Ảnh: BVCC).

Đừng để có triệu chứng mới đi khám

Bác sĩ Phó Minh Tín cho biết, có nhiều phương tiện để chẩn đoán xác định ung thư tuyến tiền liệt. Có thể kể đến như thăm khám tuyến tiền liệt bằng ngón tay, xét nghiệm máu PSA, siêu âm bụng, siêu âm qua ngã trực tràng để sinh thiết tuyến tiền liệt. Ngoài ra, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ đa thông số, xạ hình xương cũng là một số xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán ung thư đang ở giai đoạn nào. Từ đó, các bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.

Tương tự như các loại ung thư khác, điều trị ung thư tuyến tiền liệt là điều trị phối hợp đa mô thức, bao gồm các biện pháp điều trị đặc hiệu tại chỗ như phẫu thuật, xạ trị kết hợp điều trị nội khoa như hóa trị, nội tiết và các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ. Để có được kế hoạch điều trị cụ thể cho từng trường hợp người bệnh, các bác sĩ phải dựa vào kết quả lâm sàng, độ ác tính cũng như xét nghiệm PSA, sau đó xem xét đến thời gian kỳ vọng sống thêm và cuối cùng là phân nhóm nguy cơ.

Bác sĩ Trung chia sẻ, vẫn còn tồn tại một số quan niệm sai lầm như: không có triệu chứng rối loạn đi tiểu thì không bị ung thư tuyến tiền liệt, hoặc sau khi kiểm tra một vài lần mà không phát hiện ung thư thì tương lai sẽ không mắc bệnh và không cần đi khám kiểm tra tiếp…

Đề phòng bệnh ung thư 6.300 người Việt phát hiện mỗi năm, tử vong đến 43% - 2

Bác sĩ khuyên người dân nên tầm soát sớm để kịp thời phát hiện bệnh (Ảnh: BVCC).

Những suy nghĩ này sẽ làm kéo dài thời gian phát hiện ung thư (nếu có) và gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả điều trị. Ung thư tuyến tiền liệt có thể được điều trị và mang đến kết quả khả quan nếu người bệnh được chẩn đoán sớm, giữ tinh thần lạc quan cũng như tuân thủ các chỉ định từ Bác sĩ.

Các bác sĩ khuyến cáo, những đối tượng trong nhóm nguy cơ mắc bệnh nên đến trực tiếp chuyên khoa Tiết niệu để được tầm soát kịp thời, không để xuất hiện các triệu chứng rồi mới bắt đầu đi khám. Trong trường hợp chưa phát hiện ung thư vẫn phải duy trì lịch khám định kỳ trong tương lai theo hướng dẫn từ bác sĩ.

Ở giai đoạn sớm, phương pháp phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt hoặc xạ trị có thể điều trị hết bệnh, giúp người bệnh có một cuộc sống hoàn toàn bình thường. Ngược lại, phát hiện càng trễ thì việc điều trị cho bệnh nhân sẽ càng trở nên phức tạp.

Hoàng Lê