Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 22-28/11: Thế giới quan ngại biến thể Omicron, Đức hoàn tất quá trình lập chính phủ

Đối ngoại - Ngày đăng : 12:54, 28/11/2021

Thế giới lo ngại về biến thể Omicron, căng thẳng chính trị giữa Anh-Pháp, Mỹ-Trung Quốc, Mỹ-Nga... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 22-28/11: Thế giới quan ngại biến thể Omicron; Đức hoàn tất quá trình thành lập chính phủ
Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) 13 với chủ đề “Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung” do Campuchia chủ trì theo hình thức trực tuyến ngày 25-26/11. (Nguồn: EAC News)

Hội nghị ASEM lần thứ 13

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) 13 với chủ đề “Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung” do Campuchia chủ trì theo hình thức trực tuyến đã kết thúc tối ngày 26/11 vừa qua

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia, sau hai ngày thảo luận theo hình thức trực tuyến, các nhà lãnh đạo đến từ hơn 51 quốc gia thành viên và 2 tổ chức khu vực đã cùng thông qua 3 thỏa thuận hợp tác quan trọng gồm: Tuyên bố của Chủ tịch ASEM 13, Tuyên bố Phnom Penh về phục hồi kinh tế-xã hội hậu Covid-19, và Chính sách thúc đẩy kết nối ASEM.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện nước chủ nhà Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã kêu gọi thúc đẩy sâu rộng sự kết nối liên khu vực vì sự phát triển bền vững và tăng trưởng được chia sẻ; tăng cường hệ thống đa phương hiệu quả dựa trên luật pháp; sự cần thiết của việc thúc đẩy sáng tạo, kết nối số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy tầm nhìn của ASEM và các nỗ lực tập thể nhằm giải quyết những vấn đề chung, trong đó có biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, tăng quyền cho phụ nữ và những thách thức liên quốc gia.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh vào vai trò của ASEM trong việc giúp đỡ châu Âu giải quyết một số thách thức lớn và khẳng định rằng trong những năm tới, mối quan hệ hợp tác giữa hai châu lục sẽ còn quan trọng hơn nữa, đặc biệt trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu bật bốn đề xuất nhằm hướng tới hợp tác giải quyết những thách thức toàn cầu như ứng phó đại dịch, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, an ninh mạng. Các đánh giá và đề xuất thiết thực của Thủ tướng được các nhà lãnh đạo Á-Âu đánh giá cao, đồng tình ủng hộ và phản ánh trong văn kiện của Hội nghị.

Omicron, biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, được phát hiện ở Nam Phi. (Nguồn: Reuters)
Omicron, biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, được phát hiện ở Nam Phi. (Nguồn: Reuters)

Thế giới lo ngại về biến thể mới nguy hiểm của SARS-CoV-2

Ngày 25/11, các nhà khoa học ở Nam Phi thông báo đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với nhiều đột biến, cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tại nước này tăng nhanh.

Ngày 26/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt tên cho siêu biến thể B.1.1.529 mới được phát hiện của virus SARS-CoV-2 là Omicron và tuyên bố đây là biến thể đáng quan ngại.

Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana. Nguy hiểm hơn, với 32 đột biến, trong đó đột biến K417N từng xuất hiện ở biến thể Delta, Omicron là biến chủng nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của virus SARS-CoV-2.

Những ngày sau đó, hàng loạt các quốc gia trên thế giới đã liên tục đưa ra các hạn chế đi lại với các quốc gia châu Phi do lo ngại về biến thể này.

Thủ tướng Thụy Điển từ chức vài giờ sau khi đắc cử, đâu là lý do? (Nguồn: Reuters)
Bà Magdalena Andersson. (Nguồn: Reuters)

Nữ Thủ tướng đầu tiên của Thụy Điển từ chức sau vài giờ

Ngày 24/11, Quốc hội Thụy Điển đã bỏ phiếu xác nhận lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Magdalena Andersson làm nữ Thủ tướng đầu tiên của nước này.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, bà Andersson đã thông báo quyết định từ chức.

Theo truyền thông Đức, nguyên nhân bà Magdalena Andersson từ chức là dự luật ngân sách của liên minh cầm quyền không được thông qua, trong khi đảng Xanh rút khỏi liên minh.

Phát biểu tại Stockholm ngày 24/11, bà Andersson cho biết, bà đã đề nghị Chủ tịch Quốc hội Andreas Norlén bãi nhiệm chức vụ Thủ tướng chính phủ mới được thông qua.

Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển, bà không muốn lãnh đạo một chính phủ bị hoài nghi về tính hợp pháp, đồng thời hy vọng sẽ trở lại với một chính phủ thiểu số của đảng Dân chủ Xã hội và có sự ủng hộ của đảng Xanh.

(11.26) Ông Olaf Scholz sẽ trở thành Thủ tướng Đức vào đầu tháng 12 tới. (Nguồn: Reuters)
Ông Olaf Scholz sẽ trở thành Thủ tướng Đức vào đầu tháng 12 tới. (Nguồn: Reuters)

Đức hoàn thành đàm phán chính phủ mới

Tờ DW đưa tin, gần hai tháng sau cuộc bầu cử liên bang, một thỏa thuận liên minh giữa các đảng phái nhằm xây dựng một chính phủ mới đã được công bố vào ngày 24/11.

Theo đó, một thỏa thuận về việc thành lập chính phủ chung giữa ba đảng SPD, đảng Xanh và đảng FDP đã được thiết lập sau nhiều tuần đàm phán. Như vậy, liên minh chính phủ mới sẽ không bao gồm đảng của Thủ tướng Angela Merkel (CDU).

Trong chính phủ mới, ông Olaf Scholz, người đã lãnh đạo đảng SPD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9 vừa qua, sẽ kế nhiệm chức vụ Thủ tướng từ bà Angela Merkel. Bên cạnh đó, người nắm giữ các chức vụ quan trọng trong nội các cũng đang dần lộ diện.

Trong buổi tuyên bố, liên minh chính phủ mới cho biết đây sẽ là một liên minh tiến bộ và hiện đại, nhưng cũng sẽ dung hòa các ý kiến trái chiều.

Các chuyên gia nhận định, nước Đức đang trải qua một giai đoạn tương đối khó khăn khi tốc độ tiêm chủng của Đức vẫn thuộc nhóm thấp trong EU và nền chính trị đang ngày càng phân mảnh. Khi chính thức được thành lập, chính phủ mới chắc chắn sẽ có nhiều việc phải làm nhằm tăng cường tái gắn kết xã hội.

Dòng chảy phương Bắc 2 nhận kết luận quan trọng từ Đức, Ukraine doạ đáp trả Nga vì bị 'hủy hoại danh tiếng'. (Nguồn: people.com.cn)
Dòng chảy phương Bắc 2 tiếp tục bị dính trừng phạt từ Mỹ. (Nguồn: people.com.cn)

Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Trong ngày 22/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo nước này đã áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào một công ty có liên quan tới dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nộp bản báo cáo lên Quốc hội về đối tượng của lệnh trừng phạt mới này, nêu tên một thực thể có liên quan tới Nga là Transadaria Ltd và 2 tàu, trong đó có 1 tàu thuộc sở hữu của Transadaria.

Như vậy, kể từ khi Đạo luật Bảo vệ An ninh năng lượng của châu Âu (PEESA) được Washington ban hành từ năm 2019 tới nay, tổng cộng 8 thực thể và 17 tàu có liên quan tới dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt và trở thành tài sản bị phong tỏa.

Mặc dù vậy, ông Blinken vẫn khẳng định Washington sẵn sàng hợp tác với Berlin.

“Cho dù chính quyền (Mỹ) tiếp tục phản đối đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 thông qua các biện pháp trừng phạt, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với Đức và các đồng minh cũng như đối tác khác để hạn chế những mối nguy hại gây ra bởi dự án này”.

Bất đồng xuất hiện giữa hai nhà lãnh đạo Pháp-Anh liên quan tới vấn đề người di cư. (Nguồn: Guardian)
Bất đồng xuất hiện giữa hai nhà lãnh đạo Pháp-Anh liên quan tới vấn đề người di cư. (Nguồn: Guardian)

Pháp và Anh lại căng thẳng vì vấn đề người tị nạn

Chưa đầy một ngày sau khi có thông tin về 27 người di cư trái phép thiệt mạng khi cố gắng vượt qua eo biển Manche, ngày 25/11, Anh và Pháp đồng loạt lên tiếng cáo buộc nhau về nguyên nhân dẫn đến thảm họa nhân đạo được coi là tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây trên vùng biển giữa hai nước.

Trước đó, ngày 24/11, tận dụng điều kiện biển tương đối lặng, lượng người di cư rời bờ biển phía Bắc nước Pháp đã tăng vọt so với bình thường. Trong quá trình vượt eo biển Manche để tiến về Anh, ít nhất 27 người, bao gồm 17 người đàn ông, 7 phụ nữ và 3 trẻ nhỏ, cùng đi trên một xuồng nhỏ đã rơi xuống nước và thiệt mạng.

Trong bức điện khẩn gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tối ngày 25/11, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi hai nước sớm thiết lập đội tuần tra chung trên biển nhằm ngăn chặn tình trạng buôn người. Đồng thời, ông Johnson cũng kêu gọi hai bên thiết lập thỏa thuận chung cho phép trục xuất người di cư về lại Pháp.

Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm ngay trong tối ngày 24/11. Ông Macron đã “nhấn mạnh vào trách nhiệm chung của hai phía” và kêu gọi phía Anh cần “hạn chế lợi dụng những tình huống nhạy cảm nhằm mục đích chính trị”.

Hai nước từ lâu đã luôn gặp nhiều bất đồng trong vấn đề kiểm soát người di cư. Paris thường xuyên cáo buộc London không hỗ trợ nước này nói riêng và EU nói chung trong hoạt động ngăn chặn buôn bán người và kiểm soát biên giới.

Trụ sở Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên. (Nguồn: Wikidata)
Trụ sở Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên. (Nguồn: Wikidata)

Nga rút hầu hết nhân viên khỏi Đại sứ quán tại Triều Tiên

NK News đưa tin, ngày 24/11, hầu hết nhân viên làm việc cho Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên đều đã rút về nước. Theo đó, hiện chỉ còn 2 nhân viên túc trực tại Đại sứ quán, bao gồm cả Đại sứ Aleksandr Matsegora.

Các nhân viên về nước thông qua đường sắt nối liền giữa ga Tumangang tại Triều Tiên và huyện Khasan thuộc Nga. Trước đó, vào hồi tháng 7, hơn 90 nhân viên làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Bình Nhưỡng cũng đã cùng người thân về nước thông qua tuyến đường này.

Trong tháng 11 này, Đại sứ quán Romania cũng tiến hành đóng cửa và rất nhiều nhân viên của Đại sứ quán Trung Quốc đã rút về nước.

Những hoạt động của các cơ quan ngoại giao tại Pyongyang đã suy giảm đáng kể từ tháng 2/2020, khi chính quyền của ông Kim Jong-un thi hành biện pháp đóng cửa biên giới nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Haiti công bố nội các mới

4 tháng sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moïse, Thủ tướng Haiti Ariel Henry đã tuyên bố thành lập nội các mới và tuyên thệ nhậm chức vào ngày 24/11.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Haiti đang phải ứng phó với nhiều bất ổn, các vụ đụng độ bạo lực của các băng nhóm, bắt cóc người dân đòi tiền chuộc, tổ chức tấn công vào khu dân cư ngày càng gia tăng.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Ariel Henry cho biết chính quyền của ông đang làm những gì tốt nhất có thể để đảm bảo an toàn cho công cộng với nguồn lực mà họ có.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại những nghi ngờ xoay quanh việc liệu ông Ariel Henry có thể lập ra một bản hiến pháp mới và tổ chức tổng tuyển cử vào năm tới như đã hứa.

Ly Lê