Nhà miễn dịch học nêu nguyên nhân chính của làn sóng Covid-19 mới ở châu Âu

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:57, 24/11/2021

Làn sóng dịch bệnh thứ tư ở châu Âu là do nhiều nguyên nhân cùng một lúc, mà nguyên nhân chính là việc một bộ phận dân số từ chối tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

Nhận định trên của Tiến sĩ Jean-Luc Gala, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Công giáo Louvain ở Bỉ chia sẻ với hãng tin RIA của Nga mới đây.

“Tiêm chủng hoạt động rất hiệu quả, nếu không có nó, một cuộc cấm vận đã được đưa ra khắp châu Âu. Vấn đề chính nằm ở một bộ phận người dân vẫn từ chối tiêm chủng vì nhiều lý do khác nhau. Trong số những người nhập viện được chăm sóc đặc biệt, 90% chưa được tiêm chủng”, chuyên gia nói.

Đồng thời, ông thừa nhận rằng trong số những người nhập viện có cả những người có “phản ứng miễn dịch kém”, những người cao tuổi - những người có nguy cơ tái bệnh đặc biệt cao.

Nhà miễn dịch học nêu nguyên nhân chính của làn sóng Covid-19 mới ở châu Âu
Nhà miễn dịch học nêu nguyên nhân chính của làn sóng Covid-19 mới ở châu Âu. (Ảnh: RIA)

Tuy nhiên, ông Gala gọi yếu tố thời gian là một lý do khác dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ mắc mới Covid-19, vì đã hơn 6 tháng trôi qua kể từ khi nhiều người dân được tiêm chủng và ở một số người trong số họ, khả năng miễn dịch đang suy yếu.

“Chúng ta có thể đi đến một tình huống tương tự như bệnh cúm, khi việc tiêm chủng được thực hiện hàng năm. Về việc tuyên bố bắt buộc tiêm chủng, một cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn”, ông Gala cho biết.

Trong số các yếu tố góp phần vào sự lây lan của Covid-19, ông cũng đặt tên cho một biến thể mới hung hãn hơn là Delta, đang hoành hành ở các nước châu Âu. Ngoài ra, ông cũng chỉ ra rằng những người trẻ tuổi mắc Covid-19 không có triệu chứng có thể góp phần vào sự lây lan của dịch bệnh này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tuần qua, gần 3,6 triệu người trên thế giới đã bị mắc Covid-19, hơn 51 nghìn bệnh nhân đã tử vong. Số ca mắc mới cũng như số ca tử vong đều tăng 6% so với 7 ngày trước đó.

WHO lưu ý rằng, gần 67% các trường hợp mắc mới xảy ra ở châu Âu, nơi tỷ lệ mắc bệnh tăng lên 11%. Đồng thời, trong tuần qua, số ca mắc đã giảm ở Đông Nam Á (11%), Đông Địa Trung Hải (9%) và châu Phi (4%).

Tỷ lệ tử vong gia tăng được ghi nhận ở khu vực Tây Thái Bình Dương (29%), ở châu Mỹ (19%) và châu Âu (3%). Số người chết giảm được ghi nhận ở châu Phi (30%), Đông Nam Á (19%) và Đông Địa Trung Hải (4%).

Theo WHO, biến chủng Delta của Covid-19 tiếp tục là biến chủng nguy hiểm. Trong 60 ngày qua, chúng đã được phát hiện trong 99,8% số mẫu.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, sự gia tăng mới của tỷ lệ mắc Covid-19 không chỉ với mức độ tiêm chủng không đầy đủ, mà còn với sự suy yếu của việc sử dụng các biện pháp bảo vệ như: đeo khẩu trang thường không che mũi, quên giữ khoảng cách xã hội và không khử trùng tay khi từ nơi công cộng trở về.

Theo một mghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), việc đeo khẩu trang giúp giảm 53% tỷ lệ mắc Covid-19.

Các tác giả nghiên cứu cho biết, việc giữ khoảng cách, rửa tay và đeo khẩu trang là các biện pháp có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ mắc Covid-19, trong đó đeo khẩu trang mang lại hiệu quả cao nhất.

Nhóm nghiên cứu, bao gồm các chuyên gia y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm ở Australia, Trung Quốc và Anh, đã đánh giá 72 nghiên cứu về các biện pháp phòng ngừa Covid-19 trong đại dịch. Sau đó, họ xem xét 8 nghiên cứu tập trung vào rửa tay, đeo khẩu trang và khoảng cách.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đeo khẩu trang giúp tỷ lệ mắc Covid-19 giảm 53%. Trong phân tích rộng hơn đối với các nghiên cứu bổ sung, đeo khẩu trang làm giảm sự lây truyền virus SARS-CoV-2, giảm các trường hợp mắc và tử vong.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nhận thấy biện pháp hạn chế tiếp xúc giúp giảm 25% tỷ lệ mắc Covid-19. Rửa tay cũng giúp giảm đáng kể các ca nhiễm Covid-19 lên tới 53%, nhưng kết quả này không có ý nghĩa thống kê do chỉ có ít nghiên cứu về tác dụng của biện pháp này trong ngăn ngừa dịch bệnh.

Thanh Bình (lược dịch)