Cần Thơ, Hậu Giang linh hoạt phương thức điều trị F0 tại nhà

Tin Y tế - Ngày đăng : 19:36, 22/11/2021

Những ngày qua, các địa phương ở ĐBSCL đã và đang triển khai việc cách ly, điều trị F0 tại nhà, trước tình trạng quá tải của ngành y tế. Trong khi một số nơi sẽ ứng dụng công nghệ trong điều trị F0 tại nhà, tuy nhiên vẫn có nơi tạm thời chưa thể triển khai vì chưa đảm bảo các điều kiện thiết yếu.

Cần Thơ thực hiện quản lý, điều trị F0 bằng ứng dụng thông minh

Theo kế hoạch thực hiện quản lý, điều trị F0 tại nhà trên địa bàn do UBND TP Cần Thơ ban hành, các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà cần thỏa mãn các tiêu chí lâm sàng và tự chăm sóc.

Theo đó, phải là người dương tính với SARS-CoV-2 được khẳng định bằng phương pháp RT-PCR không có triệu chứng lâm sàng, hoặc triệu chứng ở mức độ nhẹ; không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ôxy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, không có thở bất thường...

Ngoài ra, người nhiễm phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đủ 14 ngày, không có bệnh nền và không đang trong giai đoạn mang thai.

Kế hoạch cũng yêu cầu nơi cách ly phải là nhà, căn hộ, phòng trọ có phòng riêng cho người cách ly, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Trước cửa có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng với nội dung "Nhà có người cách ly y tế", đồng thời khuyến khích lắp camera để giám sát người cách ly.

Trao đổi với PV ngày 22.11, ông Nguyễn Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ - cho biết, hiện quận đã phân loại các F0 và chia thành 2 nhóm: Đủ điều kiện và không đủ điều kiện điều trị tại nhà. Những người không đủ điều kiện phần lớn là người lớn tuổi, có bệnh lý, bệnh nền, có nguy cơ chuyển biến nặng.

"Bệnh nhân điều trị tại nhà phải đảm bảo sử dụng phần mềm quản lý trên ứng dụng của Viettel. Các F0 và F1 khi đã có kết quả truy vết thì Trung tâm Y tế sẽ phân chia theo 2 nhóm đối tượng, nếu thuộc nhóm đối tượng cách ly tại nhà sẽ được hướng dẫn sử dụng cài đặt app" - ông Ánh cho hay.

 
Một phòng trọ thực hiện cách ly y tế tại nhà phòng COVID-19. Ảnh: Đạt Phan

Theo đó, mỗi ngày các F0, F1 sẽ tiến hành khai báo y tế trên app, thông qua app người dân có thể gửi yêu cầu để được hỗ trợ trong thời gian điều trị. Đặc biệt, trong app sẽ có định vị để quản lý việc di chuyển của F0, nhằm hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng.

Cũng theo ông Ánh, về cơ bản quận sẽ quản lý người bệnh thông qua app, tuy nhiên mình vẫn thực hiện việc giăng dây, treo bảng trước cửa nhà, thứ nhất nhằm mục đích cộng đồng sẽ là người quản lý họ, thứ hai hệ thống camera an ninh cũng sẽ hỗ trợ trong việc giám sát, quản lý người bệnh. Hiện tại, quận Ninh Kiều đã quản lý hơn 400 ca F0 trên địa bàn.

Chưa đảm bảo điều kiện để điều trị F0 tại nhà

Theo đó, tỉnh Hậu Giang có 60/75 đơn vị cấp xã, 386 ấp, khu vực được đánh giá mức độ dịch cấp 2; 15 xã, 139 ấp mức độ dịch cấp 3. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh này đã lên phương án đáp ứng cách ly, điều trị cho khoảng 5.000 bệnh nhân COVID-19.

Ông Trương Văn Khanh - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang - thông tin, về năng lực điều trị, tỉnh có 10 cơ sở điều trị COVID-19 với tổng số 3.340 giường, trong đó tầng 1 là 2.680 giường, tầng 2 là 520 giường, tầng 3 là 140 giường. Mặc dù trước đó đã có chủ trương thực hiện cách ly F1, thí điểm cách ly điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, tuy nhiên theo ông Khanh, nếu F0 cách ly, điều trị tại nhà thì nguy cơ lây nhiễm cộng đồng sẽ cao hơn.

Đặc biệt, hiện nay rất ít nhà dân trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện để thực hiện cách ly, điều trị tại nhà. Theo đó, để được cách ly, điều trị tại nhà, người bệnh phải đảm bảo đủ khả năng tự chăm sóc bản thân, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu.

Để được cách ly, điều trị tại nhà, người bệnh phải đảm bảo các điều kiện. Ảnh minh họa: Thục Lam
Để được cách ly, điều trị tại nhà, người bệnh phải đảm bảo các điều kiện. Ảnh minh họa: Thục Lam

Ngành y tế đề xuất khi áp dụng cách ly F1 tại nhà thì các khu cách ly tập trung chuyển thành khu điều trị F0 không triệu chứng ở tuyến huyện và phân cấp cho huyện ra quyết định thành lập. Qua khảo sát tại 8 huyện, thị xã, thành phố có thể triển khai khoảng 1.500 giường và khi tăng lên khoảng 5.000 người điều trị, tỉnh vẫn có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, đề xuất vẫn chưa triển khai F0 quản lý, điều trị tại nhà.

Tính từ ngày 8.7 đến nay, tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận 3.749 ca mắc. Số bệnh nhân hiện đang điều trị là 1.831 ca. Tỉnh đang tiếp tục triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên đến cuối ngày 21.11.2021 đã tiêm được 813.638 liều (trong đó 302.539 người đã tiêm 2 mũi; 208.560 người mới tiêm mũi 1).

Ngoài ra, tỉnh đã triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, hiện đã tiêm được 70.270 liều, đạt 99,78%.

BẠCH CÚC - TẠ QUANG