Bất chợt về nhà, mẹ sốc vì con trai tiểu học thành 'game thủ chiến đấu' ngay trong giờ học online

Xã hội - Ngày đăng : 09:52, 21/11/2021

Học online tiếp xúc với máy tính thời gian dài, không ít học sinh tìm đến trò chơi trực tuyến kể cả trong và ngoài giờ học, cuối cùng nghiện game lúc nào không hay.

Dịch Covid-19 bùng phát khiến học sinh nhiều địa phương nhất là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM phải học trực tuyến thời gian dài.

Việc học sinh tiếp xúc với máy tính, thiết bị điện tử thời gian dài đã khiến các em sa đà vào các trò game online mà cha mẹ không hề biết. Chơi nhiều thành quen, có em nghiện game dẫn đến bỏ bê học hành, thậm chí giảm thị lực, ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.

Chia sẻ về trường hợp của cậu con trai 10 tuổi của mình, chị Nguyễn Ngọc Bích (Tây Hồ, Hà Nội) dở khóc, dở cười nói: “Con trai tôi vốn mê game liên quân nên ngày thường tôi cho cháu mỗi ngày chơi 30 phút và chỉ chơi trong thời gian ấy rồi dừng lại.

Thế nhưng, mọi thứ dần mất kiểm soát khi việc học trực tuyến của cháu kéo dài. Vợ chồng tôi thì đi làm nên ở nhà cháu luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để chơi game.  Sáng nào con cũng dậy đúng giờ, vào lớp học trong zoom điểm danh đầy đủ.

Tình cờ một lần về nhà vào giữa buổi, tôi tá hỏa khi thấy con vừa học online vừa chat, vừa chơi game trực tuyến. Những thao tác trong game của con nhanh như cắt và con thành game thủ từ lúc nào tôi không hay. Không thể tin nổi khi mỗi ngày thằng bé dùng đến 3 tiếng chơi game”.

Hiện giờ, vợ chồng chị Bích đã dùng đủ các cách, thậm chí cấm cản, thu máy tính nhưng vẫn chưa thể "cai nghiện" game cho con trai.

Bất chợt về nhà, mẹ sốc vì con trai tiểu học thành 'game thủ chiến đấu' ngay trong giờ học online
(ảnh minh họa)

Chị Bích chỉ là một trong số những phụ huynh đau đầu vì việc con thành "game thủ" trong quá trình học trực tuyến. Trên một diễn đàn mạng xã hội về “cai nghiện” game cho con, nhiều phụ huynh ngao ngán, cảm thấy bất lực khi không biết làm sao tách con ra khỏi các game online.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, trong bối cảnh giãn cách, trẻ phải ở nhà, làm bạn với các thiết bị điện tử đã khiến tình trạng học sinh nghiện game trở nên đáng báo động.

“Tôi cho rằng để “cai nghiện” game cho con, phụ huynh không nên cấm cản con một cách thô bạo. Bởi thực tế, hiện nay học sinh cũng ý thức rất tốt về quyền được tự do, quyền thể hiện chính kiến hay chọn lựa phương thức giải trí của mình.

Và việc bố mẹ cấm con sử dụng internet, cấm con chơi game… rất dễ khiến trẻ nảy sinh những hành động tiêu cực nằm ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt với những em đang trong giai đoạn bất ổn.

Trước tiên, cha mẹ có thể dần "cai nghiện" game online cho con bằng cách tạo ra một niềm vui khác, có thể là lên kế hoạch về hoạt động thể thao, vui chơi trong khoảng thời gian mà con rảnh rỗi, từ đó giúp ngắt mạch con ra khỏi game online.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể cùng con định hướng trò chơi. Trên thực tế, bên cạnh nhiều tựa game không lành mạnh, thì có rất nhiều trò chơi điện tử phù hợp với lứa tuổi của trẻ, vừa mang tính văn hóa, giáo dục, vừa chứa đựng sự đấu tranh tích cực.

Bố mẹ hãy thống nhất với trẻ rằng con không được chơi những game có nội dung bạo lực, đánh bạc hay khiêu dâm… bởi những game này không phù hợp với độ tuổi”.

Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia này thì phụ huynh cần quy định cho con thời gian chơi game, ví dụ như bao nhiêu tiếng/tuần, không nên quy định theo ngày bởi nếu lượng thời gian trong ngày quá ít, đứa trẻ sẽ không chấp nhận.

Thậm chí, bố mẹ có thể trải nghiệm chơi game cùng con, để tìm hiểu tại sao con bị hấp dẫn, từ đó có thể đưa ra giải pháp "cai game" hiệu quả nhất.

“Phụ huynh cũng cần dành thời gian trò chuyện cũng như giải thích cho con hiểu việc bố mẹ kiểm soát thời gian chơi game của con không phải là cấm đoán mà cả hai chỉ muốn con có được sự cân bằng trong cuộc sống thực và thế giới ảo, từ đó đảm bảo cho con những trải nghiệm trên internet một cách phù hợp.

Trong quá trình tạo ra những hoạt động giải trí lành mạnh nhằm giảm bớt thời gian chơi game của con, cha mẹ nên cùng con cái tham gia các hoạt động chung để kéo con lại gần hơn với mình. Được thấu hiểu, quan tâm, đứa trẻ sẽ có xu hướng nghe lời hơn”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Hoàng Thanh