Triển vọng tươi sáng trong xử lý các vấn đề Biển Đông

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:53, 19/11/2021

Bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn”, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao đã chia sẻ về mục đích và ý nghĩa của sự kiện học thuật uy tín và được mong đợi trong giới học giả về chủ đề Biển Đông này.
Khai mạc Hội thảo quốc tế về Biển Đông ‘Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn’
Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13. (Ảnh: Tuấn Anh)

Xin bà cho biết một số điểm mới đáng chú ý trong kì Hội thảo năm nay?

Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Hội thảo Biển Đông được tổ chức tại Học viện Ngoại giao và là sự kiện quốc tế lớn nhất đầu tiên được tổ chức tại đây sau khi Tòa nhà mới được đưa vào sử dụng.

Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục phức tạp và lan rộng, Hội thảo năm nay được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, tạo điều kiện để đông đảo diễn giả và người tham dự có thể đóng góp cho hội thảo. Nhờ đó, chúng tôi đã mời được nhiều diễn giả rất nổi tiếng ở khắp các quốc gia trên thế giới.

Năm nay, Hội thảo thu hút sự tham gia của 50 nhà khoa học ở các quốc gia trên thế giới, và hàng trăm chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt, Hội thảo có bài phát biểu dẫn đề của nguyên Thủ tướng Australia Kenvin Rudd, nguyên Ngoại trưởng Indonesia Marty M.Natalegawa và Quốc vụ khanh phụ trách khu vực châu Á Amanda Milling, Giám đốc điều hành Chính sách an ninh và phòng thủ chung (CSDP) của Liên minh châu Âu Pawel Herczynski, và nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sujan Chinoy. Điều này cho thấy uy tín của Hội thảo ngày càng được khẳng định.

Thứ ba, ngoài việc tiếp tục duy trì sự đa dạng đối với các diễn giả, người điều phối để tạo sự đa dạng về quan điểm nhằm đem lại nhiều góc nhìn phong phú về Biển Đông, Hội thảo cũng chú trọng việc áp dụng công nghệ để cải thiện có hiệu quả hơn, sôi nổi hơn sự tương tác, hỏi đáp, trao đổi giữa các diễn giả và đại biểu, tạo thuận lợi nhất cho việc chia sẻ các quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm.

"Diễn ra thường niên, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông mỗi năm lại có những chủ đề mới mẻ về Biển Đông để các học giả, nhà nghiên cứu có cơ hội thảo luận.

Tôi nghĩ rằng ngoại giao Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ hội thảo này nhằm nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế".

Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe

Vì sao cho đến nay các quốc gia vẫn chưa đưa ra được giải pháp hợp tác hiệu quả trong vấn đề Biển Đông mặc dù tất cả đều công nhận lợi ích khi khu vực này ổn định và phát triển?

Biển Đông là khu vực tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và bất ổn. Trong một năm qua, cạnh tranh nước lớn và các cơ chế hợp tác mới xuất hiện trong khu vực đặt ra các vấn đề mới đối với cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN.

Ở một khu vực có tính địa chính trị quan trọng và có ý nghĩa lớn như vậy, việc các quốc gia cùng tìm ra một giải pháp cho các vấn đề Biển Đông là điều không dễ dàng. Mặc dù các quốc gia đều thể hiện có lợi ích khi khu vực Biển Đông ổn định và phát triển, nhưng để đạt được sự đồng thuận và tìm ra giải pháp cho sự hòa bình ổn định đó, thì vẫn là một chặng đường dài đầy cam go.

Chúng tôi rất phấn khởi vì sự quan tâm, coi trọng của học giả các nước đối với vấn đề Biển Đông. Những trao đổi tại Hội thảo cho thấy quyết tâm, nỗ lực của các nước đóng góp vào môi trường hòa bình ổn định chung. Đây là yếu tố quan trọng, góp phần từng bước giảm bớt căng thẳng, xung đột trong khu vực để tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn.

Tuy nhiên, rõ ràng đây không phải là câu chuyện một sớm một chiều và những diễn biến căng thẳng lúc tăng lên, lúc giảm xuống, cũng là điều tự nhiên trong một bối cảnh như vậy.

Triển vọng tươi sáng trong xử lý các vấn đề Biển Đông
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề ‘Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn’. (Ảnh: Tuấn Anh)

Theo chương trình Hội thảo năm nay, ngoài 8 phiên chính thức, còn có 3 phiên Lãnh đạo trẻ. Xin bà chia sẻ ý nghĩa của diễn đàn dành cho thế hệ trẻ này? Liệu đây có phải là “vì một tương lai tươi sáng hơn” trong chủ đề của Hội thảo?

Đúng vậy, bên lề Hội thảo, chúng tôi đã mời các học giả, các nhà nghiên cứu trẻ bình luận về những nội dung đã thảo luận ở các phiên chính. Đây cũng là một điểm mới tại Hội thảo năm nay.

Thông qua đó, chúng ta có thể lắng nghe những vấn đề được trình bày trong Hội thảo một cách đa chiều hơn, truyền tải đến những người quan tâm những nội dung cụ thể và hữu ích.

Trong các phiên Lãnh đạo trẻ, từ người dẫn chương trình đến các thành viên của phiên đều là những nhà nghiên cứu, các bạn sinh viên trẻ. Tại đó, họ có thể chia sẻ những góc nhìn, cách tiếp cận của riêng mình về vấn đề Biển Đông, cũng chính là tương lai lợi ích của họ sau này.

Chúng tôi hy vọng rằng Hội thảo sẽ trở thành diễn đàn cho cả thế hệ trẻ chia sẻ quan điểm, góp thêm tiếng nói về vấn đề Biển Đông. Thông qua cách tiếp cận đặc biệt, mới mẻ của mình, giới trẻ có thể góp phần mở ra một triển vọng tươi sáng trong xử lý các vấn đề ở Biển Đông.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

"Tôi trân trọng sự lựa chọn của Học viện Ngoại giao đối với chủ đề Hội thảo năm nay: Nhìn lại quá khứ để có một tương lai tươi sáng hơn. Ý nghĩa của nhìn lại quá khứ không phải là để khơi dậy hay xét lại những gì đã xảy ra trong quá khứ mà là để nhìn lại những bài học kinh nghiệm, áp dụng vào thực tiễn ngày hôm nay nhằm hướng đến tương lai tốt đẹp hơn".

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu

Trang Trần