Liên Hợp Quốc cảnh báo tình trạng sản xuất thuốc phiện đáng báo động ở Afghanistan

Đối ngoại - Ngày đăng : 06:15, 19/11/2021

Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) mới đây đã công bố một báo cáo về tình hình sản xuất ma túy ở Afghanistan.

Theo đó, UNODC kết luận rằng, tình hình ở Afghanistan rất đáng thất vọng: trừ khi có hành động khẩn cấp, xuất khẩu thuốc phiện của nước này sẽ tăng vọt. Trong điều kiện đó, chính phủ mới của Afghanistan, vẫn chưa cho thấy sẵn sàng dẹp bỏ việc sản xuất ma túy.

Báo cáo phân tích tác động của vụ thuốc phiện năm 2021 cho hay, hóa ra tỷ lệ này cao hơn 8% so với kỷ lục năm ngoái, khi diện tích trồng cây thuốc phiện tăng 37%. Năm 2020, Afghanistan chiếm 85% sản lượng thuốc phiện trên thế giới. Kỷ lục đáng buồn này có thể bị phá vỡ trong năm nay.

Liên Hợp Quốc cảnh báo tình trạng sản xuất thuốc phiện đáng báo động ở Afghanistan
Đến năm 2020, thuốc phiện xuất xứ từ Afghanistan chiếm 85% lượng thuốc phiện trên toàn thế giới. (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, việc sản xuất không chỉ heroin mà cả methamphetamine cũng đang phát triển nhanh chóng ở Afghanistan. Tất cả những điều này đã được chuyển đến Châu Âu - thị trường chính của các sản phẩm ma túy Afghanistan.

Theo các nguồn tin, sự thay đổi của chính phủ trong nước đã dẫn đến việc tăng giá thuốc phiện. Vào tháng 8, khi Taliban chiếm Kabul, giá mặt hàng cấm này đã tăng gấp đôi so với tháng 5. Tuy nhiên, điều này sẽ lại khuyến khích người Afghanistan tăng cường trồng cây thuốc phiện. Mùa vụ mới thuốc phiện được gieo vào tháng 11, vì vậy mức độ của thảm họa vẫn chưa rõ ràng.

Trước đây, khi Taliban lần cuối cùng nắm quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Afghanistan cách đây 20 năm, họ đã nhanh chóng đạt được những bước tiến ấn tượng trong cuộc chiến chống sản xuất ma túy.

Cũng chính UNODC trong các báo cáo đã tuyên bố một cách ngạc nhiên rằng, trong năm 2000-2001, sau 2 thập kỷ tăng trưởng liên tục, diện tích cây thuốc phiện ở nước này (chính xác hơn là ở phần mà Taliban cai trị) đã giảm 91%, từ khoảng 82 triệu ha xuống còn xấp xỉ 7.600 ha.

Taliban đạt được kết quả này bằng cách không chỉ sử dụng vũ lực mà còn nhượng bộ một số vấn đề đối với các bộ lạc và cộng đồng địa phương liên quan đến sản xuất ma túy.

Các chuyên gia chỉ ra một số lý do tại sao hàng triệu nông dân Afghanistan chọn trồng cây thuốc phiện thay vì các loại cây khác. Theo đó, nhu cầu về sản phẩm này không hề giảm và cây thuốc phiện tương đối dễ trồng và dễ bảo quản.

Liên Hợp Quốc cảnh báo tình trạng sản xuất thuốc phiện đáng báo động ở Afghanistan
Những cánh đồng trồng cây anh túc thuộc quyền sở hữu của những bộ tộc không theo Taliban vẫn thường được quân đội chính phủ Kabul làm ngơ. (Ảnh: AP)

Cuối cùng, những kẻ buôn bán ma túy cung cấp các khoản vay cho nông dân để tiếp tục các vụ thu hoạch trong tương lai. Mặc dù thu nhập mà các nhà sản xuất ma túy bình thường ở Afghanistan kiếm được là rất ít (theo UNODC, một gia đình 6-7 người có thể kiếm được không quá 1.000 USD/năm), nhưng dù sao nó vẫn ổn định, điều này rất quan trọng đối với một quốc gia bị chia cắt bởi nội chiến liên miên.

Giờ đây, trong các cuộc đàm phán quốc tế về tương lai của Afghanistan, chủ đề chống sản xuất ma túy trong nước không phải là chủ đề chính. Taliban được yêu cầu thành lập các cơ quan chính phủ để bảo vệ quyền của phụ nữ, tuy nhiên không chống lại việc trồng cây thuốc phiện. Về phía Taliban, lực lượng này đang liên kết vấn đề chống sản xuất ma túy với việc cung cấp hỗ trợ tài chính từ nước ngoài.

Vào tháng 8, phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid tuyên bố, Afghanistan sẽ trở thành một quốc gia không có ma túy chỉ khi các nhà chức trách mới nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ cộng đồng quốc tế.

Ông Mujahid nói: “Hãy cung cấp cho chúng tôi nền văn hóa thay thế và chúng tôi sẽ chấm dứt ma túy”.

Tuy nhiên, đây vẫn là một chặng đường dài. Afghanistan đã không tiến hành các hoạt động kinh tế đối ngoại bình thường kể từ khi chính phủ của Ashraf Ghani sụp đổ. Tài sản nhà nước bị phong tỏa ở các ngân hàng nước ngoài, chủ yếu là người Mỹ và không rõ ai sẽ xử lý chúng - chính quyền cũ hay mới.

Bên cạnh đó, nhiều nỗ lực không thành công của cả người Mỹ và chính phủ Afghanistan cũ để thay thế văn hóa ma túy được phơi bày. Không có lý do gì để tin rằng Taliban sẽ thành công hơn, ít nhất là chừng nào cuộc đổ máu vẫn tiếp diễn trong nước và người nông dân vẫn không chắc chắn về tương lai của mình.

Tháng 6/2021, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết, nhóm phiến quân Taliban đã thu được khoản thuế lên tới khoảng 460 triệu USD từ những người trồng thuốc phiện trong năm 2020.

Thanh Bình (lược dịch)