'Cuộc chiến không tiếng súng' giữa phụ nữ Afghanistan và Taliban

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:36, 15/11/2021

Những lời hứa suông của Taliban khiến phụ nữ và bé gái Afghanistan rơi vào tuyệt vọng, khi họ vẫn chưa được phép đi học và đi làm trở lại.

Khi lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan vào những năm 1990, Sara Seerat mới chỉ là một đứa trẻ. Trong quá trình lớn lên, cô đã được mọi người kể lại những câu chuyện về nạn bạo lực, những điều cấm kị và tình trạng di cư mà nguyên nhân xuất phát từ Taliban.

“Sau 20 năm, những câu chuyện trong quá khứ lại tái diễn. Tôi nhận thấy mọi chuyện bây giờ còn kinh khủng hơn nhiều. Tình hình hiện nay tác động tới mọi mặt đời sống phụ nữ như công việc, giáo dục và hoạt động văn hóa. Điều duy nhất còn lại là chúng tôi vẫn còn sống, trong khi một số người khác không còn”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời cô Seerat (27 tuổi).

'Cuộc chiến không tiếng súng' giữa phụ nữ Afghanistan và Taliban
Binh lính Taliban giải tán một cuộc biểu tình của phụ nữ Afghanistan ở thủ đô Kabul. (Ảnh: TNS)

Giống như Seerat, hàng ngàn phụ nữ Afghanistan đang phải sống trong cảnh bị giới hạn mọi quyền lợi, kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15/8. Nhiều phụ nữ không thể trở lại làm việc và họ đang phải vật lộn để có tiền trang trải cuộc sống.

Cô Seerat là nhà hoạt động vì quyền phụ nữ kiêm nhà báo. Cô có thời gian đảm nhận vị trí cố vấn cho Hội đồng Tối cao vì Phụ nữ, đơn vị từng thuộc Bộ Phụ nữ Afghanistan. Nhưng nay cô đã mất công việc này do Taliban cho giải thể Bộ Phụ nữ Afghanistan mà thay vào đó là Bộ Thúc đẩy Đức hạnh và Ngăn chặn Thói xấu. Đây cũng chính là cái tên mà chính quyền Taliban cầm quyền vào những năm 1990 đã sử dụng. Bộ này có nhiệm vụ trừng phạt những người phụ nữ mà Taliban coi là hành xử không phải phép. Hình phạt mà những phụ nữ bị kết tội phải nhận cũng vô cùng tàn nhẫn.

Trước khi Taliban lên nắm quyền kiểm soát, cuộc sống của cô Seerat vô cùng bận rộn khi đi dạy học, tham dự các cuộc họp, di chuyển từ thủ đô Kabul tới tỉnh nhà Kapisa. Nhưng nay mọi thứ "đứng yên".

Giống như nhiều quan chức khác trong chính phủ cũ của Afghanistan, tài khoản ngân hàng của cô Seerat cũng đã bị đóng. Thậm chí, giờ đây, cô Seerat còn phải di chuyển tới nơi khác sinh sống để tránh ẩn họa đe dọa tính mạng.

“Trong vài ngày đầu tiên Taliban nắm quyền ở Kabul, tôi muốn tham gia đoàn biểu tình và định mặc một chiếc áo khoác kèm chân váy trên đầu gối sau đó trùm chiếc khăn không phủ hết tóc. Nhưng khi mẹ tôi nhìn thấy, bà nói rằng tôi phải mặc trùm kím từ đầu tới chân. Giờ đây những bộ quần áo tôi từng mặc trước thời Taliban chiếm Kabul chỉ còn để trong thùng giấy, bởi tôi không thể sử dụng chúng bây giờ”, cô Seerat chia sẻ.

Ngay cả chuyện tự bắt taxi với cô Seerat hiện là không thể. “Tôi cảm thấy cần có một người đàn ông hộ tống. Chuyện này rất khó tả, tôi luôn cảm thấy có mối đe dọa và sợ hãi hiện hữu mỗi khi đi ra ngoài”, cô Seerat nói.

Ngày kinh hoàng

Vào ngày 9/10, khi Taliban tuyên bố nội các trong chính phủ lâm thời không có quan chức nào là nữ giới, cô Seerat quyết định thuyết phục anh trai hộ tống tới Kapisa để cùng những người bạn tổ chức biểu tình đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Địa điểm biểu tình là tại khu vực trước cổng một trường cấp 3. Khi nhóm biểu tình mới bắt đầu giăng biểu ngữ và hô lớn, những chiếc xe tải chở lính Taliban đã bất ngờ xuất hiện và lao vào đánh đuổi.

Cô Seerat và một số người biểu tình cố chạy thoát thân và trốn vào ngôi nhà gần đó. Nhưng họ vẫn bị Taliban đuổi đến cùng và đánh đập không thương tiếc. Người anh trai và 2 người họ hàng của cô Seerat đã bị Taliban bắt giữ. Dù đã cố chạy, nhưng cô Seerat cũng bị các tay súng Taliban bắt lại và nhốt trong ô tô suốt 3 tiếng đồng hồ. Cô Seerat được thả, còn người anh trai và 2 người họ hàng bị Taliban giam giữ để chờ ngày xét xử.

“Đó đúng là một ngày kinh hoàng. Lần đầu tiên tôi chứng kiến một cuộc biểu tình biến thành bạo lực dưới tay Taliban”, cô Seerat nhớ lại.

Sau đó, cô Seerat còn nhận được nhiều tin nhắn đe dọa không chỉ từ Taliban, mà còn từ một số người dân địa phương biết tới cô thông qua mạng xã hội.

Bất chấp những mối đe dọa tiềm tàng, cô Seerat yêu cầu được dùng tên thật trong bài phỏng vấn của phóng viên SCMP.

“Tôi đã mất mọi thứ. Nhưng tôi không thể giết chết tên của mình”, cô Seerat quả quyết.

'Cuộc chiến không tiếng súng' giữa phụ nữ Afghanistan và Taliban
Hai nữ sinh Afghanistan đứng bên quầy bán sách ngoài Đại học Kabul. (Ảnh: Reuters)

Cần phải rời đi 

Sau khi lên nắm quyền, Taliban hứa hẹn sẽ đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ Afghanistan từ giáo dục cho tới việc làm nhưng phải tuần theo đạo Hồi. Song phụ nữ Afghanistan cho rằng, đây mãi chỉ là lời hứa suông.

Theo cô Seerat, các nhà hoạt động, nhà báo, thẩm phán và công tố viên hiện là những đối tượng gặp nguy hiểm dưới thời Taliban.

Cô Seerat đã nộp đơn xin cấp visa tới Mỹ, Canada và Đức, nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Theo cô Seerat, việc tự di chuyển tới biên giới Pakistan ẩn chứa đầy rủi ro và bản thân cô cũng không còn tiền do tài khoản ngân hàng đã bị khóa.

“Giới hạn trên mọi mặt trận. Tôi nghĩ có lẽ mình phải ở lại và chờ xem số phận đi về đâu”, cô Seerat nói thêm.

Tương tự như tình cảnh của cô Seerat, cô Nilofar (nhân vật đã thay đổi tên) cũng 27 tuổi và từng là nhân viên của một tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở ở đông bắc Afghanistan, nhấn mạnh cô cần đi khỏi Afghanistan để hai con gái có cuộc sống tươi đẹp hơn.

“Đơn xin di cư của tôi đã có đầy đủ giấy tờ liên quan. Tình huống đang rất khẩn cấp, nhưng họ lại xem xét hồ sơ với tốc độ như tình hình bình thường”, cô Nilofar cho biết, cô đã nộp đơn xin visa tới Mỹ, Canada, Đức và Pháp, nhưng chưa nhận được hồi âm.

“Tôi cần phải rời đi vì hai con gái của mình và để có thể hỗ trợ cho tương lai của những bé gái Afghanistan khác. Con gái 3 tuổi của tôi nói muốn trở thành bác sĩ. Tôi muốn con bé đạt được ước mơ. Nếu những giới hạn mà Taliban đặt ra vẫn được duy trì, ước mơ của hàng trăm bé gái Afghanistan sẽ không bao giờ trở thành sự thật”, cô Nilofar chia sẻ.

Cũng theo người mẹ hai con, dù nhận được nhiều lời đe dọa tính mạng, nhưng nếu chính phủ lâm thời Taliban có dấu hiệu cải thiện quyền cho phụ nữ và bé gái ở Afghanistan, cô sẵn sàng ở lại đất nước để làm việc. Còn hiện tại, hoạt động đi cắm trại vào cuối tuần hoặc đi mua sắm hàng hóa ở khu vực cô sinh sống vẫn đang chịu các quy định giới hạn khắt khe của Taliban.

“Chúng tôi muốn cộng đồng quốc tế gia tăng thêm sức ép với Taliban để đảm bảo phụ nữ và bé gái được tiếp cận các quyền cơ bản như giáo dục và việc làm. Một đất nước không chỉ có một giới và cũng không thể phát triển khi chỉ có một giới”, cô Nilofar nhấn mạnh.

Minh Thu (lược dịch)