"Chạy đua" thu ngân sách, các địa phương "ồ ạt" đấu giá đất

Xã hội - Ngày đăng : 10:12, 13/11/2021

Để có nguồn trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản, các địa phương tại Ninh Bình đang "ồ ạt" đấu giá đất, "chạy đua" với thời gian để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách.

Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, UBND tỉnh Ninh Bình liên tục ban hành các quyết định về việc phê duyệt giá khởi điểm để các địa phương trên địa bàn triển khai đấu giá quyền sử dụng đối với 1.057 lô đất ở.

Chạy đua thu ngân sách, các địa phương ồ ạt đấu giá đất - 1

Nhiều khu đất tại Ninh Bình được đưa ra đấu giá "ồ ạt" dịp cuối năm 2021.

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cho biết, năm 2021, tỉnh Ninh Bình được giao chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước là trên 18,6 nghìn tỉ đồng, trong đó thu từ đấu giá quyền sử dụng đất là 1.000 tỉ đồng. Đến ngày 31/10/2021, thu ngân sách từ việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mới chỉ đạt trên 786 tỉ đồng, đạt 79% so với dự toán được giao.

Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách và lấy nguồn vốn trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản, những tháng cuối năm 2021, nhiều địa phương tại Ninh Bình đang "ồ ạt" tổ chức đấu giá đất, "chạy đua" với thời gian.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ đầu tháng 10/2021 cho đến nay liên tục tổ chức các phiên đấu giá hàng trăm lô đất ở. Hầu hết, các mặt bằng được đưa ra đấu giá đất ở trước đây đều là diện tích đất nông nghiệp (trồng lúa). Sau khi thu hồi của các hộ dân, địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, mặt bằng để đưa ra đấu giá.

Chạy đua thu ngân sách, các địa phương ồ ạt đấu giá đất - 2

Đất các khu đất đưa ra đấu giá đất ở tại Ninh Bình hầu hết đều là đất nông nghiệp trước kia.

Điều đặc biệt, nhiều khu đất được đưa ra đấu giá có nơi còn chưa làm xong cơ sở hạ tầng như: đường, điện, nước, cống thoát nước khu dân cư, cây xanh… Mặt bằng đấu giá đất chưa hoàn thiện nhưng do áp lực "chạy đua" hoàn thành các chỉ tiêu về thu ngân sách và trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản nên các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn triển khai cho đấu giá.

Trao đổi với báo chí, ông Lã Khắc Khánh - Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình) cho biết, thông thường vào dịp cuối năm thì tỉ lệ các địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tăng cao. Nguyên nhân là do những tháng cuối năm, các địa phương phải "chạy đua" để hoàn thành các chỉ tiêu về thu ngân sách và lấy nguồn trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản.

Chạy đua thu ngân sách, các địa phương ồ ạt đấu giá đất - 3

Các địa phương khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa khu đất ra đấu giá vì "áp lực" thu ngân sách cuối năm và trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản.

Cũng theo ông Khánh, năm nay do dịch bệnh Covid-19, các địa phương không tổ chức đấu giá được nên dồn đến cuối năm. Bên cạnh đó, việc hoàn tất các thủ tục để đấu giá đất mất nhiều thời gian, đầu năm các địa phương triển khai các thủ tục và đến gần cuối năm mới hoàn tất và đưa ra đấu giá được.

Việc các địa phương tại Ninh Bình "ồ ạt" tổ chức đấu giá đất khi chưa thực hiện xong cơ sở hạ tầng dẫn đến tình trạng khi người trúng đấu giá xây dựng nhà ở thì chưa có hệ thống điện, nước và hạ tầng giao thông gây bức xúc cho người dân. Điều này đã dẫn đến tình trạng tỉ lệ lấp đầy các khu đất sau khi đấu giá thành công còn thấp, có nơi chỉ đạt dưới 30%.

Thời gian gần đây trên các hội, nhóm mạng xã hội về mua bán bất động sản ở Ninh Bình lại "nóng" lên về tình trạng mua bán đất sau khi đấu giá. Giá các lô đất được người trúng đấu giá công khai và giao bán cho người cần mua với giá chênh lên từ 10 - 50 triệu đồng/m2.

Chạy đua thu ngân sách, các địa phương ồ ạt đấu giá đất - 4

Nhiều lô đất sau khi được đấu giá đã được giao bán với giá "kênh" lên từ 10 - 50 triệu đồng/m2.

Trước đó, vào đầu năm 2021, tại Ninh Bình tình trạng "sốt" đất đã xảy ra tại các địa phương. Trong đó, "nóng" nhất là khu vực huyện Gia Viễn và thành phố Tam Điệp. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến trao đổi, mua bán đất tại mặt bằng quy hoạch khu dân cư xã Gia Thịnh, xã Gia Vượng, thị trấn Me của huyện Gia Viễn, hay các khu dân cư ở thành phố Tam Điệp…

Thanh Bình