Nhập viện hợp lý làm tăng tính chống chịu của hệ thống y tế trước đại dịch COVID-19

Tin Y tế - Ngày đăng : 08:20, 12/11/2021

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các bệnh viện phải dồn sức, tập trung cho điều trị, quản lý số lượng lớn bệnh nhân F0, vấn đề quản lý nhập viện hợp lý càng có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng tính chống chịu của hệ thống y tế trước đại dịch...

80% tổng chi y tế cho hệ thống bệnh viện

Nhấn mạnh tại hội thảo "Tăng cường nhập viện hợp lý tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tổ chức chiều ngày 11/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu rõ:Bệnh việncó vai trò vô cùng quan trọng, giữ vị trí cốt yếu trong cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Nhập viện hợp lý làm tăng tính chống chịu của hệ thống y tế trước đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu rõ, các giải pháp phải lấy người bệnh làm trung tâm, xuất phát từ nhu cầu cần chăm sóc sức khoẻ của người dân Ảnh: Nguyễn Nhiên

TS Nguyễn Khánh Phương- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế cho biết: Hiện nay chúng ta có một mạng lưới bệnh viện rộng khắp cả nước với tổng cộng 1.420 bệnh viện, trong đó chủ yếu là bệnh viện công lập được phân theo 3 tuyến trung ương, tỉnh và huyện.

Số giường bệnh trung bình trên 1 vạn dân là 28,5 giường. Trong thời gian qua, mạng lưới bệnh viện đã không ngừng được đầu tư, nâng cấp mở rộng quy mô nhằm hiện thực hóa mục tiêu 30 giường bệnh/1 vạn dân vào năm 2025 và 32 giường/1 vạn dân vào năm 2030...

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cùng với việc mở rộng quy mô, tăng tính sẵn có của dịch vụ bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ, các vấn đề ưu tiên đặt ra đối với hệ thống bệnh viện là nâng cao chất lượng, giảm quá tải bệnh viện và tăng hiệu quả hoạt động của bệnh viện.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêubao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, bảo đảm mọi người dân khi cần đều được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng mà không phải chịu gánh nặng tài chính quá mức do chi phí y tế.

Dịch vụ bệnh viện thường là các dịch vụ chuyên sâu, có mức chi phí cao hơn nhiều lần so với các dịch vụ chăm sóc ban đầu hoặc các dịch vụ khám chữa bệnh thông thường khác.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, chúng ta đang dành tới 80% tổng chi y tế cho hệ thống bệnh viện. Với điều kiện nguồn lực tài chính hạn hẹp trong khi nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tăng lên không ngừng thì một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính y tế.

Yêu cầu này đặt ra đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam càng có tính cấp thiết hơn khi chi phí y tế ngày càng gia tăng mà nguồn kinh phí cho chăm sóc sức khoẻ lại có hạn.

Một trong những giải pháp quan trọng được Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề cập đến đó là tăng cường sử dụng dịch vụ hợp lý, tránh các chi phí phát sinh từ sử dụng dịch vụ không cần thiết, trong đó dịch vụ bệnh viện với tỷ trọng chi lớn nhất cần được quan tâm hàng đầu.

Nhập viện hợp lý: Phải lấy người bệnh làm trung tâm

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, tăng cường nhập viện hợp lý vừa góp phần giảm quá tải bệnh viện, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ vừa tiết kiệm các khoản chi không cần thiết.

Đặc biệt, trong bối cảnhđại dịch COVID-19, các bệnh viện phải dồn sức, tập trung cho điều trị, quản lý số lượng lớn bệnh nhân COVID-19, vấn đề quản lý nhập viện hợp lý càng có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng tính chống chịu của hệ thống y tế trước đại dịch và đảm bảo duy trì các dịch vụ chăm sóc y tế cho tất cả các nhóm bệnh khác, nhất là 20 nhóm bệnh nền để cải thiện mục tiêu giảm nguy cơ tử vong khi đồng thời mắc COVID-19.

Các đại biểu cũng đã thống nhất và đề xuất một số giải pháp cần thiết nhằm tăng cường nhập viện hợp lý tại Việt Nam, bao gồm: Nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí nhập viện phù hợp để làm công cụ quản lý hiệu quả; đẩy mạnh việc quản lý và chăm sóc sức khỏe toàn dân tại tuyến y tế cơ sở; hạn chế việc chuyển tuyến không hợp lý gây khó khăn trong quản lý dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Để thực hiện đẩy mạnh nhập viện hợp lý cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kết hợp vừa mang tính chuyên môn kỹ thuật vừa mang tính hệ thống.

Nhập viện hợp lý làm tăng tính chống chịu của hệ thống y tế trước đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Các đại biểu dự hội thảo "Tăng cường nhập viện hợp lý tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp"Ảnh: Nhiên Nguyễn

Các giải pháp phải lấy người bệnh làm trung tâm, xuất phát từ nhu cầu cần chăm sóc sức khoẻ của người dân, trong đó chú trọng tới củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở để có thể giải quyết tới 80% nhu cầu khám chữa bệnh thông thường, bao gồm quản lý theo dõi bệnh không lây nhiễm đang gia tăng đến việc xây dựng bộ tiêu chí rà soát, đánh giá tiêu chuẩn nhập viện thực hiện tại các bệnh viện hoặc áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp nhằm giảm thời gian nằm viện.

"Chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế với các bài học thành công từ thực tiễn triển khai kiểm soát nhập viện hợp lý tại các nước để áp dụng phù hợp trong điều kiện Việt Nam"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Cơ sở y tế ngoài công lập có trách nhiệm tham gia phòng chống dịch COVID-19Cơ sở y tế ngoài công lập có trách nhiệm tham gia phòng chống dịch COVID-19

SKĐS - Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia phòng chống dịch COVID-19 khi được huy động. Chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, nhất là tham gia giám sát, phát hiện các trường hợp mắc và nghi mắc COVID-19, tiêm chủng...


Thái Bình