Gói chi tiêu 1.200 tỷ USD của Mỹ: Để dịu âu lo

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:38, 09/11/2021

Liệu gói chi tiêu 1.200 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden đã đủ để xoa dịu lo âu của đảng Dân chủ và người Mỹ? Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
(11.09) Tổng thống Mỹ Joe Biden vui mừng phát biểu ngày 6/11 sau khi Hạ viện thông qua gói chi tiêu 1.200 tỷ USD dành cho cơ sở hạ tầng. (Nguồn: AP)
Tổng thống Mỹ Joe Biden vui mừng phát biểu ngày 6/11 sau khi Hạ viện thông qua gói chi tiêu 1.200 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng. (Nguồn: AP)

Với 228 phiếu thuận và 206 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu cuối ngày 5/11 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã chính thức thông qua gói chi tiêu 1.200 tỷ USD cho cho cơ sở hạ tầng. Như vậy, dự chi ngân sách “Đạo luật việc làm và đầu tư cơ sở hạ tầng” sẽ sớm được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký và ban hành luật vài ngày tới.

Gói chi tiêu lớn nhất trong lịch sử xứ cờ hoa được kỳ vọng sẽ giúp nước Mỹ “đại tu” hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu như cầu, đường quốc lộ, đường sắt, phổ cập mạng lưới Internet băng thông rộng.

Tuy nhiên, liệu chừng đó có thể cải thiện uy tín của đảng Dân chủ và ông Biden đang ở mức thấp kỷ lục, xoa dịu lo âu của người dân về tương lai nước Mỹ hậu đại dịch?

Làm nên sự khác biệt

Về mặt phát triển kinh tế, gói chi tiêu khổng lồ này được kỳ vọng thay đổi bộ mặt hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề quan trọng để nước Mỹ hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch.

Ước tính, gói chi tiêu sẽ dành ít nhất 110 tỷ USD cho các dự án cầu, đường và giao thông lớn, 66 tỷ USD tu bổ hệ thống tàu hỏa, 65 tỷ USD nhằm phổ cập mạng Internet băng thông rộng, 55 tỷ USD cải thiện nguồn nước, 73 tỷ USD nâng cấp mạng lưới điện, 46 tỷ USD củng cố tính bền vững của cơ sở hạ tầng, 25 tỷ USD hiện đại hóa các sân bay và 17,3 tỷ USD tôn tạo lại cảng, sông ngòi.

Liệu những khoản đầu tư khổng lồ này có tạo nên sự khác biệt cần thiết cho nước Mỹ?

Ước tính, trong giai đoạn 2022-2026, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng liên bang của Mỹ sẽ tăng từ 0,8% lên 1,3% GDP, mức kỷ lục trong 4 thập niên qua. Chuyên gia Adie Tomer của Viện Brookings (Mỹ) nhận định rằng con số này tương đương với mức trung bình trong giai đoạn Chính sách Kinh tế mới, chương trình chi tiêu quan trọng giúp nước Mỹ rũ mình thoát khỏi Đại Suy thoái những năm 1930.

“Với các nhà kinh tế như chúng tôi, những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng chẳng khác nào một giấc mơ đẹp.” – Nhà kinh tế Ellen Zentner của Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ).

Vậy gói chi tiêu này thì sao? Theo nhà kinh tế Ellen Zentner của Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), mỗi 100 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể lập tức tăng 0,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thậm chí còn hơn nếu nó có thể khơi gợi các khoản đầu tư tương tự từ tư nhân.

Về dài hạn, gói chi tiêu có thể hỗ trợ năng lực sản xuất và kích thích tăng trưởng tới 0,2%, mang lại ít nhất 1.000 tỷ USD cho nước Mỹ. Bà Zentner khẳng định: “Với các nhà kinh tế như chúng tôi, những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng chẳng khác nào một giấc mơ đẹp”.

Chiến thắng cần thiết

Với Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ, đây còn là chiến thắng quan trọng về chính trị.

Cuộc thăm dò do Đại học Suffolk (Mỹ) công bố trên USA Today ngày 7/11 cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ông chủ Nhà Trắng và phó tướng chỉ còn 37,8% và 27,8%, thấp nhất trong nhiệm kỳ. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỷ lệ người vượt biên cao kỷ lục trong 10 năm, quyết định rút quân gây tranh cãi khỏi Afghanistan đã khiến nhà lãnh đạo này chịu sự chỉ trích từ lưỡng đảng.

Theo giới quan sát, “tuần trăng mật” đã kết thúc với chính quyền ông Biden sau khi ứng cử viên đảng Dân chủ thất bại trong bầu cử thống đốc bang Virginia. Thậm chí, Chủ tịch Thượng viện bang New Jersey Stephen Sweeney với 40 năm tại vị đã bị tài xế vô danh Edward Durr thuộc Đảng Cộng hòa đánh bại với ngân sách tranh cử vỏn vẹn 2.200 USD. Thống đốc bang New Jersey Philip Murphy cũng chỉ chiến thắng sát sao trước đối thủ đảng Cộng hòa Jack Ciattarelli với cách biệt 1,6 điểm.

Trong bối cảnh đó, cách tốt nhất để chính quyền Tổng thống Joe Biden nói riêng và đảng Dân chủ nói chung giành lại sự ủng hộ của cử tri trước thềm bầu cử lưỡng viện năm 2022 là hiện thực hóa cam kết khi tranh cử, nổi bật với khẩu hiệu “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”.

Gói chi tiêu 1.200 tỷ USD đã giúp ông Biden hoàn thành một nửa lời hứa, đồng thời tạo tiền đề để Washington tìm kiếm sự ủng hộ cho miếng ghép còn lại: đề xuất chi thêm 1.750 tỷ USD cho các ưu tiên xã hội và biến đổi khí hậu như phổ cập mầm non, trợ cấp năng lượng sạch. Đây là những điểm nóng trong xã hội và trên chính trường Mỹ, thậm chí là ngay cả trong nội bộ đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, một gói chi tiêu về cơ sở hạ tầng đơn giản là không đủ để đảo ngược tình thế hiện nay.

Tỷ lệ ủng hộ thấp của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, cùng thất bại của đảng Dân chủ trong hai cuộc bầu cử bang cho thấy thái độ của một bộ phận không nhỏ cử tri.

Chặng đường trước mắt ông Biden và đảng Dân chủ còn dài. Gói chi tiêu 1.200 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng mới là bước đầu trên hành trình đó.

Phan Quân