Tết Nguyên đán: không để thiếu hàng, sốt giá, cân đối cung cầu

Kinh doanh - Ngày đăng : 12:45, 08/11/2021

Ngành công thương, TP.HCM và các tỉnh, thành đang theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu, phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần tới đây.

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết

Có thể thấy, năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục tác động lớn đến hoạt động kinh tế trong nước và thế giới. Tại Việt Nam, từ cuối tháng 7, dịch bệnh đã bùng phát mạnh, nhất là ở các tỉnh phía Nam, sản xuất, kinh doanh tại các địa phương có dịch bệnh bị đình trệ, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người dân.

Ngành công thương đang triển khai các giải pháp không để thiếu hàng, sốt giá, cân đối cung cầu trong dịp Tết Nguyên đán này. Ảnh: BCT

Dịch bệnh đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng đầu năm giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước (đây cũng là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây).

Đến nay, dịch COVID-19 mặc dù đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, sau thời gian áp dụng các biện pháp kiểm soát đi lại để phòng chống dịch bệnh lây lan, khi các nước thay đổi chiến lược ứng phó với dịch bệnh theo hướng chung sống với COVID-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần khôi phục, nhu cầu hàng hóa, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng tăng, giá tăng mạnh.

Trong nước, cung cầu các mặt hàng cũng đang có nhiều biến động, thị trường các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm từ nay đến cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có những biến động tiêu cực.

Bộ Công Thương cho hay đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương có liên quan, tổng hợp, đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tại TP.HCM đã có 150/234 chợ truyền thống chính thức hoạt động tại nhiều quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.020/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.

Đối với công tác mở lại chợ đầu mối, đến nay đã có 2/3 chợ đầu mối hoạt động lại là chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn; riêng tại chợ đầu mối Thủ Đức vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa.

Nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp thương mại cho biết sẽ tăng cường dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, chủ động nguồn hàng, không để xảy ra khan hàng, sốt giá.

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các Hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường.

TP.HCM triển khai các biện pháp quản lý giá, đảm bảo cân đối cung cầu

UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc triển khai các biện pháp quản lý giá, đảm bảo cân đối cung cầu trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở ngành và UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các điểm buôn bán tự phát xung quanh chợ truyền thống, chợ đầu mối; công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở ngành, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo, làm việc, trao đổi với hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ để xem xét, thống nhất thực hiện chương trình khuyến mãi linh hoạt, đảm bảo quyền lợi các bên có liên quan.

UBND TP.HCM giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo số liệu tổng đàn gia súc trên địa bàn TP.HCM, số liệu thịt gia súc từ các tỉnh thành khác tiêu thụ tại TP.HCM. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương và các sở ngành chức năng tham mưu UBND TP.HCM các giải pháp điều hòa cung cầu nhằm ổn định thị trường. Tăng cường công tác quản lý cơ sở chăn nuôi, giết mổ; công tác kiểm soát dịch bệnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, chất lượng các mặt hàng thức ăn gia súc, gia cầm…

UBND TP.HCM giao Sở Tài chính thường xuyên theo dõi tình hình giá cả thị trường, tham mưu UBND TP.HCM điều chỉnh giá kịp thời các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, đặc biệt đối với những hàng hóa thiết yếu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

UBND TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng để có giá thành hợp lý, ổn định, đảm bảo cung cấp đầy đủ sản lượng đã đăng ký tham gia chương trình. Đồng thời, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực sản xuất để giảm giá thành nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm; thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường của các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM.

Mặt khác, chủ động đề xuất điều chỉnh giá bán các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường phù hợp với biến động giá nguyên liệu đầu vào và giá thị trường. Linh hoạt thực hiện các chương trình khuyến mãi kích thích tiêu dùng, hỗ trợ người dân trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19.

Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát tình hình thị trường. Theo ghi nhận, nguồn cung hàng hóa cũng như giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các tỉnh thành phía Nam tiếp tục diễn biến theo xu hướng ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.

Bộ Công Thương

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)