Chuyên gia y tế Phạm Đức Phúc: Việt Nam đang thiếu số liệu về xét nghiệm kháng thể

Xã hội - Ngày đăng : 14:41, 02/11/2021

Theo TS. Bác sĩ Phạm Đức Phúc (chuyên gia y tế cộng đồng), cần thiết phải có những thông số như nghiên cứu để xác định kháng thể hiện nay trong cộng đồng, biết khả năng nhiễm Covid-19 cũng như mức độ nghiêm trọng, từ đó đưa ra những chính sách, chiến lược rõ ràng hơn, bao gồm mở cửa trường học.
Chuyên gia y tế Phạm Đức Phúc: Việt Nam đang thiếu số liệu về xét nghiệm kháng thể
TS. Bác sĩ Phạm Đức Phúc cho rằng nên xét nghiệm kháng thể đối với người đã tiêm và không tiêm vaccine Covid-19.

Thưa bác sĩ, hiện nay có hai luồng ý kiến trái chiều về việc mở cửa trường học, đó là chọn đi học an toàn hay chờ an toàn rồi mới cho con đi học? Quan điểm của ông như thế nào về câu chuyện này?

Bất kỳ ở đâu, bất kỳ khi nào và bất kỳ người nào cũng có nguy cơ nhiễm với một tác nhân gây bệnh nào khác không cứ là virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19. Do đó, chúng ta phải tìm biện pháp cho học sinh đi học an toàn.

Muốn vậy, cần phải có những chuẩn bị và có lộ trình, thông tin rõ ràng, cụ thể cho những người liên quan.

Cho đến thời điểm hiện nay, có thể nói, nên cho trẻ đi học an toàn chứ cứ đợi đến khi an toàn thực sự rất là khó. Gần 2 năm nay trường học gián đoạn rất nhiều, học sinh phải thích ứng với việc học trực tuyến để “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”.

Nhưng điều đáng lo ngại nhất chính là câu chuyện sức khỏe tâm thần, phát triển trí tuệ của trẻ khi phải ở trong nhà quá lâu. Bản chất trẻ vốn năng động mà bị gò bó quá lâu là điều đáng lo ngại về vấn đề thể lực lẫn trí tuệ.

Đó là chưa kể, việc học online không đạt được hiệu quả cao lại gây áp lực rất lớn cho cả thầy lẫn trò.

Việc học sinh trở lại trường là vấn đề mà dư luận hiện nay hết sức quan tâm. Vậy theo ông, tiêu chí, điều kiện cần thiết và phương thức mở cửa trường học thế nào?

Cần phải có lộ trình theo thời điểm, thời gian, khu vực. Hiện nay, đang có những phân khu dựa trên vùng xanh, vàng, cam, đỏ, với các cấp độ 1,2,3,4…

Một ví dụ cụ thể, người đi chợ, đi siêu thị, tham gia giao thông đang tuân thủ theo những quy định đó được thì lý do gì khối giáo dục không tìm cách để tuân thủ, thích ứng?

Tất nhiên, cần phải làm chặt chẽ hơn, có chiến lược cụ thể vì các em học tập trung trong trường sẽ có nhiều nguy cơ. Ví dụ, phải làm thông thoáng, giãn cách phòng học, cũng như đổi giờ học chéo nhau, nên chia nhiều ca, chứ không nên học tập trung một khung giờ.

Muốn làm được như thế trước tiên phải có thông tin rõ ràng, làm công tác truyền thông tốt nhất tới các bên liên quan và nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Thực tế hiện nay, không ít phụ huynh cảm thấy hoang mang, lo lắng, chịu sức ép nếu không tiêm vaccine cho con thì con sẽ không được đến trường học, hoặc đánh giá vào kết quả học tập. Từ đó làm mất tính công bằng, tạo ra áp lực ngược lại và nguy hại hơn về việc phát triển trí tuệ của trẻ.

Có phải lúc này trường học ở nhiều tỉnh, thành an toàn, "vùng xanh" cần tranh thủ thời gian “vàng” để học sinh đi học trở lại?

Với những nơi kiểm soát dịch tốt, không có ca nhiễm hoặc những ca nhiễm ở mức độ thấp đã được kiểm soát, trẻ em có thể quay lại trường học trực tiếp.

Tôi nghĩ, chúng ta đã có kinh nghiệm, chỉ cần có hướng dẫn, quy trình chỉ đạo thông suốt và mọi người tuân thủ thực hiện tốt quy tắc 5K là giải pháp căn bản để học sinh có thể quay trở lại trường chứ không cớ gì phải đợi đến khi tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Thực ra, hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 hiện nay mới được chứng minh qua thử nghiệm lâm sàng, vẫn chưa có thông tin chính xác nhất về hiệu quả của nó trong cộng đồng.

Nghĩa là, chúng ta chưa đủ thời gian để đánh giá được hiệu quả đối với những người đã tiêm vaccine và người không tiêm vaccine khác nhau như thế nào. Có thể những người không tiêm vaccine vô tình nhiễm bệnh rồi và đã mang trong người kháng thể tự nhiên.

"Chúng ta thường nói, học đi đôi với hành nhưng hiện tại do đặc thù của hình thức học online nên trẻ không được thực hành. Do đó, sự sáng tạo, năng động gần như bị 'thui chột'. Có nhiều điều đáng ngại trong thế hệ tương lai nếu học online lâu dài, không hòa nhập được với cộng đồng.

Đặc biệt, nhiều kỹ năng trẻ phải được rèn luyện bên ngoài thực tế chứ không chỉ có ở trong nhà. Do đó, nếu ở những vùng xanh, kiểm soát dịch tốt thì theo tôi nên cho trẻ quay trở lại trường học trực tiếp sớm nhất có thể, tất nhiên phải bố trí học an toàn".

Thực tế Việt Nam đang thiếu số liệu về xét nghiệm kháng thể. Hiện nay, theo tôi, chúng ta nên thực hiện một nghiên cứu ngẫu nhiên trong cộng đồng (ở cả những địa phương đã có tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 và địa phương chưa có hoặc có tỷ lệ nhiễm thấp) để xác định kháng thể của SARS-CoV-2.

Trong những người mang kháng thể đó thì bao nhiêu phần trăm đã được tiêm và chưa tiêm vaccine nhưng đã có kháng thể? Nếu nắm được con số đó thì chúng ta sẽ có chính sách, chiến lược rõ ràng hơn.

Đồng thời, tôi cho rằng còn thiếu phần đánh giá tác động của việc tiêm vaccine như có lợi và hại gì cho trẻ dưới 18 tuổi?

Bởi thực tế, do chưa nắm được những thông tin này nên đã tạo ra những luồng ý kiến trái chiều, nhiều người vẫn băn khoăn, chưa có sự tin tưởng cao trong việc tiêm vaccine cho con em mình.

Ông có khuyến nghị gì cho Bộ Y tế để tránh bị động trong việc phối hợp với các địa phương chuẩn bị mở cửa trường học?

Chúng ta cần có những thông tin rõ ràng, minh bạch hơn. Ví dụ, Việt Nam hiện nay có bao nhiêu phần trăm trẻ dưới 18 tuổi bị nhiễm Covid-19? Có bao nhiêu trẻ phải vào bệnh viện điều trị và bao nhiêu trường hợp tử vong trong tổng số đó?

Thực tế, phần lớn trẻ nhiễm SARS-CoV-2 thường không có triệu chứng, không cần phải can thiệp nhiều. Tuy nhiên, cần phải có những con số cụ thể từ các nhà chức trách, đưa ra chỉ đạo với bằng chứng rõ ràng để hệ thống y tế, giáo dục cũng như thầy cô, phụ huynh tin tưởng.

Theo tôi, cần thiết phải có thông tin cụ thể về câu chuyện này một cách sớm nhất, kịp thời nhất cho thầy cô cũng như phụ huynh học sinh nắm được. Từ đấy, mới tạo được niềm tin, sự đồng thuận của mọi người.

Bên cạnh đó, như trên đã đề cập, cần phải có những số liệu như nghiên cứu để xác định được kháng thể hiện nay ở trên cộng đồng như thế nào để biết được khả năng nhiễm cũng như mức độ nghiêm trọng của nó ra sao?

Virus có nhiều biến chủng và biến đổi liên tục theo thời gian, câu hỏi đặt ra là những vaccine chúng ta đã tiêm thực sự có phòng được biến chủng hay không?

Một ví dụ điển hình nhất là ở Singapore hiện nay đang tăng số ca nhiễm lên mức chóng mặt mặc dù gần 90% dân số đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine. Đó là mặt trái của vấn đề vaccine, nó chỉ đúng và có tác dụng cao với chủng của nó.

Có nghĩa, nếu chúng ta có hệ miễn dịch một cách tự nhiên, chính cơ thể tự đáp ứng được thì đó là miễn dịch tốt nhất. Theo tôi, hiện nay niềm tin và tâm lý tốt chính là "vaccine tốt nhất". Muốn vậy, chúng ta phải có bằng chứng, minh bạch thông tin nếu không sẽ tạo ra sự hoang mang không đáng có trong dư luận.

Mới đây, Hà Nội đã quyết định cho học sinh ở ngoại thành đi học trở lại vào 8/11 tới. Theo nhiều ý kiến, đây là một quyết định đúng đắn bởi lẽ với những “vùng xanh” không có ca nhiễm thì việc phải học trực tuyến là bất hợp lý. Ông nghĩ sao?

Đúng là với những vùng xanh, vùng quản lý ca nhiễm tốt thì việc trẻ phải ở nhà để học online là bất cập. Theo tôi, nên chăng sớm cho học sinh quay trở lại trường học theo cách an toàn, tất nhiên chúng ta không thể quên được các biện pháp căn bản nhất là nguyên tắc 5K.

Ngay cả con tôi, học online có rất nhiều bất cập, bị xáo trộn quá lớn, kể cả vấn đề tâm lý lẫn thể chất. Chúng ta thường nói, học đi đôi với hành nhưng hiện tại do đặc thù của hình thức học online, trẻ không được thực hành. Do đó, sự sáng tạo, năng động gần như bị “thui chột”.

Có nhiều điều đáng ngại trong thế hệ tương lai nếu học online lâu dài, như không hòa nhập được với cộng đồng. Đặc biệt, nhiều kỹ năng trẻ phải được rèn luyện bên ngoài thực tế chứ không chỉ có ở trong nhà.

Do đó, nếu ở những vùng xanh, kiểm soát dịch tốt thì theo tôi nên cho trẻ quay trở lại trường học trực tiếp sớm nhất có thể, tất nhiên phải bố trí học an toàn.

Theo ông, cần có đánh giá để mở cửa trường học từng bước như thế nào? Và việc phân luồng “vùng xanh” để mở cửa trường học cần thiết ra sao?

Thứ nhất, ngành y tế cần khuyến cáo mức độ, phân vùng cụ thể. Dựa trên đó chúng ta sẽ đánh giá tùy theo khu vực thành thị, nông thôn, nhóm trường, khối lớp sao cho hợp lý. Đặc biệt, cũng cần cân nhắc ưu tiên các lớp chuyển cấp.

Muốn vậy, ngành y tế và ngành giáo dục của các tỉnh phải ngồi lại với nhau, chia sẻ thông tin để biết được thông số của nhau. Ngành y tế không thể áp đặt mà phải dựa trên thực tế của ngành giáo dục như có bao nhiêu trường, sĩ số lớp học bao nhiêu, phòng học hiện nay thiết kế như thế nào, có đủ thông thoáng hay không?

Có nghĩa, phải xét trên từng khía cạnh, từng tiêu chí của ngành y tế, đảm bảo kiểm soát dịch tốt để có thể mở cửa an toàn. Đồng thời, phải dựa trên những thông tin và số liệu của ngành giáo dục như khối trường, khối lớp, số lượng giáo viên, số lượng học sinh đầy đủ, để chúng ta có kế hoạch, chiến lược phân loại, ưu tiên cụ thể.

Khi đó, nhóm trường nào, khối lớp nào sẽ được ưu tiên, phân khoảng thời gian học cho phù hợp. Theo tôi, nếu các ngành liên quan không ngồi được với nhau thì sẽ thành “ông chẳng bà chuộc”, không hiểu, không dám thực hiện hoặc thực hiện nửa vời.

Nếu không nắm rõ được thực lực của mỗi bên như thế nào thì sẽ không huy động được nguồn lực của nhau. Do đó, nên có hợp tác liên ngành theo cách tiếp cận “Một sức khỏe” sớm nhất có thể, để chia sẻ nguồn lực và trách nhiệm với nhau, khi đó chúng ta sẽ đạt được mục đích là cho học sinh đi học an toàn.

Chúng ta sẽ phải sống chung với hàng loạt virus khác, không chỉ có SARS-CoV-2, vì không có cách nào loại bỏ chúng ra khỏi hành tinh này.

Theo tôi, vaccine chỉ là giải pháp tạm thời, cho nên trẻ em không thể đợi đến khi được tiêm vaccine phòng Covid-19 thì mới được đến trường học. Tuân thủ thực hiện đúng nguyên tắc 5K là giải pháp căn bản và hiệu quả nhất hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Đề cập việc tiêm vaccine cho trẻ, TS. Bác sĩ Phạm Đức Phúc cho hay, Việt Nam mới có khoảng 56% dân số được tiêm mũi 1, khoảng 25% dân số được tiêm đủ 2 mũi và bắt đầu tiêm ở trẻ em tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác.
Bác sĩ Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta còn chưa đạt 70% dân số được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng.

Theo tôi, hiện nay do nguồn vaccine vẫn còn khan hiếm, vì vậy, cần ưu tiên cho nhóm đối tượng nguy cơ cao trước, đặc biệt là người già và người có bệnh nền; nhóm làm công tác phòng chống dịch trực tiếp phơi nhiễm thường xuyên, những nơi có các ca nhiễm nặng và vào điều trị tại bệnh viện…

Tức là cần phải xác định rõ, minh bạch thông tin. Nếu thông tin không đầy đủ, không kịp thời đôi khi làm cho việc xây dựng lộ trình, chiến lược cho học sinh quay lại trường học ở các địa phương bị lúng túng và không thống nhất.

Còn trẻ em, từ nay đến cuối năm 2022 khi nguồn vaccine dư giả, dồi dào hơn, đồng thời có đủ thời gian kiểm nghiệm hiệu quả và mức độ an toàn cho lứa tuổi dưới 18, khi đó chúng ta tiêm cũng chưa muộn.

Từ đó, sẽ tạo sự an toàn, tin tưởng cũng có những chuẩn bị tốt nhất để học sinh quay trở lại các trường học một cách an toàn nhất".

Yến Nguyệt