Nam sinh 90 kg mắc Covid-19 nặng, phải can thiệp ECMO hồi sinh kỳ diệu

Tin Y tế - Ngày đăng : 09:35, 30/10/2021

Sau khi mẹ nhiễm Covid-19, Gia Long cũng bị nhiễm với tình trạng suy hô hấp nặng. Trên cơ địa béo phì, nam sinh nhiều lần rơi vào nguy kịch, phải nhờ đến ECMO mới có thể giữ được mạng sống.

Giành giật trước cửa tử thần bằng hi vọng ECMO

Nằm trên chiếc giường bệnh ở khoa ICU2A - BV Hồi sức Covid-19, Đỗ Nguyễn Gia Long (15 tuổi) vui vẻ trò chuyện sau hơn một tháng chiến đấu với virus SARS-CoV-2.

Ít ai ngờ rằng cậu học sinh lớp 10 lại hồi phục, chiến thắng bệnh tật một cách ngoạn mục đến như vậy.

nam-sinh-1.jpg

Đỗ Nguyễn Gia Long - cậu học trò lớp 10 đã có những ngày tháng chiến đấu vô cùng quả cảm với Covid-19

Đầu tháng 9, mẹ của Gia Long mắc Covid-19 rồi lây cho cả nhà. Chỉ 4 ngày sau khi nhiễm bệnh, Gia Long chuyển vào BV Nhân dân Gia Định trong tình trạng suy hô hấp nặng, sau đó đưa vào Khu điều trị Covid-19 tại BV Nhi đồng 2.

Tại đây, Gia Long phải thở máy dòng cao, tuy nhiên tình trạng bệnh không cải thiện, đứng trước nguy cơ tử vong khi cơ thể không còn đáp ứng được với máy thở, tụt huyết áp, tràn khí màng phổi.

nam-sinh-2.jpg

BS. Linh kể về thời điểm tiếp nhận Gia Long, em trong tình trạng nguy kịch, nếu không được đặt ECMO thì sẽ không giữ được tính mạng

"Bé nặng 90 ký, khi mà tiếp nhận bé trong tình trạng huyết áp thấp, tổn thương gan, thận, tràn khí màng phổi buộc chúng tôi phải triển khai ECMO ngay", BS.CK2 Trần Thanh Linh – Phó Giám đốc BV Hồi sức Covid-19 kể lại thời điểm tiếp nhận Gia Long hôm 26/9 từ BV Nhi đồng 2.

Trên cơ địa béo phì, Gia Long được các y bác sĩ tại BV Hồi sức Covid-19 tiến hành lọc máu, sử dụng nhiều màng lọc hấp thụ, kháng đông tích cực cũng như phải trải qua các đợt nhiễm trùng, tình hình bệnh mới có sự cải tiến.

nam-sinh-3.jpg
nam-sinh-4.jpg

Gia Long nhớ lại chuỗi ngày chiến đấu tại 3 bệnh viện, rất may mắn là em đã lách qua khe cửa hẹp để có thể tiếp tục sống, tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường

"Đây là một trường hợp rất đặc biệt khi bé chỉ mới 15 tuổi, đúng ra thì BV Hồi sức Covid-19 người lớn không tiếp nhận bé nhưng vì tình trạng bé quá nguy kịch. Chúng tôi phải mất 6 cái màng lọc, 2 màng ECMO và chạy liên tục kéo dài hơn 3 tuần thì bé mới có tín hiệu khá hơn", BS. Linh chia sẻ về sự hồi sinh kỳ diệu của Gia Long.

Nhớ lại thời gian hôn mê nhiều ngày, Gia Long xúc động cho biết em không nghĩ rằng mình lại nhiễm Covid-19 nặng đến vậy. Vừa xét tuyển vào lớp 10 như nguyện vọng của bản thân, em đành phải gác lại việc học tập online để vào viện chiến đấu cùng Covid.

nam-sinh-5.jpg

Nụ cười hạnh phúc của cậu học trò nhỏ khi gặp các y bác sĩ, điều dưỡng tại khoa ICU2A

"Em vui lắm, em cứ nghĩ mình đã không vượt qua được, các bác sĩ ở đây rất tốt, các cô chăm sóc cho em tận tình. Em chỉ mong sớm được về nhà để gặp bố mẹ, đi học lại nữa", Gia Long tâm sự.

Theo Phó Giám đốc BV Hồi sức Covid-19, Gia Long hiện tại hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống bình thường, chỉ thở oxy qua mũi, kết quả xét nghiệm của em đã âm tính với SARS-CoV-2 và sẽ xuất viện trong nay mai.

Phút nhói lòng khi phải chọn bệnh nhân để chạy ECMO

Sau hơn 100 ngày BV Hồi sức Covid-19 đi vào hoạt động, cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân nặng, nguy kịch, BS. Trần Thanh Linh cho biết hiện nay, tình hình bệnh nặng nhập viện đã giảm rất nhiều.

nam-sinh-6.jpg

Sau chuỗi ngày tháng căng mình chống dịch, lượng bệnh nhân tại BV Hồi sức Covid-19 đã giảm đi rất nhiều

Có lẽ trong khoảng thời gian gồng mình cùng các đồng nghiệp cứu chữa các ca nặng, nguy kịch, thời điểm quyết định sử dụng ECMO khiến cho BS. Linh căng thẳng nhất.

Hơn ai hết, BS. Linh hiểu được tầm quan trọng của việc chạy ECMO – cứu cánh cuối cùng của người nhiễm Covid-19 khi mọi chức năng khác của cơ thể đã tê liệt, máy thở không đáp ứng được nữa.

"ECMO được xem là cứu cánh sau cùng để chúng ta duy trì tính mạng bệnh nhân, kết hợp nhiều biện pháp khác để mong chờ sự hồi phục của tổn thương phổi. Tuy nhiên, về thiết bị máy móc không phải trung tâm nào cũng làm ECMO được. Chúng ta cũng không có đầy đủ máy ECMO để làm cho tất cả các bệnh nhân. Hơn nữa, về mặt nhân sự, về con người để triển khai làm ECMO, chăm sóc cho 1 bệnh nhân đòi hỏi có sự đào tạo, tính chất chuyên nghiệp. Một ca ECMO nhanh nhất phải mất 2 tuần, còn có bệnh nhân phải kéo dài từ tháng này sang tháng nọ.

nam-sinh-7.jpg

Phó Giám đốc BV Hồi sức Covid-19 Trần Thanh Linh chia sẻ về quá trình chữa trị cho các bệnh nhân nặng

nam-sinh-8.jpg

Có thời điểm bệnh viện quá tải, sự lựa chọn là điều không hề dễ dàng với các y bác sĩ

Nên chúng ta phải chọn lọc, có thời điểm chúng tôi phải bắt buộc chọn lọc, chọn lọc trên những đối tượng có cơ hội sống, ít bệnh nền… những quyết định được đưa ra rất khó khăn", BS. Trần Thanh Linh bộc bạch.

Mặc dù các y bác sĩ đều mong muốn làm những điều tốt nhất cho bệnh nhân, nhưng dựa vào điều kiện thực tế tại bệnh viện, thời điểm có quá nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch…, áp lực từ công việc, từ trang thiết bị y tế khiến BS. Linh nhói lòng mỗi khi nhớ lại.

Với hơn 3 tháng đã và đang hoạt động, trong số 4.000 bệnh nhân nặng được chuyển đến điều trị tại BV Hồi sức Covid-19, đã có 20 trường hợp được triển khai chạy ECMO.

Mặc dù mức chi phí chạy ECMO cao nhưng khi điều trị các bệnh nhân, BV luôn cố gắng hết sức làm những điều tốt nhất để giúp bệnh nhân vượt ải tử thần. Riêng về vấn đề viện phí, cho đến nay, BV vẫn chưa thu tiền của bất kỳ bệnh nhân nào. Có những trường hợp, tiền viện phí của 1 bệnh nhân sử dụng ECMO trong một thời gian dài (2 tháng) lên đến hơn 2 tỷ đồng.

nam-sinh-10.jpg

Món quà đặc biệt nhất của BS. Linh trong ngày sinh nhật là đặt ECMO thành công, cứu sống bệnh nhân 25 tuổi

Nhớ lại những ca ECMO vượt ải thành công, BS. Linh cho biết trường hợp bệnh nhân 25 tuổi tràn khí màng phổi, tràn khí tâm thất vào đúng ngày sinh nhật (15/9) khiến BS. Linh nhớ mãi.

"Đó có lẽ là món quà sinh nhật đặc biệt nhất mà các anh em dành cho tôi khi đã can thiệp thành công ECMO, cứu được bệnh nhân sau 2 tuần điều trị", BS. Linh tâm sự.

Chia sẻ thêm về việc tiêm vaccine cho trẻ em, dưới góc độ là một người trong nghề, từng chinh chiến ở khắp các điểm nóng của dịch Covid-19 tại Việt Nam, nhất là trong giai đoạn TP.HCM gồng mình trước làn sóng thứ 4.

nam-sinh-11.jpg

Từ ngày 27/10, các em học sinh có độ tuổi từ 12-17 tuổi tại TP.HCM đã được triển khai tiêm vaccine

BS. Linh phân tích: "Chúng ta cứ nghĩ trẻ em nhiễm Covid-19 thì không có tình trạng nặng, nhưng vẫn trong 1 số trường hợp đặc biệt, trên cơ địa béo phì, đây yếu tố nguy cơ rất cao để dẫn đến bệnh nhi nguy kịch. Nếu như chúng ta không có những biện pháp tối ưu trong lĩnh vực hồi sức thì rất khó để điều trị cho những trường hợp như thế này.

Việc tiêm vaccine cho nhóm tuổi từ 12-17 tuổi mà TP.HCM đang triển khai, chúng tôi cho rằng rất cần thiết. Bởi vì nguy hiểm vẫn có thể xảy ra với các em nếu các em có cơ địa béo phì, đồng thời nếu chúng ta phủ được vaccine thì việc đến trường của các em cũng sẽ an toàn hơn, giảm thiểu tỷ lệ diễn tiến nặng, mức độ nguy kịch một khi mắc Covid-19".