Mỹ tài trợ 860.000 USD cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam

Xã hội - Ngày đăng : 19:44, 28/10/2021

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố khoản ngân sách 860.000 USD tài trợ cho 3 dự án mới về năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Nguồn ngân sách mới này sẽ hỗ trợ những nỗ lực hiện tại của USAID nhằm giảm các chi phí giao dịch và rủi ro cho các nhà phát triển dự án nhằm khuyến khích gia tăng đầu tư tư nhân vào phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, một lĩnh vực được coi là động lực then chốt cho sự bền vững và tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, khoản ngân sẽ hỗ trợ các nhà máy điện gió trên bờ, công suất 350MW tại Gia Lai. Hỗ trợ bao gồm thiết kế sơ đồ hệ thống máy phát tuabin gió tối ưu hóa, thực hiện đánh giá năng suất năng lượng xem có khả thi về mặt tài chính trước thi công, lập hồ sơ trước thi công và chuẩn bị hồ sơ thầu cần thiết cho thi công.

dien_gio_2_84fa6.jpg
Điện gió là nguồn tiềm năng quan trọng chuyển đổi sang năng lượng sạch tại Việt Nam. Ảnh: MOIT

Gói ngân sách này cũng hỗ trợ thử nghiệm công nghệ điện sóng biển ngoài lưới trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Hỗ trợ bao gồm thực hiện đánh giá tác động xã hội và môi trường, giúp giảm tối đa nguy cơ bị gián đoạn khi triển khai dự án, tối ưu hóa hoạt động quản lý dự án để đạt hiệu quả cao hơn và tiết kiệm chi phí hơn, tối đa hóa lợi ích phát triển của địa phương, chẳng hạn như khuyến khích việc thực hành trách nhiệm công dân của doanh nghiệp.

Ngoài ra còn hỗ trợ các nhà máy điện gió ngoài khơi của tại Cà Mau (công suất 300MW) và Trà Vinh (công suất 200MW). Hỗ trợ bao gồm thực hiện các nghiên cứu khả thi và các đánh giá tác động môi trường và xã hội đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Ngân sách tài trợ sẽ được cung cấp thông qua dự án INVEST- Sáng kiến toàn cầu của USAID với mục tiêu giúp giảm thiểu rào cản đối với các nhà đầu tư, qua đó tạo thuận lợi cho huy động và điều tiết dòng vốn tư nhân vào các lĩnh vực có tác động cao.

USAID đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất tại khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên quy mô đầu tư hiện nay vào lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và y tế vẫn chưa đủ để bắt kịp với tốc độ tăng trưởng và đáp ứng các mục tiêu phát triển của quốc gia.

Việt Nam có 3.000 km đường bờ biển và hơn 3.000 đảo và quần đảo, do vậy điện sóng biển là một nguồn năng lượng tiềm năng quan trọng cho quá trình Việt Nam chuyển đổi sang hệ thống năng lượng sạch.