Đảo chính ở Sudan: Tướng quân đội thanh minh, Thủ tướng ở đâu? EU đe dọa

Đối ngoại - Ngày đăng : 06:53, 27/10/2021

Vụ đảo chính ở Sudan, nổ ra từ ngày 25/10, tiếp tục có những diễn biến mới với cuộc họp báo đầu tiên của quân đội, tung tích của Thủ tướng Abdala Hamdok và dư luận quốc tế.
Đảo chính ở Sudan: Tướng quân đội thanh minh, Thủ tướng ở đâu? EU đe dọa
Người đứng đầu Hội đồng tối cao Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan có cuộc họp báo đầu tiên sau vụ đảo chính hôm 25/10. (Nguồn: AFP)

Ngày 26/10, quân đội đã có cuộc họp báo đầu tiên kể từ sau cuộc tiếm quyền hôm 25/10 bắt giữ Thủ tướng Abdala Hamdok cùng nhiều bộ trưởng dân sự, giải tán chính phủ và tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Người đứng đầu Hội đồng tối cao Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan cho biết, Thủ tướng Hamdok đang "ở nhà tôi nhằm tránh nguy hiểm", đồng thời xác nhận: "Chúng tôi đã bắt giữ các bộ trưởng và chính khách, nhưng không phải tất cả" nội các.

Thủ tướng Hamdok "trong tình trạng sức khỏe tốt" và sẽ "được về nhà sau khi cuộc khủng hoảng được giải quyết".

Nói về cuộc đảo chính, ông Burhan giải thích: "Nguy hiểm mà chúng tôi chứng kiến tuần trước có thể đẩy đất nước vào nội chiến" và nhấn mạnh, quân đội can thiệp là nhằm tránh một cuộc nội chiến.

Khẳng định hành động của quân đội không nhằm đảo chính bởi lực lượng này đang cố gắng chỉnh sửa lộ trình chuyển tiếp chính trị, tướng Burhan "cam kết với nhân dân Sudan và toàn thế giới rằng sẽ bảo vệ lộ trình chuyển tiếp này".

Lãnh đạo quân đội Sudan tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ không chỉ có các chính khách thuần túy và cam kết lập ra các thể chế nhà nước như tòa án tối cao.

Bên cạnh đó, ông Burhan cũng cho biết Sudan vẫn kiên định với các thỏa thuận quốc tế mà nước này đã ký kết, đồng thời nhắc lại cam kết của mình về "sự chuyển đổi sang một chính phủ dân sự".

Sau cuộc họp báo trên, kênh truyền hình Al Hadath dẫn lời các nguồn tin cho biết, Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok đã được các binh sĩ hộ tống về nhà.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối đảo chính tiếp tục diễn ra rộng lớn trên khắp thủ đô Khartoum, một ngày sau khi có thông tin ít nhất 4 người biểu tinh bị bắn tử vong. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu: "Không theo chế độ quân sự. Cách mạng sẽ tiếp tục. Trở về quá khứ không phải là một sự lựa chọn".

Ngày 26/10, Ủy ban Bác sĩ Sudan thông báo, ít nhất 8 người đã thiệt mạng và 157 người khác bị thương trong quá trình giải tán người biểu tình tại thủ đô Khartoum trong 2 ngày 25-26/10.

Ngày 25/10, quân đội Sudan đã bắt giữ hầu hết các thành viên Nội các. Binh sĩ đã dùng đạn thật để trấn áp các cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người ủng hộ chính phủ chuyển tiếp, khi họ tới gần Bộ Quốc phòng ở thủ đô Khartoum, khiến ít nhất 12 người bị thương.

Tướng Burhan đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời thông báo giải tán Hội đồng tối cao dân sự và chính phủ chuyển tiếp của nước này.

Cũng trong ngày 26/10, Liên minh châu Âu (EU) đe dọa đình chỉ tài trợ cho Sudan nếu quân đội không lập tức trao trả quyền lực cho chính phủ dân sự.

Trong một tuyên bố, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cảnh báo: "Động thái này làm suy yếu quá trình chuyển tiếp dân chủ của Sudan, không thể chấp nhận được. Nếu tình hình không được lập tức đảo ngược, sẽ có những hệ quả nghiêm trọng trong cam kết của EU, bao gồm cả tài trợ của khối".

Trước đó, Mỹ cũng đã tuyên bố đình chỉ khoảng viện trợ 700 triệu USD cho Sudan vì đảo chính.

VIệt Hà