Boomerang – loại mìn đặc biệt chống trực thăng của Nga

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:26, 25/10/2021

Quân đội Nga được trang bị nhiều loại mìn sử dụng cho các mục đích khác nhau, trong đó có mìn chống trực thăng đặc biệt PVM hay còn gọi là Boomerang.

Sản phẩm này có khả năng chiến đấu hiệu quả với những mục tiêu bay tầm thấp và có thể được dùng để giải quyết nhiều nhiệm vụ khác nhau. Vì vậy, nó khiến giới chuyên gia và truyền thông nước ngoài để mắt tới.

Boomerang tự điều khiển

Mìn chống trực thăng PVM được Cục nghiên cứu và chế tạo vũ khí hàng không quốc gia Nga (GkNIPAS) nghiên cứu chế tạo. Khi ở trạng thái vận chuyển, nó là một khối lập phương có cạnh chưa đến 0,5m và khối lượng 12kg. Loại mìn này được thiết kế dành cho lính đặc công sử dụng. Đối với các hệ thống đặt mìn từ xa thì sử dụng một biến thể khác, mà khi gập lại nó có hình lăng trụ lục giác. Trong cả hai loại, các cạnh bên đều là giá đỡ kiểu bản lề giúp quả mìn giữ được đúng vị trí.

Mìn được trang bị cảm biến mục tiêu âm học và hồng ngoại, giúp nó phát hiện vật thể bay trên không, cũng như xác định được hướng tấn công và khoảng cách đến vị trí của vật thể. Theo tín hiệu của các cảm biến, đầu đạn xoay về hướng của mục tiêu và tấn công vào đó.

Mìn chống trực thăng PVM trưng bày tại triển lãm. Ảnh: russianarms.ru.

Mìn Boomerang phát hiện tiếng ồn của trực thăng ở khoảng cách 3-3,2km. Thiết bị tự động có thể phân biệt tiếng ồn của máy bay và những âm thanh khác. Phạm vi bị ảnh hưởng của mìn nổ là một bán cầu có bán kính 150m. Giữa một số quả mìn có thể liên lạc được với nhau, vì vậy mục tiêu bị bắn trúng chỉ bằng một quả mìn nhằm tránh lãng phí vũ khí.

Đánh giá của nước ngoài

Mới đây, trang mạng “1945” của Mỹ đã nhắc lại loại mìn chống trực thăng Boomerang của Nga. Trong bài viết “Máy bay trực thăng hãy cảnh giác: Nga đang triển khai mìn chống trực thăng”, trang mạng này đã dẫn lại các bài viết trên Tạp chí OE Watch của Mỹ và Báo “Thông tin công nghiệp quân sự” của Nga. Ngoài ra, bài viết còn trích dẫn những đánh giá, nhận xét về loại vũ khí chống trực thăng này.

Trên cơ sở hai ấn phẩm trước đó, trang mạng “1945” hiện đang tìm hiểu những tính năng, đặc điểm và khả năng của mìn PVM của Nga. Trong bài diễn tập năm 2018, một bãi mìn có chiều dài gần 3km đã được tạo ra chỉ trong 1 giờ đồng hồ. Một bãi chướng ngại vật như vậy có thể hoạt động ít nhất 3 tháng.

Một đặc điểm quan trọng của mìn PVM là khả năng không chỉ chống trực thăng, mà còn cả máy bay phản lực. Đó trước hết là việc đặt mìn trên các tuyến không lưu của sân bay. Bên cạnh đó, nó còn gây ra hiệu ứng tâm lý về Boomerang. Do sợ gặp phải mìn, nên phi công có thể tăng độ cao máy bay và lọt vào vùng tác chiến phòng không đã lập sẵn.

Trang mạng “1945” chỉ ra rằng, có một số vấn đề liên quan đến mìn chống trực thăng PVM. Trước hết, đó là khả năng vũ khí này rơi vào tay kẻ xấu. Chẳng hạn, những kẻ khủng bố có thể sử dụng mìn chống trực thăng để tấn công máy bay dân sự. Hiện chưa rõ trong điều kiện chiến đấu, liệu Boomerang có khả năng phân biệt giữa máy bay địch và ta hay không.

Tình trạng này có thể sẽ phức tạp, nếu các quốc gia thân thiện với Nga sử dụng máy bay do phía đối thủ sản xuất, trong khi việc nhận diện máy bay lại là vấn đề khác. Cuối cùng, việc các đồng minh sử dụng mìn một cách bất cẩn có thể gây nên những hệ lụy về quân sự và chính trị.

Bài viết nhắc lại rằng, tin tức về mìn chống trực thăng của Nga cũng khiến Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý. Ngay từ năm 2017, Lầu Năm góc đã bắt đầu nghiên cứu về tiềm năng thực sự của vũ khí như vậy và các biện pháp đối phó.

Các giải pháp đối phó

Kế hoạch nghiên cứu mìn chống trực thăng đã được Mỹ phê duyệt vào tháng 11-2016. Đến tháng 1-2017, Lầu Năm Góc bắt đầu quá trình tiếp nhận hồ sơ dự thầu diễn ra trong gần một tháng. Sau đó, họ lên kế hoạch lựa chọn nhà thầu và nhà thầu này sẽ phải thực hiện ba giai đoạn nghiên cứu. Mục đích là quân đội Mỹ muốn có lượng thông tin nhất định về các mối đe dọa hiện tại và tiềm tàng, cũng như những ý tưởng và giải pháp đối phó các mối đe dọa đó.

Mìn Boomerang hoặc những sản phẩm tương tự khác sẽ cản trở trực thăng đổ bộ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trong giai đoạn thứ nhất, nhà thầu phải nghiên cứu các mẫu vũ khí hiện có và dự kiến, cũng như mức độ nguy hiểm của chúng đối với máy bay. Dựa trên những thông số này, họ phải đưa ra được những biện pháp mới để khắc chế. Giai đoạn thứ hai đề cập đến việc phát triển tổ hợp phòng thủ dựa trên những ý tưởng đã đề xuất trước đó. Giai đoạn thứ ba là xây dựng kế hoạch phát triển tổ hợp hiện có và lấy đó làm cơ sở cho dự án tiếp theo.

Đã hơn 4 năm trôi qua kể từ khi chương trình nghiên cứu được khởi động, nhưng hiện vẫn chưa rõ kết quả như thế nào. Đến nay chưa có bất kỳ thông tin liên quan nào được công bố. Điều này có thể cho thấy chương trình bị ngừng hoặc tiếp tục triển khai một cách bí mật. Có lẽ, tình hình sẽ rõ ràng hơn khi một tổ hợp phòng thủ thử nghiệm hoàn chỉnh xuất hiện.

Rất có thể Lầu Năm Góc và các nhà nghiên cứu đã coi mìn chống trực thăng PVM và các sản phẩm khác trong lĩnh vực này là mối đe dọa thực sự. Trong trường hợp này, họ phải tiến hành nghiên cứu chế tạo các phương tiện bảo vệ và khắc chế.

QUỐC KHÁNH (theo Topwar)