Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 18-24/10: Mỹ-Trung ‘đấu khẩu’ về Đài Loan; Bán đảo Triều Tiên ‘nóng’ vì tên lửa

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:38, 24/10/2021

Căng thẳng Nga-NATO; Mỹ-Trung tranh cãi về vấn đề Đài Loan; khủng hoảng năng lượng... là những sự kiện quốc tế nối bật trong tuần qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:

Quan hệ Nga-NATO đang ở 'điểm trũng'. (Nguồn: AP)
Quan hệ Nga-NATO đang ở 'điểm trũng'. (Nguồn: AP)

Căng thẳng Nga-NATO leo thang

Trong những ngày gần đây, giữa Nga-NATO lại xuất hiện những động thái làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ song phương.

Ngày 18/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra thông báo, Moscow sẽ dừng hoạt động của phái bộ ngoại giao tại NATO, cũng như đóng cửa các văn phòng thông tin và liên lạc quân sự của NATO tại Moscow từ ngày 1/11. Sau ngày đó, mọi thông tin trao đổi giữa hai bên sẽ được thực hiện thông qua Đại sứ quán Nga tại Brussels (Bỉ).

Đây được cho là động thái đáp trả sau khi liên minh quân sự NATO trục xuất 8 thành viên của phái bộ Nga tại tổ chức này với cáo buộc làm gián điệp vào tuần trước.

Đến ngày 22/10, hãng tin AFP đưa tin các bộ trưởng quốc phòng của liên minh NATO đã chấp thuận một kế hoạch tổng thể mới để phòng thủ trước bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào của Nga trên nhiều mặt trận.

Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên trái, nhận thấy CPTPP có cơ hội củng cố vị thế của Bắc Kinh, thì Tổng thống Mỹ Joe Biden lại miễn cưỡng tham gia hiệp ước thương mại. (Nguồn ảnh AP)
Mỹ-Trung bất đồng trong vấn đề Đài Loan. (Nguồn: AP)

Mỹ tuyên bố sẽ ‘bảo vệ Đài Loan’, Trung Quốc tức giận

Ngày 21/10, trong một sự kiện diễn ra tại tòa thị chính ở Baltimore, Maryland, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết Mỹ sẽ “sẵn sàng bảo vệ Đài Loan nếu Bắc Kinh phát động chiến dịch quân sự". Kiên quyết với quan điểm của mình, tuy nhiên ông Biden cho biết, ông không muốn có một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 8/2021, Mỹ cũng từng lên tiếng tuyên bố sẽ bảo vệ các đồng minh chủ chốt, trong đó có Đài Loan.

Trước tuyên bố của ông Biden, ngay ngày 22/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng, Mỹ cần tránh gửi đi thông điệp sai lầm tới lực lượng ủng hộ độc lập của Đài Loan.

Triều Tiên tiếp tục phóng thử tên lửa lần thứ 2 trong tuần, Mỹ có an toàn trước vũ khí mới của Bình Nhưỡng? (NGuồn: AFP)
Triều Tiên tiếp tục phóng thử tên lửa lần thứ 2 trong tuần.

Hàn Quốc-Triều Tiên thay nhau phóng tên lửa

Ngày 20/10, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Viện hàn lâm Khoa học quốc phòng nước này đã thử nghiệm thành công một mẫu mới tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) với công nghệ dẫn đường hiện đại từ khu vực lân cận Sinpo.

Ngay sau đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp kín khẩn cấp về vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, không có thành viên nào của Hội đồng Bảo an đề xuất ra thông cáo chung sau phiên họp.

Ba nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an là Mỹ, Anh, Pháp cho biết trong thời gian tới, những nước này sẽ thúc đẩy nhằm thực thi nghiêm túc hơn các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.

Trong khi đó, hai ủy viên thường trực còn lại là Trung Quốc và Nga không phát biểu ý kiến.

Các nước ủy viên châu Âu trong Hội đồng Bảo an gồm Ireland, Estonia và Pháp ra thông cáo chung lên án các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy nghiêm túc thực thi các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Đông Bắc Á này.

Ngày 21/10, Hàn Quốc đã phóng thành công tên lửa ba tầng KSLV-II NURI tự chế tạo lên quỹ đạo Trái Đất. Tuy nhiên, tên lửa Nuri với chiều 47,2m và nặng 200 tấn đã không thành công trong việc đưa vệ tinh ứng dụng nặng 1,5 tấn lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất (600-800km).

Dự án tên lửa này được triển khai hơn 10 năm và được Hàn Quốc đầu tư gần 2 nghìn tỷ won với 250 nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI) thực hiện.

Các quan chức cho rằng việc phóng được tên lửa là điều rất quan trọng đối với tham vọng về vũ trụ của Hàn Quốc, bao gồm kế hoạch gửi các vệ tinh kết nối tân tiến hơn và có các vệ tinh tình báo quân sự của riêng mình. Nước này đang đặt mục tiêu đưa một tàu thăm dò lên mặt Trăng vào năm 2030.

Căn cứ al-Tanf của quân đội Mỹ tại Syria. (Nguồn: AP)
Căn cứ al-Tanf của quân đội Mỹ tại Syria. (Nguồn: AP)

Căn cứ quân sự Mỹ ở Syria bị tấn công

Ngày 20/10, một loạt tiếng nổ lớn đã vang lên từ trong căn cứ quân sự al-Tanf của Mỹ và đồng minh ở phía Nam Syria, gần biên giới Iraq và Jordan.

Một quan chức Mỹ xác nhận căn cứ bị tấn công bằng máy bay không người lái mang chất nổ và có thể là cả hỏa lực từ một hệ thống mặt đất. Không có binh sĩ nào bị thương hoặc thiệt mạng sau vụ tấn công.

Một báo cáo chưa được kiểm chứng cho hay, nhóm phiến quân đã liên lạc với liên quân do Mỹ đứng đầu để cảnh báo về kế hoạch tấn công căn cứ ở al-Tanf. Sau đó, Mỹ đã cho sơ tán nhân sự tại căn cứ.

Hiện chưa có lực lượng nào lên tiếng chịu trách nhiệm cho đợt đột kích này. Vụ tấn công xảy ra chỉ vài ngày sau khi một lực lượng dân quân thân Iran thề sẽ đáp trả lại một cuộc không kích gần khu vực Palmyra ở miền Trung Syria.

Tin thế giới 20/10: Nga tỏ rõ sự thất vọng về Mỹ và NATO; Hội nghị quốc tế về Afghanistan chính thức khởi động, Mỹ lại sắp ‘tung đòn’ mới vào Trung Quốc
Hội nghị quốc tế về Afghanistan theo định dạng Moscow. (Nguồn: Reuters)

Hội nghị quốc tế về Afghanistan ở Nga

Ngày 20/10, tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga đã diễn Hội nghị quốc tế về Afghanistan theo định dạng Moscow. Hội nghị có sự góp mặt của phái đoàn Taliban do Phó Thủ tướng thứ hai trong nội các lâm thời Taliban Abdul Salam Hanafi dẫn đầu.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị, các nhà lãnh đạo tham dự đều mong muốn thúc đẩy nỗ lực chung nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo và kinh tế khẩn cấp cho người dân Afghanistan. Về phía Taliban, đại diện chính quyền này tiếp tục kêu gọi sự công nhận chính quyền mới ở Afghanistan của cộng đồng quốc tế.

Đây là diễn đàn quốc tế về Afghanistan đầu tiên được Nga tổ chức kể từ khi Taliban lên nắm quyền. Tuy nhiên, Washington không tham dự do những khó khăn về mặt hậu cần và cho biết sẽ có mặt tại các diễn đàn tương tự trong tương lai.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky  Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Ukraine

​​Ngày 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev. Cuộc thảo luận diễn ra xoay quanh vấn đề về việc thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng, tình hình an ninh ở miền Đông Ukraine, Biển Đen và Biển Azov.

Theo AFP, ông Lloyd Austin kêu gọi Nga chấm dứt chiếm đóng Crimea và cho rằng nước này là “một trở ngại” cho giải pháp hoà bình trong các cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.

Ukraine là điểm đặt chân thứ hai của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chuyến công du châu Âu (Ukraine, Gruzia, Romania) nhằm củng cố quan hệ đồng minh – đối tác và thực thi cam kết của Mỹ đối với một “châu Âu an toàn, ổn định và thịnh vượng”.

Hội nghị thượng đỉnh EU bắt đầu từ ngày 21/10. (Nguồn: AP)
Hội nghị thượng đỉnh EU bắt đầu từ ngày 21/10. (Nguồn: AP)

Liên minh châu Âu họp thượng đỉnh, tập trung vào cuộc khủng hoảng năng lượng

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU bắt đầu từ ngày 21/10, liên minh này đã hối thúc các quốc gia sử dụng khẩn cấp "hộp công cụ" để hỗ trợ trong ngắn hạn cho những người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất cũng như các công ty châu Âu.

"Hộp công cụ" này là gói các biện pháp mà chính phủ các nước có thể thực hiện nhằm đưa ra các giải pháp mang tính dài hạn hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang xảy ra ở châu Âu.

Hiện hầu hết các quốc gia đã lên kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo vệ người tiêu dùng như cắt giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho những những hộ gia đình nghèo hơn.

Tuy nhiên, những giải pháp mang tính dài hạn hơn đang gây bất đồng giữa các nước, liên quan đến việc EU cần hành động như thế nào để có thể tự bảo vệ nếu tình trạng giá năng lượng lại tiếp tục tăng vọt trong tương lai.

Ba Lan, CH Séc và Tây Ban Nha đã yêu cầu EU hạn chế sự tham gia của các nhà đầu cơ tài chính vào thị trường carbon, vấn đề mà các nước này cho là nguyên nhân khiến giá CO2 tăng cao kỷ lục. Trong khi đó, Ba Lan đề nghị EU điều tra nguyên nhân khiến giá khí đốt tăng cao ở châu Âu. EC đã nhất trí xem xét cả 2 vấn đề nhưng không cam kết có thực hiện ngay lập tức.

Trong khi đó, các nước khác như Đức và Hà Lan, lại thận trọng với việc sửa đổi những quy định của EU trong ứng phó với cuộc khủng hoảng mà các quốc gia này cho là sẽ diễn ra trong ngắn hạn.

Ngoài ra, việc giá năng lượng tăng đột biến cũng gây ra những bất đồng trong chính sách của EU về chống biến đổi khí hậu, trong đó Ba Lan đã kêu gọi EU thay đổi hoặc trì hoãn một số biện pháp "xanh" đã được lên kế hoạch.

Chính quyền quân sự Myanmar cam kết hợp tác 'nhiều nhất có thể' với ASEAN
Chính quyền quân sự Myanmar cam kết hợp tác 'nhiều nhất có thể' với ASEAN. (Nguồn: AP)

Lãnh đạo quân sự Myanmar lên tiếng về việc không được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN

Ngày 22/10, Bộ Ngoại giao của chính quyền quân sự tại Myanmar đã phản đối quyết định được đưa ra của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) liên quan đến việc khối chỉ cho phép các “đại diện phi chính trị” tham dự hội nghị cấp cao dự kiến diễn ra từ ngày 26-28/10.

Trước đó, ngày 16/10, Brunei, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2021, đã ra thông báo khối sẽ không mời lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, tướng Min Aung Hlaing, tới dự hội nghị cấp cao sẽ diễn ra vào cuối tháng 10.

Lý do được ASEAN đưa ra là do Myanmar vẫn "chưa đạt đủ tiến bộ" trong việc thực hiện kế hoạch đồng thuận 5 điểm đã được ASEAN nhất trí thông qua hồi tháng 4 năm nay nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia này sau cuộc chính biến.

Sau khi thông báo này được đưa ra, các quan chức Myanmar đã bày tỏ thái độ thất vọng và phản đối động thái từ các Ngoại trưởng ASEAN. Bên cạnh đó, một phát ngôn viên của chính quyền quân sự Myanmar cũng cáo buộc có yếu tố "nước ngoài can thiệp" vào quyết định trên của Brunei.

Ly Lê