Điểm tên những thành tựu quân sự mới của Triều Tiên

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:30, 23/10/2021

Phần lớn trang thiết bị của Triều Tiên được xem là lỗi thời. Do vậy, các nhà lãnh đạo nước này đang tìm cách bù đắp thiếu sót đó bằng cách chế tạo hàng loạt vũ khí mới.
Các loại tên lửa Hwasong-12, Hwasong-14 and Hwasong-15. (Nguồn: KCNA)
Các loại tên lửa Hwasong-12, Hwasong-14 and Hwasong-15. (Nguồn: KCNA)

Tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ tám diễn ra vào tháng Giêng vừa qua, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng đưa ra danh sách gồm những loại vũ khí mà đất nước đang phát triển, với mục đích chống lại sức ép và “chính sách thù địch” của nước ngoài.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đưa ra các cảnh báo, Mỹ sẽ có các biện pháp đáp trả cứng rắn nếu Triều Tiên tiếp tục khiến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang. Tuy nhiên, chính quyền Biden vẫn chưa đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào.

Thời gian qua, Triều Tiên liên tục tăng cường sức mạnh quân sự, đẩy mạnh các chương trình phát triển vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân và hiện đại hóa hạm đội tên lửa.

Kể từ đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã thực hiện sáu vụ thử tên lửa và vấp phải sự phản đối dữ dội từ Mỹ và các đồng minh. Washington cho rằng, việc Bình Nhưỡng mở rộng kho vũ khí sẽ đặt ra một thách thức an ninh khó lường cho khu vực.

Tiếp tục chương trình hạt nhân

Tên lửa đạn đạo do Triều Tiên sản xuất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Theo New York Times, từ năm 2006-2017, nước này đã tiến hành ít nhất sáu vụ thử hạt nhân vô cùng tinh vi dưới lòng đất.

Lần gần nhất Triều Tiên thử hạt nhân là vào tháng 9/2017, với việc nổ một quả bom nhiệt hạch, hay còn gọi là bom hydro. Ước tính, sức công phá của thiết bị này nằm trong khoảng 50 đến 300 kiloton. Để so sánh, quả bom hạt nhân mà Mỹ thả xuống Hiroshima vào năm 1945 có công suất khoảng 15-18 kiloton.

Triều Tiên không hề gặp khó trong việc chiết xuất plutonium, loại nhiên liệu phổ biến nhất được dùng trong chế tạo vũ khí hạt nhân. Nước này sử dụng một lò phản ứng hạt nhân do Liên Xô thiết kế và đặt tại Yongbyon, phía Bắc Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Triều Tiên cũng sử dụng máy ly tâm để làm giàu uranium, một loại nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân khác.

Theo ước tính của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, tính đến tháng 1/2020, Triều Tiên có khoảng 30-40 đầu đạn hạt nhân, đồng thời có thể sản xuất đủ vật liệu phân hạch cho sáu hoặc bảy quả bom mỗi năm. Những tháng gần đây xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy, Triều Tiên có thể đang chuẩn bị tăng cường sản xuất plutonium và uranium được làm giàu cao ở Yongbyon.

Tháng Chín vừa qua, khi Mỹ gặp các đồng minh ở Tokyo, Triều Tiên đã thực hiện một loạt vụ thử tên lửa hành trình mới. KCNA đã gọi các quả tên lửa vừa phóng là “vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng”. Theo giới phân tích quân sự, từ “chiến lược” cho thấy Triều Tiên dường như có kế hoạch hạt nhân hóa tên lửa hành trình.

Khả năng hạt nhân hóa tên lửa hành trình gây ra một vấn đề đau đầu khác cho các nhà hoạch định phòng thủ khu vực, vốn đã bối rối trước kho vũ khí gồm nhiều loại tên lửa và nhiều tầm bắn của Triều Tiên.

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm Triều Tiên sở hữu hoặc thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo (bao gồm cả các phương tiện phóng vệ tinh), nhưng tên lửa hành trình thì được phép. Tên lửa đạn đạo bay theo hình parabol trong khi tên lửa hành trình bay có điều khiển, thường bám sát địa hình hoặc đại dương.

Tên lửa tầm xa hiện đại

Năm 2017, Triều Tiên đạt được bước tiến mới trong nghiên cứu và chế tạo tên lửa khi liên tục bắn thử loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới có tên Hwasong-12. Theo trang 38 North, tầm bắn của tên lửa này có thể lên đến 4.500 km và được Triều Tiên bắn thử liên tục sáu lần trong năm 2017.

Trong vụ thử thứ sáu, ngày 15/9, tên lửa đã đạt độ cao 770 km, bay qua khu vực đảo Hokkaido của Nhật Bản và rơi ở khu vực Thái Bình Dương, cách Mũi Erino của Hokkaido khoảng 2.200 km.

Theo thống kê, chỉ riêng năm 2017, Triều Tiên thực hiện 15 vụ thử tên lửa đạn đạo và sức mạnh của các quả tên lửa ngày càng tăng. Với những thành công của Hwasong-12, Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 và Hwasong-15. Trong đó, Hwasong-15 có thể đi xa 950km và lên tới độ cao 4.475km trước khi rơi xuống biển.

Khi đó, Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên (KCTV) nhấn mạnh rằng: “Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và đã sở hữu loại ICBM có thể tấn công bất kỳ nơi nào trên thế giới”.

Sau năm 2017, ông Kim Jong-un đã quyết định ngưng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa, nhằm thúc đẩy đối thoại với Mỹ, thông qua hai cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore và Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi cuộc thượng đỉnh thứ hai năm 2019 không đạt được kết quả như mong đợi, Triều Tiên đang có những bước tiến khác trong công cuộc phát triển vũ khí quân sự.

Tháng 10/2020, tại buổi duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Lao động, giới phân tích quân sự phát hiện Triều Tiên cho trưng bày một loại tên lửa ICBM mới, chưa từng được thử nghiệm và có kích thước lớn hơn bất kỳ loại ICBM nào trước đó.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát vụ phóng tên lửa Hwasong-12 năm 2017. (Nguồn: KCNA)
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát vụ phóng tên lửa Hwasong-12 năm 2017. (Nguồn: KCNA)

Những loại vũ khí tinh vi

Tại Đại hội Đảng Lao động hồi tháng Giêng, ông Kim nhấn mạnh rằng, Triều Tiên sẽ tăng gấp đôi trữ lượng vũ khí hạt nhân. Đồng thời, ông đưa ra danh sách loại vũ khí mà Bình Nhưỡng dự định phát triển, bao gồm: tên lửa hạt nhân “đa đầu đạn”, tên lửa “siêu thanh”, tên lửa ICBM phóng từ đất liền và phóng từ tàu ngầm và vũ khí hạt nhân chiến thuật tối tân.

Tuy nhiên, hiện giới phân tích quân sự vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên có thể làm chủ được công nghệ cần thiết để đưa một đầu đạn hạt nhân xuyên lục địa vào không gian, sau đó tái xâm nhập bầu khí quyển của Trái Đất rồi bay thẳng đến mục tiêu hay không. Tên lửa do nước này sản xuất vẫn chưa thể chống chọi được với sức nóng dữ dội và ma sát tạo ra trong quá trình tái xâm nhập bầu khí quyển.

Chưa dừng lại ở đó, Triều Tiên cũng bí mật có những bước tiến lớn trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn, với ba loại tên lửa mới với bí danh KN-23, KN-24 và KN-25.

Không giống như các tên lửa cũ sử dụng nhiên liệu lỏng, cả ba tên lửa mới đều sử dụng nhiên liệu rắn. Chúng được được lắp trên bệ phóng di động, dễ vận chuyển, dễ cất giấu và tốn ít thời gian hơn để chuẩn bị. Trong đó, KN-23 và KN-24 có thể được triển khai ở độ cao thấp, khiến chúng khó bị đánh chặn.

Tại buổi duyệt binh kỷ niệm Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ tám, các chuyên gia quân sự phát hiện một loại tên lửa mới, được cho là phiên bản nâng cấp của KN-23. Các bức ảnh do truyền thông nước này công bố cho thấy, đây là tên lửa dẫn đường chiến thuật mới và được phóng vào ngày 25/3 vừa qua.

Tên lửa mới được phát triển lớn hơn KN-23 để mang đầu đạn lớn hơn và nhiều nhiên liệu hơn. Triều Tiên tuyên bố rằng, tên lửa này có thể mang đầu đạn nặng 2,5 tấn.

Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook sau đó thừa nhận, quân đội nước này không thể theo dõi một phần quỹ đạo của tên lửa Triều Tiên vì cách di chuyển linh hoạt của nó trên không. Điều này cho thấy, tên lửa của Triều Tiên ngày một tinh vi và sẽ cực kì khó đánh chặn.

Không những vậy, nước này cũng đạt được thành tựu mới trong công nghệ tiếp nhiên liệu cho tên lửa. Bằng cách sử dụng các hộp nhiên liệu để nạp vào tên lửa thay vì bơm trực tiếp nhiên liệu lỏng, quân đội Triều Tiên có thể rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị để phóng tên lửa trong thực chiến.

Ngoài ra, hiện Bình Nhưỡng chỉ có một tàu ngầm có thể phóng tên lửa đạn đạo, nhưng đang lên kế hoạch đóng một chiếc mới lớn hơn, hiện đại hơn, chạy bằng năng lượng hạt nhân và có khả năng phóng các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Theo số liệu thống kê, Triều Tiên sở hữu một trong những lực lượng quân đội thường trực lớn nhất thế giới, với hơn 1 triệu binh sĩ. Nhưng phần lớn thiết bị quân sự của nước này đã cũ và lạc hậu.

Do vậy, thời gian qua, Bình Nhưỡng đang tìm cách bù đắp những thiếu sót đó bằng những chương trình phát triển vũ khí quân sự tiên tiến, trong đó có chế tạo vũ khí hạt nhân, vốn cũng trở thành công cụ đắc lực trong quá trình đàm phán của nước này về tương lai của Bán đảo Triều Tiên.

Quang Đào