'Những ngày không quên' ở nơi tâm dịch

Tin Y tế - Ngày đăng : 14:49, 20/10/2021

Với những nhân viên y tế Thừa Thiên Huế vừa hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh Bình Dương chống dịch COVID-19 trở về, 1 tháng vừa qua là quãng thời gian cực kỳ đáng nhớ, thực sự khó quên đối với họ.

“Mệnh lệnh” từ trái tim

Ngày 9/9, đoàn cán bộ, nhân viên y tế tỉnhThừa Thiên Huếgồm 41 người xuất quân, lên đường vào hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại bệnh viện dã chiến của Tổng công ty Becamex IDC Bình Dương (tỉnh Bình Dương).

41 cán bộ, nhân viên y tế lên đường với mệnh lệnh xuất phát từ trái tim người thầy thuốc. Họ tạm xa gia đình, người thân, quê hương tình nguyện viết đơn vào nơi tâm dịch để làm nhiệm vụ cao cả. Trong những cán bộ, nhân viên y tế này có cả những tu sĩ, tạm cởi áo tu hành khoác áo blouse đi uay trở lại khoác áo để vào nơi tâm dịch.

Đại đức ThS.BS Thích Tâm Quang những ngày ở nơi tâm dịch Bình Dương.

Vừa hoàn thành sứ mệnh lịch sử ở tâm dịchBình Dươngtrở về, Đại đức, ThS.BS Thích Tâm Quang, Phó Giám đốc Phòng khám Đa khoa từ thiện Tuệ tĩnh đường Hải Đức (Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế) dường như vẫn còn quen với guồng quay của những ngày làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế), Đại đức Thích Tâm Quang cho biết, đoàn nhân viên y tế tỉnh Thừa Thiên Huế khi vào tới Bình Dương được chia làm các nhóm nhỏ, thực hiện các công việc gồm lấy mẫu test, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID ở các tầng và làm công việc hành chính.

Lịch làm việc được chia làm 3 ca gồm trực đêm, trực ngày và làm hành chính. Trực đêm bắt đầu lúc 6h30 tối và kết thúc vào 8h sáng hôm sau. Trực ngày bắt đầu từ 6h30 sáng đến 8h tối. Làm hành chính là đi từ lúc 6h30 sáng đến 6h tối về. Trong nhóm trực, tùy tình hình thực tế mà các thành viên thay phiên nhau ăn trưa và nghỉ để đảm bảo sức khỏe cho ca trực.

“Đối với người tu hành như tôi, công việc cũng bình thường như bao nhân viên y tế khác, không có trở ngại gì cả. Nhưng vì đặc thù ăn chay, nên cũng hơi khó khăn trong ăn uống một chút”, Đại đức Thích Tâm Quang nói.

Những ngày tham gia chống dịch ở tâm dịch Bình Dương với nhiều nhân viên y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đó thực sự là "những ngày không quên".

Đại đức Thích Tâm Quang chia sẻ, làm việc ở môi trường có nguy cơ lây nhiễm rất cao vì phải tiếp xúc với hàng nghìn bệnh nhân COVID, nên mọi người phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng hộ do Bộ Y tế hướng dẫn.

Ngoài ra, đoàn cũng xây dựng thêm một vài tiêu chuẩn phụ bắt buộc tất cả các thành viên phải tuân thủ như ngoài khử khuẩn thường xuyên tại bệnh viện, khi về chỗ ở, mọi người khử khuẩn lại và tắm rửa, thay áo quần mới trước khi vào phòng nghỉ. Hạn chế tiếp xúc với các đoàn khác và những người ngoài công việc.

“Bệnh nhân vào đó không có người nhà bên cạnh nên ngoài các nhân viên y tế và đội ngũ chăm sóc hỗ trợ thì chính người bệnh họ cũng chăm sóc, hỗ trợ lẫn nhau. Nếu mỗi nhân viên y tế cố gắng gần gũi, chia sẻ động viên họ một tí sẽ tạo được cho họ cảm giác gần gũi, thân thương để an tâm điều trị”
Đại đức, ThS.BS Thích Tâm Quang.

“Những ngày không quên”

Từng có thời gian công tác trong ngành y tế tại một đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, khi nhận thấy tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp, BS Y học cổ truyền Nguyễn Ngọc Lộc đã viết đơn tình nguyện để xin tham gia cùng đoàn cán bộ y tế tỉnh Thừa Thiên Huế lên đường chống dịch.

BS Nguyễn Ngọc Lộc (bên phải) những ngày tham gia chống dịch ở tỉnh Bình Dương.

“Tôi hiểu được những khó khăn vất vả của các y, bác sĩ trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Do đó, tôi đã viết đơn tình nguyện gửi Sở Y tế và được cho phép tham gia đoàn công tác để đóng góp 1 phần công sức nhỏ của mình”, BS Lộc chia sẻ.

Theo BS Lộc, vì là bác sĩ nên công việc của anh những ngày ở tâm dịch Bình Dương chủ yếu là tham gia công tác điều trị tại các khu A và B, nơi có nhiều bệnh nhân nặng. Đối với anh, những ngày ở tâm dịch là những ngày không quên, khi được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc vui, buồn.

“Với tôi, niềm vui lớn nhất những ngày ở tâm dịch đó là được chứng kiến các bệnh nhân nặng được điều trị khỏi, xuất viện. Còn điều buồn nhất đó là khi các bệnh nhân mắc COVID-19 không thể vượt qua được cửa tử. Khi họ ra đi nhưng không có người thân bên cạnh”, BS Lộc tâm sự.

“Làm việc ở đây cũng có rất nhiều nhân viên y tế của các tỉnh bạn vào hỗ trợ Bình Dương. Chúng tôi hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong công việc. Đó không chỉ là tình đồng chí, đồng nghiệp mà giống như anh em một nhà vậy. Tất cả đều có một quyết tâm đó là giúp bệnh nhân nhanh khỏe”, BS Lộc chia sẻ.

BS Lộc nói: "Xa vợ con đi làm nhiệm vụ cao cả, có chút nhớ chút thương nhưng nghĩ lại đã là bác sĩ thì sức khỏe người bệnh là hàng đầu. Đã công tác trong ngành y, mình chẳng e sợ gì cả, khi Tổ quốc, nhân dân cần thì mình sẵn sàng lên đường".

Cũng là thành viên trong đoàn cán bộ, nhân viên y tế Thừa Thiên Huế vừa trở về từ Bình Dương, y sĩ Đoàn Xuân Thìn, nhân viên y tế Bệnh viện Y học học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chia sẻ về những ngày không quên khi tham gia chống dịch.

Đoàn 41 cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Thừa Thiên Huế chụp ảnh lưu niệm trước lúc trở về Huế sau 1 tháng hỗ trợ tỉnh Bình Dương chống dịch.

Y sĩ Đoàn Xuân Thìn cho biết, trong tuần đầu tiên vào làm nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến, anh được phân công đến các khu điều trị để lấy mẫu xét nghiệm PCR. Sau đó, do phân bố được nhân lực, nên anh được chuyển về làm công tác cho bệnh nhân xuất viện.

"Tôi tình nguyện vào Bình Dương chống dịch theo tình thần, nhiệt huyết của một thanh niên. Luôn đem một tinh thần hết mình, tận tâm trong khả năng để phục vụ người bệnh", y sĩ Đoàn Xuân Thìn nói.

Khi nhìn thấy những ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ của những đứa trẻ mắc COVID, chúng là con của những người cha, người mẹ cũng đang phải điều trị bệnh, nhưng những cô, cậu bé đó vẫn vui tươi chạy nhảy, mà mình cũng cảm thấy vui, được tiếp thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Y sĩ Đoàn Xuân Thìn

Xem thêm video đang được quan tâm:



Hoàng Dũng