Nhiều quy định mới về thi đua, khen thưởng sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2

Xã hội - Ngày đăng : 17:54, 19/10/2021

Người đứng đầu có trách nhiệm phát hiện cá nhân, tập thể có thành tích để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng có trách nhiệm phát hiện cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng.
Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Bổ sung một số danh hiệu tập thể

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ vào chiều 19/10, ông Phạm Huy Giang, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương cho biết, theo dự kiến chương trình làm việc, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi.

Nội dung sửa đổi, bổ sung đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng vào 4 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.

Về nội dung thi đua, dự thảo Luật đã bổ sung danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” cho tập thể khi tham gia các phong trào thi đua theo chuyên đề do Thủ tướng Chính phủ phát động từ 5 năm trở lên, và danh hiệu “Cờ thi đua cấp bộ, cấp tỉnh” cho tập thể khi tham gia phong trào thi đua theo chuyên đề do bộ, ngành, địa phương phát động từ 3 năm trở lên, để phát huy tác dụng khích lệ, động viên phong trào. Xuất phát từ thực tiễn các phong trào thi đua thời gian qua, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, thống nhất đề nghị bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”, điều chỉnh một số tiêu chuẩn danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hoá”, “Gia đình văn hoá” thành danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu” để thống nhất hệ thống danh hiệu thi đua ở cơ sở và cho gia đình.

Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị, cơ sở trong tổ chức triển khai phong trào thi đua, để việc phát động, triển khai các phong trào thi đua trong thời gian tới phải thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua.

Khắc phục tình trạng khen thưởng 'cộng dồn thành tích'

Về khen thưởng, ông Phạm Huy Giang nêu rõ: Dự thảo Luật bổ sung với nhiều nội dung mới nhằm bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị; cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài Nhà nước. Dự thảo Luật đã thiết kế tạo sự thống nhất, xuyên suốt từ nguyên tắc, loại hình khen thưởng, đến các quy định cụ thể tiêu chuẩn khen thưởng; đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, đảm bảo nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây.

Bổ sung nguyên tắc “quan tâm khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo”; mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam trong điều kiện chủ động hội nhập; quy định rõ hơn đối tượng khen thưởng “doanh nhân, trí thức, nhà khoa học”, “doanh nghiệp” trong các loại hình khen thưởng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước, kinh tế tư nhân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng kỷ niệm chương; các ban, bộ, ngành tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng phù hợp

Một trong những điểm mới là bổ sung về hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội được tặng kỷ niệm chương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tặng huy hiệu để phù hợp với thực tiễn và thống nhất hình thức khen thưởng.

Vì vậy, dự thảo Luật đã bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hình thức khen thưởng “Kỷ niệm chương” và bổ sung quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phù hợp với đặc thù hoạt động của Quốc hội. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và phân cấp cho người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phù hợp.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương, huy chương cho đại biểu Quốc hội và các tập thể, cá nhân có đóng góp trong công tác Quốc hội, để phù hợp với thực tiễn hoạt động của Quốc hội.

Đồng thời, quy định cụ thể đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh cho đối tượng là nông dân, công nhân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học để thực hiện chủ trương của Đảng về chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác.

Sửa đổi, bổ sung về đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng, Huân chương Lao động các hạng.

Đặc biệt, ông Phạm Huy Giang cho biết, dự thảo bổ sung quy định: Người đứng đầu có trách nhiệm phát hiện cá nhân, tập thể có thành tích để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng có trách nhiệm phát hiện cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng.

Lê Sơn