Tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cho trẻ cần lưu ý gì?

Tin Y tế - Ngày đăng : 17:47, 19/10/2021

Bộ Y tế triển khai mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ 12-17 tuổi trong thời gian sắp tới.
245927993_4665651046807942_616212076291454128_n.png
Tiêm vắc xin cho trẻ phòng COVID-19 cần lưu ý và cân nhắc gì - Ảnh: HCDC

Theo các chuyên gia về cơ bản phản ứng của trẻ em cũng giống như người lớn, các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc cho trẻ trong giai đoạn này.

Phản ứng tương tự người lớn

Theo ThS DS. Nguyễn Thị Nguyên Sinh và ThS BS. Phạm Đức Thắng, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM - Cơ sở 3, cho biết nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 là giải pháp hữu hiệu, là chìa khóa để chấm dứt đại dịch.

Để từng bước tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế triển khai mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Cũng giống như người lớn, trẻ em sau khi tiêm vắc xin có thể gặp một số phản ứng như sưng, nóng, đỏ, đau, ngứa nơi tiêm, khó chịu, mệt mỏi, sốt, vã mồ hôi, ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn, đau khớp, mỏi cơ, tiêu chảy...

Các phản ứng sau tiêm vắc xin COVID-19 là những dấu hiệu thông thường cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng bảo vệ và hệ miễn dịch đang làm những gì mà nó phải làm. Các tác dụng phụ này sẽ biến mất sau 12-48 giờ.

Một số biện pháp có thể áp dụng để giúp cải thiện phản ứng sau tiêm như: Để giảm đau và giảm khó chịu tại vị trí tiêm, có thể áp một chiếc khăn sạch, mát và ẩm lên khu vực đó; sử dụng hoặc tập thể dục cho cánh tay; cho trẻ uống thật nhiều nước, mặc trang phục nhẹ nhàng không gây nóng bức để giảm khó chịu do sốt.

Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu có các biểu hiện bất thường như sốt cao (≥ 39 độ C) liên tục, tím tái, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, vật vã, lừ đừ...

Tiếp tục thực hiện nghiêm quy tắc 5K và hoàn thành đủ hai mũi vắc xin COVID-19 là biện pháp hiệu quả giúp đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Chăm sóc trẻ kỹ hơn 3 tuần sau tiêm

Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết thêm, sau tiêm cũng cần phải theo dõi sau tiêm chủng 30 phút để xem trẻ có bất thường gì không như tri giác, chỗ tiêm, thân nhiệt, màu da…

Bên cạnh đó, sau khi về nhà cần phải theo dõi, chăm sóc trẻ kỹ hơn 3 tuần sau khi tiêm. Cụ thể, mặc đồ thoáng mát, nếu trẻ sốt thì uống paracetamol hạ sốt, giảm đau.

Ngoài ra, có thể chườm đá vào nơi tiêm để giảm sưng đau cho trẻ. Đặc biệt, không bôi dầu gió, đắp khoai tây… vào chỗ tiêm sẽ dễ bị nhiễm trùng.

Bác sĩ Quy cho biết thêm người nhà phải hợp tác với bác sĩ khi khám sàng lọc vì chỉ có bố mẹ mới nắm rõ tiểu sử của trẻ, trẻ không thể tự khai. Khám sàng lọc cho trẻ phải kỹ hơn, chăm chút hơn, hay nói đúng hơn là nhiều hơn các bước so với người lớn.

Đặc biệt, với nhóm trẻ thừa cân, béo phì hay mắc bệnh lý nền, dị ứng nên đến tiêm tại các bệnh viện và nên ưu tiên cho nhóm trẻ này được tiêm trước.

Hiện nay có một số các thông tin cho rằng, để phòng ngừa những phản ứng khi tiêm vắc xin của trẻ nhỏ, có thể uống nước tía tô trước khi tiêm COVID-19.

Tía tô (theo y học cổ truyền) là loại dược liệu có tác dụng hạ sốt, vã mồ hôi, giúp tiêu hóa tốt, giảm đau, giải độc, hỗ trợ điều trị mề đay, mẩn ngứa. Mặc dù vậy, chưa có tài liệu chính thống nào báo cáo về tác dụng phòng ngừa phản phụ sau tiêm vắc xin của tía tô cũng như chưa có khuyến cáo nào từ các chuyên gia là nên cho trẻ uống nước tía tô trước khi tiêm vắc xin.

Uống nước tía tô trước khi tiêm vắc xin ảnh hưởng gì đến hiệu quả của vắc xin, có làm cho cơ thể phản ứng miễn dịch chậm với vắc xin hay không, đến nay vẫn chưa được hiểu biết một cách rõ ràng. Mặt khác, uống quá nhiều nước tía tô sẽ gây đầy hơi, chướng bụng và một số tác dụng không mong muốn khác.

ANH ĐÀO