Hà Nội: Trường học 'vùng xanh' mong sớm mở cửa, đón học sinh đi học lại

Xã hội - Ngày đăng : 11:28, 18/10/2021

Không chỉ phụ huynh, giáo viên mà cấp quản lý cũng mong Hà Nội sớm mở cửa trường học ở những nơi kiểm soát tốt dịch, nhiều ngày không ca COVID-19.

Có hai con học lớp 1 và lớp 5, chị Nguyễn Thị Hoài Thu (Ứng Hoà, Hà Nội) khóc dở mếu dở vì sắp xếp thời gian biểu cùng con học trực tuyến. Doanh nghiệp nơi chị Thu làm việc bắt đầu hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, nên chị hầu như không có thời gian giám sát con học.

Chồng thường xuyên đi công tác, ông bà nội ngoại ở xa, một mình chị Thu xoay sở vừa đi làm, vừa dạy con học. Chị gặp khó khăn khi sắp xếp thời gian biểu cho con trai út vừa vào lớp 1. Mạng thì phập phù, lúc được lúc không nên khi con học là mẹ luôn phải ngồi cạnh để giúp con chỉnh máy, bật camera, bật mic.

Không chỉ học online Toán, Tiếng Việt, ở trường con chị Thu, các cô còn yêu cầu con học Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật. Phụ huynh phải hỗ trợ con quay lại video bài học rồi nộp cho giáo viên qua Zalo. Rất mất thời gian với cả phụ huynh và học sinh.

"Huyện Ứng Hoà hơn 5 tuần nay không có ca COVID-19, nhưng trường học vẫn chưa mở cửa trở lại. Điều này gây khó khăn cho nhiều phụ huynh, đặc biệt là những người đi làm trong khu công nghiệp như tôi. Tôi hy vọng Hà Nội sớm lên phương án mở cửa trường học vùng ngoại thành, các nơi kiểm soát tốt dịch bệnh để trẻ tới trường và phụ huynh yên tâm đi làm", chị Thu mong muốn.

Hà Nội: Trường học 'vùng xanh' mong sớm mở cửa, đón học sinh đi học lại - 1

Phụ huynh, giáo viên mong Hà Nội sớm có phương án cho học sinh "vùng xanh" trở lại trường.

Theo bà Trần Thị Thanh Huế, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn, Hà Nội, một tiết học trực tiếp giá trị hơn nhiều lần học trực tuyến, do đó cả giáo viên, phụ huynh đều mong các trường sớm được phép đón học sinh trở lại.

Theo bà Huế, thành phố nên tính đến mở cửa dần việc dạy học trực tiếp ở các vùng xanh tương tự quy trình nới lỏng các dịch vụ, cửa hàng tại Hà Nội. Như có thể cho học sinh đầu và cuối cấp khối 1, 6 và 9 đi học trước, sau đó theo dõi diễn biến dịch bệnh. Bởi từ ngày 25/8 đến nay, huyện không phát hiện ca mắc mới nào trong cộng đồng, đủ đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường.

"Các con đã không đến trường thời gian dài, việc này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn tác động không tốt đến nề nếp, ý thức học sinh, khiến học sinh thiếu hụt kỹ năng sống trong môi trường tập thể, hạn chế sự tương tác, giao tiếp với bạn bè", bà Huế nhấm mạnh.

Đồng quan điểm, ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho rằng, hơn hai tháng nay địa bàn huyện không ghi nhận ca mắc mới, học sinh vẫn chưa đến trường do thực hiện chỉ đạo chung của toàn thành phố. Tuy nhiên nghỉ học quá lâu sẽ ảnh hưởng đến các em.

Hy vọng thành phố sẽ xem xét cho học sinh lớp 6, 9 và 12 được đi học trực tiếp. Học sinh trong độ tuổi này đã ý thức được tầm quan trọng của các biện pháp phòng, chống dịch và không gặp khó khăn khi thực hiện theo. Ngoài ba khối lớp trên, ông cho rằng các khối còn lại có thể đi học trực tiếp vào đầu tháng 11, khi dịch bệnh đang kiểm soát tốt và các em bắt đầu được tiêm vaccine.

Nếu xét theo dự thảo bộ 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong trường học do Sở GD&ĐT cùng cơ quan y tế xây dựng vừa qua, các trường ở Ba Vì đạt khoảng 13 tiêu chí, sẵn sàng mở cửa đón học sinh, ông Oanh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội) cũng bày tỏ, ở huyện “vùng xanh”, lãnh đạo nên tính toán cho học sinh đầu cấp, cuối cấp đi học trực tiếp. Khi phụ huynh đi làm, không có người giám sát con học trực tuyến sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ không mong muốn với trẻ. Thậm chí học sinh có thể lén truy cập các trang mạng chưa thông tin xấu, độc, hoặc chơi game trực tuyến.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ngành giáo dục thủ đô chờ chỉ đạo chung. Các trường trên địa bàn luôn sẵn sàng chờ thành phố cho phép học sinh trở lại trường.  Hiện 97,6% giáo viên ở Hà Nội hoàn thành tiêm ít nhất một mũi vaccine, tỷ lệ tiêm 2 mũi đạt 33%.

Ngày 15/10, trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2021 - 2022, Bộ GD&ĐT được yêu cầu sớm ban hành hướng dẫn các cơ sở giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đưa hoạt động giáo dục dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn biến dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Bộ và các địa phương rà soát các quy định bảo đảm an toàn trường học, trong đó tính đến tỷ lệ tiêm bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, giáo viên và học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Minh Khôi

Minh Khôi