TP.HCM cần mạnh dạn mở cửa, chấp nhận số ca COVID-19 tăng trong tầm kiểm soát

Xã hội - Ngày đăng : 08:35, 17/10/2021

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, TP.HCM cần mạnh dạn mở cửa, phục hồi kinh tế và ít nhiều sẽ phải chấp nhận số ca mắc gia tăng nhưng trong tầm kiểm soát.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trường Đại học Y Dược TP.HCM đánh giá, từ ngày 23/8 đến nay, số ca tử vong do COVID-19 tại TP.HCM giảm dần nhanh hơn mức độ giảm của số ca mắc. Điều này chứng tỏ vai trò của vaccine và cũng là cơ sở của Nghị quyết 128 đưa ra việc chuyển chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.

TP.HCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần

"Câu hỏi đặt ra ở thời điểm này về phương diện y tế là làm sao có thể sống chung an toàn và bền vững với COVID-19? Theo quan điểm của tôi vốn từng làm trong ngành y tế, đó là phải có được miễn dịch cộng đồng và muốn duy trì miễn dịch cộng đồng thì phải sống chung với COVID-19", PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.

TP.HCM cần mạnh dạn mở cửa, chấp nhận số ca COVID-19 tăng trong tầm kiểm soát - 1

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trường Đại học Y Dược TP.HCM.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, với tỷ lệ gần 100% người dân đã được tiêm ngừa 1 mũi và 72% người dân tiêm đủ mũi 2, TP.HCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần.

Miễn dịch cộng đồng một phần có nghĩa là ngoại trừ những người đã tiêm vaccine sẽ được bảo vệ, những người chưa tiêm vaccine cũng được bảo vệ một phần do giảm nguy cơ bị lây nhiễm từ những người xung quanh, mà đa số những người này đã được chích ngừa. Điều này làm làm giảm tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và góp phần giảm số ca mắc mới.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, các nhà khoa học cho rằng với biến chủng Delta có R0 là 7 hay 8 thì với các vaccine hiện nay sẽ không thể nào đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Điều này có nghĩa là để tiếp tục kiềm chế dịch, chúng ta vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho cá nhân (thực hiện 5K); phải có quy định phòng chống dịch tại các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp; phải có chiến lược xét nghiệm phát hiện ca bệnh có hiệu quả, phải xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để ứng phó kịp thời.

Nên mạnh dạn mở cửa, phục hồi kinh tế

Dẫn kinh nghiệm của Singapore, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, Singapore có tỷ lệ tiêm chủng vaccine 85% và đã dự định sẽ nới lỏng các quy định giãn cách xã hội khi tỷ lệ tiêm chủng trên 80%. Tuy nhiên khi Singapore nới lỏng giãn cách thì số ca mắc gia tăng khiến chính phủ Singapore có phần nào e dè và trì hoãn các bước mở cửa. Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ.

Tuy nhiên, hoàn cảnh của Singapore khác với TP.HCM. Do Singapore thực hiện chiến lược zero COVID rất thành công nên miễn dịch cộng đồng của Singapore đi đến chủ yếu từ việc tiêm chủng mà không có miễn dịch do các ca bệnh lưu hành. Vì miễn dịch chỉ từ vaccine là không đủ nên số ca mắc sẽ tăng nhanh khi thực hiện nới lỏng.

TP.HCM cần mạnh dạn mở cửa, chấp nhận số ca COVID-19 tăng trong tầm kiểm soát - 2

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, TP.HCM nên mạnh dạn mở cửa, phục hồi kinh tế, chấp nhận số ca mắc tăng nhưng có kiểm soát.

Trong khi đó các quốc gia châu Âu hay TP.HCM, đã từng bị dịch bệnh lưu hành nên sẽ có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn. Và như vậy, có lẽ khi nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế, số ca mắc sẽ gia tăng nhưng không tăng nhanh như Singapore.

"Lập luận này gợi ý chúng ta cần mạnh dạn lập kế hoạch thực hiện các bước phục hồi kinh tế. Điều này cũng nhấn mạnh, nếu muốn sống chung với COVID-19 an toàn và bền vững chúng ta phải đạt được mức miễn dịch cộng đồng nào đó. Mặc dù vậy, ít nhiều chúng ta sẽ phải chấp nhận số ca mắc gia tăng", PGS.TS Dũng nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, TP.HCM có thể bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch. Các biện pháp chế tài cực đoan có thể không phù hợp mà thay vào đó sử dụng biện pháp chế tài kinh tế có thể có hiệu quả cao hơn.

Từ đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng kiến nghị TP tếp tục kêu gọi người dân thực hiện 5K; yêu cầu tuân thủ các quy định phòng chống dịch tại các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, xây dựng chiến lược xét nghiệm phát hiện ca bệnh có hiệu quả.

Mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ. Cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch và sử dụng biện pháp kiểm soát kinh tế để yêu cầu tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt, chấp nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát

Bên cạnh đó cũng không cần thiết cách ly người F1 nếu những người này đã được tiêm vaccine đủ 2 mũi. Xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để có thể ứng phó kịp thời và đánh giá mức độ miễn dịch ở người lớn tuổi để có thể thực hiện các mũi tiêm tăng cường ở các đối tượng này khi cần thiết.

Thế Quang

Thế Quang