Cần thúc đẩy sản xuất sorbitol trong nước

Pháp luật - Ngày đăng : 13:51, 16/10/2021

(CATP) Sorbitol có thể hiểu đơn giản là một dạng chất phụ gia quan trọng trong chế biến và sản xuất thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Để có thể phát triển kinh tế bền vững trong lĩnh vực sản xuất này, một quốc gia cần phải chủ động đảm bảo nhu cầu sử dụng sorbitol trong nước. Trong nhiều năm vừa qua, sản xuất và chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm nước ta phụ thuộc vào nguồn sorbitol nhập khẩu, cụ thể từ Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ.

Không nên phụ thuộc

Việc phụ thuộc vào nguồn sorbitol nước ngoài không đơn thuần là vấn đề giá cả và sự tùy tiện nâng giá sản phẩm này ảnh hưởng đến sản suất và xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm hay dược phẩm mà còn liên quan đến ý đồ của nước ngoài trong việc kìm hãm và chống phá nền sản xuất nước ta. Khắc phục tình trạng này và hướng đến phát triển kinh tế bền vững, Quyết định số 81/20099/QĐ-TTg ngày 21-5-2009 cụ thể hóa chủ trương tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú sẵn có trong nước sản xuất sorbitol.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, các công ty thương mại dùng phương pháp thâu tóm thị trường, lách luật để tránh thuế và bán phá giá dìm chết việc sản xuất sorbitol trong nước rồi tăng giá bán. Việc này đã xảy ra nhiều lần với nhiều loại sản phẩm nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước thường vì lợi ích trước mắt mà không nghĩ, tính đến lợi ích lâu dài.

Để đảm bảo sự ổn định của thị trường và bảo vệ nhà sản xuất trong nước, Bộ Công thương đã áp thuế chống bán giá tạm thời từ tháng 7-2021. Thị trường sorbitol hiện tại ngoài sản phẩm trong nước của Công ty Cổ phần Sorbitol Pháp - Việt (SOFAVI), có 3 công ty lớn cung cấp nguồn từ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đang bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường Việt Nam.

Hiện có ý kiến phản đối việc áp thuế chống bán phá giá sorbitol chủ yếu là từ các quốc gia xuất khẩu Sorbitol và các công ty sản xuất, công ty thương mại trong nước. Một số quốc gia xuất khẩu sorbitol đề nghị Cục Phòng vệ thương mại ngừng điều tra và bỏ áp thuế chống bán phá giá và cho rằng họ bán giá thấp vì có lợi thế với quy mô sản xuất lớn và định mức tiêu hao thấp. Các công ty sản xuất và thương mại thì lấy lý do đảm bảo lợi ích người tiêu dùng vì việc áp thuế chống bán phá giá họ phải mua sorbitol với giá cao nên tăng giá thành sản phẩm và buộc họ phải tăng giá bán sản phẩm.

Hãy bảo vệ nhà sản xuất trong nước

Về vấn đề này, ông Lương Hoàng Hưng, Phó chủ tịch Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam cho rằng để chủ động nguồn sorbitol, chúng ta phải bảo vệ các nhà sản xuất trong nước nên việc áp thuế chống bán phá giá là phù hợp; ngoài ra còn cần áp dụng hạn ngạch đối với sản phẩm sorbitol nhập khẩu. Hãy nhìn vào ngành sản xuất đường và vấn đề bán phá giá đường những năm vừa qua để có những biện pháp mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, ông Trần Văn Liêng, Tổng giám đốc Vinacacao cho rằng các nhà sản xuất trong nước nên quan tâm đến chất lượng sorbitol nhập khẩu, đặc biệt là loại làm từ bột bắp biến đổi gene có thể có giá thấp hơn nhiều nhưng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và rất có thể gặp khó khăn trong xuất khẩu sang các thị trường không chấp nhận sản phẩm sử dụng nguyên liệu biến đổi gene.

Theo ông Liêng, sorbitol của SOFAVI có chất lượng tốt vì sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất từ tập đoàn Novasep (Pháp) cùng hệ thống Hydro hóa của tập đoàn Biazzi (Thụy Sĩ) với nguồn nguyên liệu sạch từ khoai mì tự nhiên, không biến đổi gene, đảm bảo VSATTP.

Nhà máy sản xuất sorbitol SOFAVI đạt tiêu chuẩn châu Âu tại Tây Ninh

TS. Bùi Hải Đăng, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV cho biết, việc áp thuế chống bán phá giá khá phổ biến trong thương mại quốc tế.

Ở châu Âu, chính sách thương mại chung của EU cho phép áp thuế chống bán phá giá khi mà sản phẩm được bán ra thị trường thấp hơn giá thành, gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại nhà sản xuất của họ, hay việc áp thuế chống bán phá giá vì lợi ích cộng đồng.

Để bảo vệ thị trường nội khối và các nhà xuất, EU còn áp thuế đền bù khi các nhà xuất khẩu vào châu Âu được trợ cấp; áp thuế đối với các hoạt động thương mại không lành mạnh như lạm dụng thị phần để chi phối, thỏa thuận định giá cao hơn và hạn chế đầu ra để giữ giá và các hành vi cản trở khác...

Ông Đăng cũng cảnh báo về ý đồ của nước ngoài và những toan tính chống phá kinh tế nông nghiệp của Việt Nam theo chiều sâu trong việc cản trở và hạn chế khả năng tự chủ nguồn sorbitol trong nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp việc sử dụng sorbitol trong nước còn thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nước nhà, giảm chi phí ngoại tệ nhập nguyên liệu hàng năm, cân bằng cán cân thương mại, góp phần bình ổn giá nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài làm ngưng trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh và tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn, vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa phải phòng chống và kiểm soát dịch bệnh; nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô kinh doanh và dừng sản xuất.

Hiện nay, trong bối cảnh quan hệ kinh tế quốc tế khó có thể phục hồi ngay thì Chính phủ cần có nhiều biện pháp để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước gắn với kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế nội địa là vô cùng quan trọng.

Hải Nguyên