Tâm lý du khách thay đổi thế nào sau thời giãn cách đại dịch COVID-19?

Xã hội - Ngày đăng : 05:43, 16/10/2021

Du khách sẽ ưu tiên lựa chọn đến các địa điểm du lịch gần thay vì phải đi xa kết hợp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, họ cũng thích đi du lịch một mình để hạn chế tiếp xúc.

Bối cảnh dịch bệnh

Những đợt dịch COVID-19, đặc biệt đợt thứ 4 bùng phát với biến chủng Delta lây lan mạnh đúng vào thời điểm du lịch chuẩn bị đón mùa cao điểm (tháng 4) đã khiến cho ngành dịch vụ du lịch lao dốc, các chỉ số tăng trưởng đang chạm đáy gần như bằng 0. Cả du lịch nội địa và quốc tế tiếp tục rơi vào tình trạng ảm đạm.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đang phải đóng cửa chống dịch, nhiều doanh nghiệp xin rút giấy phép kinh doanh, các nhà hàng hay khách sạn vắng khách, xe du lịch nằm bãi…

Tâm lý du khách thay đổi thế nào sau thời giãn cách đại dịch COVID-19? - 1

Nhiều người quyết đi du lịch ngay sau giãn cách xã hội do phải ở nhà quá lâu 

Sau khi dịch cơ bản được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu khởi động lại các chương trình, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng, chống dịch và hoạt động du lịch, lữ hành. Người dân nói chung và người đam mê du lịch nói riêng, sau thời gian dài phải ở nhà do lệnh giãn cách xã hội, cảm thấy rất bức bối, nhu cầu đi du lịch tăng cao.

Tuy nhiên, nhu cầu này hiện nay đã có nhiều thay đổi so với thời kỳ chưa xuất hiện đại dịch COVID-19. Thị hiếu và xu hướng của du khách Việt không chỉ thay đổi về điểm đến, khoảng cách mà cả về hình thức của các chuyến đi. Nhiều hy vọng cho sự trở lại của ngành du lịch khi việc triển khai tiêm vaccine đang được Chính phủ đẩy nhanh, giúp du lịch được mở cửa trở lại.

Thay đổi tâm lý du lịch

Hoàng Khương là một bạn trẻ rất thích đi du lịch, anh là travel blogger sở hữu kênh youtube chuyên giới thiệu các điểm đến và món ăn đặc sản địa phương nổi tiếng với hơn 300.000 người đăng ký. Khương nhận xét rằng xu hướng du lịch thời hậu COVID-19 sẽ thay đổi rất nhiều.

Cá nhân anh sẽ ưu tiên chọn hình thức du lịch tại chỗ với những kỳ nghỉ ngắn cuối tuần tới những địa điểm gần nhà thay vì những chuyến đi xa dài ngày. Anh Khương nhận định rằng kiểu du lịch này giúp du khách không cần mất quá nhiều thời gian di chuyển mà vẫn có thể được thư giãn và giải trí ở không gian mới

“Thay vì đi xa, mình sẽ lựa chọn các điểm đến gần Sài Gòn như Vũng Tàu hoặc Đà Lạt. Chỉ cần vài tiếng đi xe là có thể tận hưởng được một điểm đến vừa gần vừa đẹp. Đến đây, mình sẽ có thể tránh xa được khói bụi ồn ào nơi phố thị, được tắm biển và hòa mình cùng thiên nhiên”, anh Khương chia sẻ.

Tâm lý du khách thay đổi thế nào sau thời giãn cách đại dịch COVID-19? - 2

Một chuyến du lịch bụi ở Nepal của anh Hoàng Khương

Theo ông Trương Hoàng Sang, dân du lịch sẽ chấp nhận bỏ thêm tiền để mua những tour du lịch được đơn vị lữ hành đảm bảo an toàn sức khỏe, điểm đến là những nơi có không gian thanh bình đồng quê và hạn chế tiếp xúc nhiều người.

Ông Sang là cán bộ hưu trí nên đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe, ông cũng sẽ ưu tiên lựa chọn các gói tour du lịch chăm sóc sức khỏe. Ông sẽ ưu tiên đến những resort nghỉ dưỡng ở không gian trong lành, suối nước nóng, vừa được hưởng các dịch vụ chăm sóc lại được nâng cao sức khỏe.

Ngoài ra, ông Sang còn hay đi du lịch với cả gia đình gồm con và cháu, nên những nơi mang nhiều màu xanh, gần gũi với thiên nhiên luôn là lựa chọn nằm trong danh sách điểm đến du lịch của ông.

Gia đình ông thường đến những địa điểm du lịch xanh như như Cần Giờ, Củ Chi, núi Bà đen (Tây Ninh), làng du lịch Tre Việt, khu du lịch ven sông Bình Mỹ, khu du lịch sinh thái Mỹ Châu (Bình Dương), Tứ Phương Thất Đảo (Vũng Tàu), Thác Giang Điền (Đồng Nai)...

Tâm lý du khách thay đổi thế nào sau thời giãn cách đại dịch COVID-19? - 3

Du lịch chăm sóc sức khỏe, đến những nơi có không gian thanh bình, nhiều mảng xanh được ưu tiên lựa chọn

Còn đối với phượt thủ nhiều kinh nghiệm như anh Quốc Thái, nếu như trước đây mọi người thường chọn đi theo đoàn đông để cùng nhau trải nghiệm những chuyến vi vu thì giờ đây không ít người lựa chọn các chuyến đi một mình. Xu hướng du lịch không chỉ ở riêng Việt Nam mà nó lan rộng ra toàn thế giới. Kiểu du lịch này vừa có thể khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài, vừa có những trải nghiệm độc đáo theo cách của riêng mình.

Sau thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng đại dịch, anh Thái đặc biệt quan tâm đến việc hạn chế tối đa những tiếp xúc thông thường và nguy cơ gây lây nhiễm COVID-19. Với sự hỗ trợ của công nghệ, các phương thức check in online, thanh toán trực tuyến, các thiết bị thông minh giúp chúng ta không cần tiếp xúc hay chạm vào đồ vật nhưng vẫn tận hưởng được dịch vụ du lịch một cách trọn vẹn.

“Xu hướng này mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà cung cấp dịch vụ du lịch, du khách và nền kinh tế. Du khách vẫn được thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng, nhà cung cấp dịch vụ tìm thấy hướng đi an toàn trong bối cảnh dịch bệnh. Ngoài ra, nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn nhờ nguồn thu từ du lịch trong khi vẫn đảm bảo an toàn cho du khách”, anh Quốc Thái nhận định.

Giải pháp căn cơ

Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nới lỏng dần các biện pháp phòng, chống dịch, một số ngành kinh tế, trong đó có dịch vụ - du lịch đã xây dựng các kế hoạch phục hồi. Một số địa phương đã thử nghiệm mô hình du lịch “bong bóng khép kín”, tức là du khách chỉ được đi đến những điểm trong vùng xanh, tuân thủ các biện pháp phòng dịch để từ đó có thể nhân rộng.

Ông Ngô Hữu Trường - Tổng giám đốc Công ty TNHH Crystal Bay Intourist nhận định cần phải triển khai ngay hình thức tour du lịch khép kín. Mô hình này đã tương đối thành công với các nước trên thế giới như Thái Lan với chương trình "Hộp cát Phuket" hay Thổ Nhĩ Kỳ đón 18,9 triệu lượt khách trong 9 tháng đầu năm 2021.

"Chúng tôi kỳ vọng việc mở cửa hoạt động trở lại này sẽ vừa góp phần khôi phục kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong ngành du lịch lữ hành, đồng thời giải tỏa cơn khát đi du lịch của người dân sau thời gian dài cuồng chân vì phải ở nhà", ông Trường cho biết.

Tâm lý du khách thay đổi thế nào sau thời giãn cách đại dịch COVID-19? - 4

Ông Ngô Hữu Trường - Tổng giám đốc Công ty TNHH Crystal Bay Intourist

Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, đây chính là thời điểm cần phải khởi động lại du lịch với những tour theo hình thức khép kín, an toàn. Trong tháng 10, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, hướng đến phát triển trong trạng thái sống chung với COVID-19.

"Chúng tôi kỳ vọng ngay trong tháng này, các địa phương, doanh nghiệp có thể triển khai những tour đầu tiên đến vùng xanh, không phải đợi thêm nữa. Vì phải dựa trên thực tiễn triển khai mới rút được các kinh nghiệm cần thiết để điều chỉnh được hoạt động theo bối cảnh bình thường mới", ông Bình nói.

Tâm lý du khách thay đổi thế nào sau thời giãn cách đại dịch COVID-19? - 5

Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Trong ngắn hạn, việc phục hồi ngành du lịch có thể được thông qua thúc đẩy người dân du lịch nội tỉnh, du lịch nội vùng - ở những khu vực, tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch. Còn về lâu dài, để phát triển bền vững du lịch nội địa, cần phải có sự đầu tư tính toán bài bản.

Đầu tiên, phải xây dựng sản phẩm phù hợp trên cơ sở hiểu rõ nhu cầu của du khách quốc nội. Bên cạnh đó, cần triển khai loại hình du lịch khai thác được tiềm năng của địa phương mà vẫn đảm bảo thỏa mãn nhu cầu đa dạng của du khách.

Cùng với đó cần phải làm mới các sản phẩm hiện có theo hướng gia tăng trải nghiệm cho du khách đối phù hợp với nhu cầu thị trường thay đổi do dịch bệnh. Trong đó, nên ưu tiên đầu tư tới loại hình du lịch được người Việt ưa thích như du lịch đêm, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng...

Tấn An