Công nghệ gây nhiễu đánh bẫy đối phương

Đối ngoại - Ngày đăng : 06:41, 14/10/2021

Cuộc xung đột đầu tiên được báo cáo liên quan đến sử dụng tác chiến điện tử (TCĐT) là chiến tranh Nga-Nhật năm 1905, khi các chỉ huy hải quân Nga cố gắng làm nhiễu đường truyền vô tuyến từ các tàu Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến này, hải quân Nhật Bản đã thành công trong việc truy đuổi hạm đội Nga khi họ có thể truyền thông tin các chuyển động và đội hình chiến đấu về cho chỉ huy cấp cao mà không bị nhiễu.

Chiến tranh thế giới thứ nhất đã chứng kiến việc sử dụng vô tuyến điện phổ biến để liên lạc và truyền tải thông tin chiến đấu. Năm 1914, quân Đức đã chặn được hệ thống liên lạc của quân Anh. Việc gây nhiễu thông tin liên lạc này trong thực tế được coi là hoạt động đầu tiên của TCĐT, vì năng lượng điện từ đã được sử dụng, không phải để liên lạc, mà để gây nhiễu liên lạc của đối phương. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, cả hai bên đều đã thử nghiệm đánh lừa điện tử dưới những hình thức đơn giản nhất, chẳng hạn như sai truyền tin, gián điệp điện tử, lưu lượng truy cập giả...

Máy bay do thám tầng cao U-2 của hãng Lockheed Martin. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, các thiết bị TCĐT chuyên dụng chỉ bắt đầu được phát triển ở Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong đó, việc sử dụng radar là một bước phát triển lớn. Thời kỳ này, người Đức đã phát minh ra công nghệ dẫn đường vô tuyến cho máy bay thực hiện những cuộc không kích ban đêm vào các căn cứ quân sự của Anh. Dưới áp lực của mối đe dọa hủy diệt này, người Anh đã phát minh ra phương pháp tạo ra các mục tiêu giả. Ngay sau khi người Đức sử dụng radar Wurzburg để chỉ thị mục tiêu cho pháo phòng không thì người Anh cũng đã phát minh các thiết bị gây nhiễu để đối phó. Giai đoạn này, mỗi bên đều giành được ưu thế chốc lát trong cuộc chiến TCĐT và chỉ để thua trước một biện pháp TCĐT mới.

Năm 1965, tên lửa đất đối không dẫn đường bằng radar SA-2 do Liên Xô chế tạo và pháo phòng không điều khiển bằng radar đã được bộ đội ta sử dụng để bắn hạ các máy bay chiến đấu của Mỹ. Sau các trận chiến này, quân đội Mỹ nhận thấy những thiết sót nghiêm trọng trong việc trang bị các công nghệ TCĐT trên máy bay chiến đấu cũng như các máy bay ném bom chiến lược. Để khắc phục tình trạng này, quân đội Mỹ bắt đầu nghiên cứu, phát triển và trang bị các tính năng TCĐT trên một số loại máy bay. Trong các cuộc ném bom đánh phá Hà Nội và Hải Phòng những năm 1971-1972, quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay EA-6B Prowler, loại máy bay TCĐT mới nhất được trang bị hệ thống gây nhiễu đường không chiến thuật. Trên các chiến trường ở Việt Nam từ năm 1965 đến 1972 đã thể hiện rõ cuộc chạy đua trong việc phát triển các thiết bị TCĐT và các biện pháp chống TCĐT.

Vào tháng 6-1982, cuộc chiến giữa Israel và Lebanon ở thung lũng Bekka cũng đã sử dụng TCĐT. Trong cuộc chiến này, người Israel đã sử dụng một loại kỹ thuật đánh lừa đặc biệt, được gọi là mồi nhử, sử dụng máy bay không người lái được điều khiển từ xa (Remotely Piloted Vehicles- RPVs). Trong đó, các RPVs được sử dụng để xác định vị trí và đặc điểm của các hệ thống vũ khí của đối phương, ví dụ như tần số hoạt động mà các tên lửa đất đối không SA-6 sử dụng. Hai máy bay trinh sát Grumman và E-2C được sử dụng để xác định hướng đến các hệ thống radar phòng không và tính toán được vị trí chính xác của chúng. Sau đó, các máy bay chiến đấu của Isreal tiến hành không kích các căn cứ này dựa trên thông tin tình báo thu thập được, gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho phía Lebanon.

HẢI THANH