Ba điểm mấu chốt trong sáng kiến hòa bình liên Triều của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:10, 13/10/2021

Tờ Korea Times ngày 12/10 đăng bài bình luận của Giáo sư Yang Moo-jin nhận định về bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Ba điểm mấu chốt trong sáng kiến hòa bình liên Triều của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp ở làng đình chiến Panmunjeom, tháng 4/2018. (Nguồn: Yonhap)

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh, tuyên bố chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên là điểm khởi đầu quan trọng để đưa ra một trật tự mới về "hòa giải và hợp tác" trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp lực ủng hộ tuyên bố này.

Ngay sau phát biểu của Tổng thống Moon Jae-in, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae-song ngày 24/9 cho rằng, việc đưa ra tuyên bố kết thúc chiến tranh ở thời điểm hiện tại là "quá sớm".

Tuy nhiên, bà Kim Yo-jong, người phụ nữ đầy quyền lực, hiện giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên truyền Đảng Lao động Triều Tiên, lại thừa nhận sự cần thiết và ý nghĩa của tuyên bố trên khi nói rằng, đó là một "ý tưởng đáng ngưỡng mộ".

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 22/9 nêu rõ, Washington sẵn sàng gặp giới chức Bình Nhưỡng mà không cần điều kiện tiên quyết, đồng thời kêu gọi Triều Tiên nên có phản ứng tích cực.

Trung Quốc cũng bày tỏ ủng hộ sớm chấm dứt tình trạng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và khẳng định, Bắc Kinh sẽ hoàn thành vai trò của mình với tư cách là một bên trong hiệp định đình chiến.

Vậy đâu là ý nghĩa của việc theo đuổi một tuyên bố chấm dứt chiến tranh chính thức?

Thứ nhất, Giáo sư Yang Moo-jin cho rằng, tuyên bố chấm dứt chiến tranh là một biện pháp rất có ý nghĩa khi được xem như một cửa ngõ dẫn đến hòa bình cho hai miền Triều Tiên và là chất xúc tác cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.

Một hiệp ước nhằm thiết lập một cơ chế hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên đã được lên kế hoạch từ thời điểm ký kết hiệp định đình chiến và đã được các nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên nhất trí trong Tuyên bố Panmunjeom năm 2018.

Ngoài ra, tuyên bố kết thúc chiến tranh có thể tạo động lực chính trị thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa.

Triều Tiên đã đưa ra yêu cầu loại bỏ các mối đe dọa quân sự, đồng thời phải có các biện pháp đảm bảo an ninh như một điều kiện tiên quyết cho tiến trình phi hạt nhân hóa. Theo đó, tuyên bố kết thúc chiến tranh có thể là biện pháp đầu tiên đáp ứng những yêu cầu này.

Một số người bày tỏ lo ngại rằng, Triều Tiên có thể sẽ không thực hiện các biện pháp phi hạt nhân hóa sau khi tuyên bố được đưa ra.

Tuy nhiên, một loạt các quá trình liên quan đến tuyên bố chấm dứt chiến tranh và ký kết hiệp ước hòa bình, cũng như việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên, không thể tách khỏi quá trình phi hạt nhân hóa.

Thứ hai, tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên cũng được Giáo sư Yang Moo-jin xem là bước đi hữu ích bởi nó có thể thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau mà không đòi hỏi thêm những đầu tư kinh tế hoặc sự thay đổi triệt để các vấn đề quân sự ngay lập tức.

Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên hồi tháng 7/2018 nhấn mạnh: "Vấn đề sớm đưa ra tuyên bố kết thúc chiến tranh được xem là bước tiến đầu tiên để giải tỏa căng thẳng và thiết lập một chế độ hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cũng là yếu tố đầu tiên tạo nên lòng tin giữa Triều Tiên và Mỹ".

Ở thời điểm đó, Triều Tiên dường như không mấy quan tâm đến những bế tắc đang diễn ra.

Song có thể nói, do Triều Tiên đánh giá cao giá trị của tuyên bố kết thúc chiến tranh, coi đó như một biện pháp xây dựng lòng tin, nên cuối cùng Hàn Quốc hoàn toàn có thể tìm thấy điểm chung thông qua những cuộc đối thoại tiếp theo.

Một số người còn cho rằng, tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ làm suy yếu liên minh Hàn-Mỹ và dẫn đến những lời kêu gọi rút các lực lượng đồn trú Mỹ khỏi lãnh thổ Hàn Quốc.

Tuy nhiên, như đã đề cập trước đó, tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ không gây ra những thay đổi triệt để ngay lập tức trong các vấn đề quân sự.

Thứ ba, tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ khiến Triều Tiên không thể biện minh cho việc phát triển hạt nhân và gây ra căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên.

Đại diện thường trực của Triều Tiên tại Liên hợp quốc phát biểu tại phiên họp toàn thể ĐHĐ LHQ ngày 27/9 vừa qua rằng: "Quan hệ Triều Tiên-Mỹ không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa các quốc gia không thân thiện, không có quan hệ ngoại giao, mà là giữa các quốc gia hiếu chiến đang ở trong tình trạng chiến tranh".

Do đó, tuyên bố kết thúc chiến tranh có thể kiềm chế xung đột leo thang hoặc chí ít cũng làm chậm lại quá trình phát triển năng lực hạt nhân của Triều Tiên để duy trì sự ổn định trên bán đảo.

Giáo sư Yang Moo-jin cho rằng, cũng cần có những nỗ lực nhất quán để không liên quan lợi ích của bất kỳ nhóm chính trị nào.

Theo đó, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đương nhiệm nên tiếp tục theo đuổi tuyên bố chấm dứt chiến tranh cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5/2022.

Bên cạnh việc khôi phục các đường dây liên lạc liên Triều, Giáo sư Yang Moo-jin cũng bày tỏ hy vọng, phía Triều Tiên sẽ tiến thêm một bước nữa và đáp ứng các cuộc thảo luận của Hàn Quốc về tuyên bố chấm dứt chiến tranh với quan điểm cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.


*Giáo sư Yang Moo-jin hiện đang làm việc tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên và là thành viên Ủy ban Thường trực Hội đồng tư vấn Thống nhất quốc gia Hàn Quốc.

Châu Anh