Tên lửa không-đối-không MICA NG chưa ra mắt đã “hút” khách hàng

Đối ngoại - Ngày đăng : 17:42, 12/10/2021

Tên lửa không-đối-không là vũ khí quan trọng hàng đầu trong tác chiến trên không, đánh chặn máy bay tiêm kích của đối phương. Với các điểm nóng xung đột xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới, vũ khí trang bị cho máy bay càng được chú trọng và các nhà thầu vũ khí đang tích cực thúc đẩy phát triển các loại công nghệ tên lửa hiện đại.

Pháp là một trong số ít các quốc gia phát triển thành công các dòng tên lửa không-đối-không và không dừng lại ở những thành tựu đã đạt được. Tên lửa MICA NG (new generation) là cái tên hiện đang được quốc gia này chú trọng phát triển và ưu tiên trang bị cho lực lượng quân đội của mình.

Dòng tên lửa đa năng MICA

MICA là viết tắt của cụm từ tiếng Pháp Missile d'Interception et de Combat Aérien, nghĩa là Tên lửa đánh chặn và tác chiến trên không, được phát triển bởi nhà thầu quốc phòng MBDA, nhắm tới trang bị cho các máy bay chiến đấu phiên bản không quân và hải quân.

Mô hình hai phiên bản của tên lửa MICA. Ảnh: Aviators Buzz.

MICA được phát triển từ năm 1982, thử nghiệm năm 1991 và bắt đầu trang bị lên các máy bay tiêm kích Rafale and Mirage 2000 của quân đội Pháp, chính thức thay thế các dòng tên lửa thế hệ cũ Magic II và Super 530.

Tên lửa gồm hai phiên bản sử dụng công nghệ radar chủ động RF ra mắt năm 1996 và công nghệ ảnh nhiệt IR ra mắt năm 2000. Trong đó, tên lửa MICA RF sử dụng đầu dò radar xung Doppler AD4A, còn tên lửa MICA IR sử dụng đầu dò ảnh nhiệt sóng kép bị động Sagem với việc dữ liệu về mục tiêu sẽ được nạp vào tên lửa trước khi phóng. MICA có trọng lượng 112kg, trong đó khối lượng đầu nổ chiến đấu nặng 12kg. Kích thước nhẹ và nhỏ gọn của nó cho phép một máy bay chiến đấu hạng nhẹ có thể mang tới 6 tên lửa.

Clip tên lửa MICA được phóng từ máy bay chiến đấu. Ảnh: MBDA.

Ngoài việc sử dụng trong không chiến, MICA còn có thể được phóng từ mặt đất với biến thể mặt đất được đặt trên khung gầm xe tải 5 tấn (VL MICA) và biến thể hải quân được lắp trong ống phóng thẳng đứng trên tàu (VL MICA-M). Khi phóng đi từ trên không, MICA có thể đạt tầm bắn tới 50km nhưng khi phóng từ mặt đất thì tầm bắn của tên lửa chỉ đạt 20km, độ cao tiêu diệt mục tiêu 9km, tốc độ Mach 3 (gấp 3 lần tốc độ âm thanh), thời gian giữa 2 loạt phóng là 2 giây.

Với hơn 5.000 tên lửa được xuất khẩu và trang bị cho lực lượng vũ trang của 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, MICA là một câu chuyện thành công đáng kể của MBDA.

Bản nâng cấp MICA NG - Cũ mà mới

Theo Defense News, chương trình phát triển tên lửa không-đối-không MICA NG có chi phí ước tính khoảng 1,8 tỷ euro đã được Bộ Quốc phòng Pháp thông qua vào tháng 7-2018. Công việc phát triển sẽ được thực hiện dưới sự hợp tác của các nhà thầu quốc phòng Pháp là MBDA, Safran và Thales.

So với thế hệ cũ, MICA NG sẽ không có nhiều thay đổi ở thiết kế bên ngoài nhưng được tập trung nâng cấp ở những bộ phận bên trong. Điều này giúp giảm thiểu sự thay đổi cần thiết để vận hành tên lửa mới trên các nền tảng phóng đã có sẵn, qua đó tiết kiệm chi phí rất lớn cho khách hàng.

Mô hình thiết kế của tên lửa MICA và MICA NG. Ảnh: EDR Magazine.

Nhà sản xuất MBDA tiết lộ, những cải tiến trên MICA NG cho phép nó có thể truy đuổi hiệu quả hơn các mục tiêu hiện đại trên không, được thiết kế để hạn chế bộc lộ tia hồng ngoại và điện từ (EM), phương tiện bay không người lái (UAV) và máy bay nhỏ, bên cạnh các mối đe dọa thông thường mà các máy bay chiến đấu gặp phải.

MBDA công bố sẽ nâng cấp đầu dò IR bằng công nghệ cảm biến ma trận mới với độ nhạy cao hơn để bám-bắt mục tiêu từ luồng hơi nóng phát ra bởi động cơ máy bay đối phương. Trong khi đó, đầu dò RF sẽ được thay thế bằng công nghệ radar mảng định pha chủ động (AESA) tân tiến. Điểm mạnh của AESA so với radar truyền thống là có khả năng truyền và nhận tín hiệu trên nhiều dải tần số khác nhau nên rất khó bị đối phương phát hiện, cho phép theo dõi số lượng mục tiêu nhiều hơn, số lượng mục tiêu có thể tham chiếu tăng lên đáng kể, độ kháng nhiễu cao...

Đầu dò của tên lửa MICA NG được nâng cấp mạnh mẽ so với "người tiền nhiệm" MICA. Ảnh: theatrum-belli.com.

Đặc biệt, MBDA khẳng định sẽ áp dụng những tiến bộ về công nghệ trong 25 năm qua vào quá trình thiết kế, sản xuất MICA NG để giảm đáng kể khối lượng các thành phần linh kiện bên trong tên lửa. Từ đó, nó cho phép nhà sản xuất đưa vào một lượng thuốc phóng lớn hơn để tăng đáng kể tầm bắn của tên lửa mà vẫn giữ nguyên được thông số kích thước “người tiền nhiệm” MICA.

Bên cạnh đó, thiết bị này cũng được trang bị một động cơ bay xung lực kép mới, giúp tăng vận tốc bay cũng như sức mạnh của tên lửa ở giai đoạn cuối của quá trình phóng, cải thiện khả năng cơ động và khả năng đánh chặn mục tiêu ở tầm xa hơn.

Ngoài ra, MBDA cũng đang nghiên cứu để tích hợp thêm các cảm biến bên trong MICA NG, cho phép theo dõi trạng thái của vũ khí trong suốt vòng đời tên lửa (bao gồm cả trong quá trình bảo quản và vận chuyển). Tập đoàn Thales sẽ chịu trách nhiệm phát triển một số cảm biến phát hiện mục tiêu cũng như tích hợp hệ thống giám sát tình trạng khí tài (HUMS) để cho phép kiểm soát tốt hơn chất lượng thiết bị theo thời gian. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm chi phí mua cũng như bảo trì tên lửa cho khách hàng.

Tên lửa MICA NG sẽ kế thừa hoàn toàn các tính năng lợi thế của MICA. Ảnh: Defense News.

Một điểm thu hút khách hàng khác của MICA NG là trong “không chiến”, tên lửa tiếp tục kế thừa các tính năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết cũng như có thể tiêu diệt được mục tiêu ở phía sau thông qua kết nối với hệ thống chỉ thị mục tiêu từ máy bay khác trong đội hình chiến đấu. Với khả năng “bắn và quên” của MICA cũng như tới đây là MICA NG, phi công chỉ cần phải nhắm và bắn mà không cần phải điều chỉnh đường đạn trong quá trình bay, qua đó giúp phi công có thể tập trung vào bắn mục tiêu mới hoặc cơ động sang vị trí khác.

Song song với đó, MBDA cũng đang tiến hành phát triển phiên bản đất-đối-­không và hạm-đội-không (SAM) thế hệ mới từ phiên bản VL MICA – một biến thể cũng rất phổ biến và hiện đang có trong biên chế của 15 lực lượng lục quân và hải quân trên thế giới.

Đơn đặt hàng đã đặt sẵn trên bàn

Với nhiều cải tiến, dù chưa đi vào sản xuất hàng loạt, nhưng MBDA đã nhận được đơn đặt hàng đặt mua 567 tên lửa MICA NG. Trong đó, riêng Cơ quan mua sắm quốc phòng (DGA) thuộc Bộ Quốc phòng Pháp đã đặt hàng 367 tên lửa loại này. Lô tên lửa MICA NG đầu tiên sẽ được bàn giao cho quân đội Pháp từ năm 2026 và nước này cũng sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch dần dần loại biên các tên lửa MICA hiện có, thay thế bằng phiên bản MICA NG. Công tác loại biên dự tính sẽ kết thúc vào năm 2030.

Mô hình tên lửa MICA NG bản dùng đầu dò ảnh nhiệt. Ảnh: Defense Blog.

“MICA NG thể hiện một bước thay đổi so với phiên bản hiện tại của MICA, trong khi vẫn giữ nguyên đặc tính cơ học và tương thích hoàn toàn với các hệ thống phóng hiện có. Nhiều công nghệ mà chúng tôi đưa lên MICA NG là thành tựu khoa học hoàn toàn mới để đem tới hiệu suất và tính năng vượt trội cho vũ khí”, đại diện MBDA khẳng định. Các tên lửa này sẽ được chuyển giao từ năm 2028 đến năm 2031.

Việc MICA NG không được liệt kê trong Quy định về Kiểm soát trao đổi vũ khí quốc tế của Mỹ (ITAR) cũng sẽ giúp nhà sản xuất kiếm được nhiều hợp đồng xuất khẩu, qua đó tăng độ phổ biến của MICA NG trong lực lượng không quân các nước giống như phiên bản tiền nhiệm của nó.

MINH ANH