Tương lai nào cho phụ nữ Afghanistan dưới chính quyền Taliban?

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:02, 12/10/2021

Sự trở lại của Taliban khiến người dân Afghanistan và thế giới lo ngại và đặt ra không ít kịch bản về số phận của phụ nữ và trẻ em gái. Thế giới và Afghanistan phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho phái yếu ở đất nước trải qua nhiều biến động này?
Tương lai nào cho phụ nữ ở Afghanistan dưới chính quyền Taliban?
Một số nữ sinh biểu tình đòi tiếp tục học ở các trường phổ thông và đại học ngày 20/9 tại Herat, Afghanistan. (Nguồn: Getty)

Những chính sách hà khắc của Taliban thời kỳ 1996-2001 đã để lại nỗi sợ hãi kéo dài cho tới tận ngày nay đối với người dân Afghanistan, đặc biệt với phụ nữ, trẻ em gái. Bất kể vào thời điểm nào, quyền của họ vẫn luôn là vấn đề nhận được nhiều sự chú ý, quan tâm của thế giới.

Mặc dù Taliban thông báo sự trở lại của chính quyền sẽ có nhiều cải cách cởi mở hơn và đảm bảo quyền lợi của phụ nữ, việc Taliban sẽ thực sự thay đổi và thực hiện các lời cam kết của mình hay không thì vẫn chưa rõ.

Được thành lập từ năm 1994, Taliban khởi đầu với sự lãnh đạo của Mullah Mohammed Omar, một mujahideen (chiến binh du kích Hồi giáo) cùng 50 thanh niên Afghanistan thuộc những người Pashtun tị nạn. Sau khi chiếm được thủ đô Kabul năm 1996, Taliban đã bị lực lượng Mỹ đánh bật khỏi Afganishtan vào năm 2001.

Sau 20 năm can thiệp tại Afghanistan, từ ngày 1/5, quân đội Mỹ bắt đầu rút khỏi quốc gia này theo thoả thuận, hạn cuối là đầu tháng 9/2021. Nhân cơ hội đó, Taliban đã nổi dậy và chính thức tái chiếm thủ đô Kabul ngày 15/8.

Sự trở lại của Taliban khiến người dân Afghanistan và thế giới lo ngại và đặt ra không ít kịch bản về số phận của phụ nữ và trẻ em gái.

Những hành động gì trong quá khứ Taliban đã khiến cho nhiều người phải e sợ tới vậy?

Nỗi ám ảnh của quá khứ

Ngày 17/8, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid tuyên bố “bảo đảm với cộng đồng quốc tế sẽ không có sự phân biệt”, hứa sẽ tôn trọng các quyền của phụ nữ “trong khuôn khổ cho phép của luật Hồi giáo (luật Sharia)”.

Luật Sharia là hệ thống pháp luật của đạo Hồi, vận hành như một quy tắc ứng xử của người Hồi giáo và ở một số quốc gia được toà án tôn trọng. Nó có nguồn gốc từ kinh Koran và Fatwa (những quan điểm của các học giả Hồi giáo).

Theo Giáo sư Akbar Ahmed, Chủ tịch Viện nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Mỹ, luật Sharia dù “được định nghĩa rất rõ ràng bởi kinh Quran”, việc diễn giải tùy thuộc vào các học giả, chính phủ và nền văn hoá. Ông nói thêm nếu như theo cách diễn giải của Taliban, phụ nữ “gần như không có quyền gì”.

Vào giai đoạn 1996-2001, Taliban đã áp dụng các luật lệ hà khắc và sử dụng hình phạt không kém phần tàn khốc đối với nữ giới. Phụ nữ bị cấm bỏ phiếu, phải mặc burqas (một loại khăn choàng bao phủ toàn bộ cơ thể, với một phần vải lưới để mắt có thể nhìn xuyên qua), không thể ra đường nếu không có người giám hộ là nam giới đi cùng và cũng không được phép làm việc bên ngoài gia đình.

Ngoài ra, trong thời kỳ này, đa số các bé gái không được đến trường. Năm 1999, chỉ 4% trên tổng số 9.000 bé gái trong độ tuổi tiểu học được đến trường và không một bé gái nào được học ở trường trung học.

Hình phạt dành cho những người phụ nữ vi phạm điều lệ không chỉ dừng lại ở việc bị đánh đòn, sỉ nhục ngay nơi công cộng mà đôi khi phải trả bằng cả mạng sống.

Năm 2001 đánh dấu bước ngoặt khi chính quyền Taliban sụp đổ và Afghanistan bắt đầu mở cửa với thế giới. Cơ hội mới đã mở ra với nữ giới, các học sinh nữ bắt đầu được đến trường và theo học đại học.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tỷ lệ biết chữ của phụ nữ tại nước này đã đạt mức 30%. Nữ giới có quyền tự do đi lại, bắt đầu sự nghiệp trong nhiều ngành nghề và tham gia vào bộ máy chính phủ. Hiến pháp mới của Afghanistan thông qua vào tháng 1/2004 đã khôi phục lại những quyền bình đẳng của nữ giới với nam giới.

Tương lai nào cho phụ nữ ở Afghanistan dưới chính quyền Taliban?
Sự trở lại của Taliban khiến người dân Afghanistan và thế giới lo ngại và đặt ra không ít kịch bản về số phận của phụ nữ và trẻ em gái. (Nguồn: Sky News)

Lời hứa và dấu hỏi lớncho tương lai

Lịch sử cai trị cực đoan của chính quyền Taliban đã khiến cho nhiều người tới nay vẫn còn sợ hãi, đặc biệt là nữ giới. Sau khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul ngày 15/8, không ít người dân Afghanistan và các quốc gia khác trên thế giới không tránh khỏi lo ngại rằng lịch sử sẽ có khả năng tái diễn.

Ngày 16/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ “số phận của những người phụ nữ, bé gái và những quyền mà khó khăn lắm họ mới giành được”.

Đại diện chính quyền mới của Taliban đã đưa ra những lời hứa hẹn về lập trường ôn hoà và hứa tôn trọng quyền phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo. Dù đã cam kết, danh sách thông báo về việc thành lập chính phủ lâm thời được công bố ngày 7/9 vẫn không có bất cứ thành viên nào là nữ giới.

Một lần nữa, phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid hứa hẹn “sẽ có những vị trí cho phụ nữ với sự tôn trọng luật Sharia. Đây là một sự khởi đầu. Phụ nữ có thể là một phần của chính quyền. Đó sẽ là bước thứ hai”.

Thực tế là vào ngày 17/9, Taiban đã gỡ biển đề tên Bộ Phụ nữ ở thủ đô Kabul. Phần lớn đội ngũ nhân viên nữ làm việc cho chính quyền thành phố sẽ phải ở nhà theo lời của Thị trưởng tạm quyền.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục cũng đưa ra chỉ thị cho các nam giáo viên và nam sinh quay trở lại trường trung học. Trẻ em gái nhận thông báo sẽ cho phép quay trở lại “sớm nhất có thể”.

Bên cạnh việc không được tham gia vào các hoạt động chính phủ, việc hoạt động thể thao của phụ nữ cũng bị coi là không thích hợp và không cần thiết.

Bất bình trước một số quy tắc và chính sách của Taliban, những người phụ nữ đã thực hiện các cuộc biểu tình tại ít nhất hai thành phố là Herat và Kabul. Cũng trong tháng 9, hình ảnh các nữ sinh nghe giảng trong chiếc áo choàng đen abaya đã thu hút sự phản đối, bất bình của một số phụ nữ Afghanistan.

Nhiều phụ nữ Afghanistan đăng tải hình ảnh của họ trong trang phục truyền thống rực rỡ và đầy sắc màu với các hashtag #DoNotTouchMyClothes (Đừng động tới trang phục của tôi) và #AfghanistanCulture (văn hóa Afghanistan).

Mặc dù không thể phủ nhận chính sách dưới sự cai trị của Taliban hiện nay đã có sự thay đổi, nhưng việc đi làm hay đi học của phụ nữ vẫn bị giới hạn, hoạt động thể thao bị buộc dừng và đặc biệt là sự trở lại của tấm khăn choàng Burqa.

Các hoạt động của Taliban dường như đang đẩy lùi nỗ lực giành quyền bình đẳng của những người phụ nữ ở Afghanistan trong suốt 20 năm vừa qua và đi ngược lại những lời hứa hẹn được đưa ra.

Taliban cho biết sẽ tạm thông qua Hiến pháp năm 1964 nhưng sẽ loại bỏ những điều khoản không đúng bộ luật Sharia và khác với giá trị mong muốn. Hiến pháp 1964 của Afghanistan cho phép phụ nữ bỏ phiếu, nhưng việc liệu Taliban có loại bỏ điều này hay không, vẫn chưa ai nắm rõ.

Cho đến nay, quyền tự do nữ giới ở Afghanistan vẫn còn khá mơ hồ khi tương lai vẫn bị giới hạn ở một nơi có nền giáo dục chưa được đảm bảo.

Tương lai nào cho phụ nữ ở Afghanistan dưới chính quyền Taliban?
Câu chuyện giảm thiểu hay xoá bỏ bất bình đẳng ở Afghanistan không chỉ của riêng Kabul mà đó là trách nhiệm của Liên hợp quốc và toàn thế giới. (Nguồn: Getty)

Bài toán khó cho Liên hợp quốc

Hiện nay, việc công nhận chính quyền mới Taliban vẫn còn tồn tại nhiều tranh cãi và chưa được cộng đồng quốc tế chấp thuận.

Gần đây, cuộc tranh cãi về “trừng phạt hay ủng hộ” chính quyền Taliban nảy sinh giữa 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Trong khi, Trung Quốc, Mỹ và Nga đã làm rõ lập trường của mình thì ngày 29/8, Pháp và Anh mới lên tiếng, nếu Taliban muốn được công nhận về mặt ngoại giao thì cần đáp ứng được các điều kiện, trong đó bao gồm việc tôn trọng các quyền của phụ nữ.

Kể từ khi LHQ đưa ra 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) ngày 25/10/2015, các quốc gia đều nỗ lực, chung tay giải quyết những thách thức phát triển lớn mà người dân trên thế giới phải đối mặt.

Trong đó, SDGs số 5 nhằm thúc đẩy Bình đẳng giới là mục tiêu quan trọng và được ưu tiên bởi sẽ không thể huy động tối đa tiềm năng của con người và phát triển bền vững nếu như thiếu đi quyền và cơ hội của khoảng một nửa dân số trên thế giới.

Theo UN Women, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là hình thức bất bình đẳng giới và sự phân biệt đối xử nghiêm trọng nhất. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các quyền lợi cơ bản và cơ hội phát triển của phụ nữ và trẻ em gái bị tước đoạt, ảnh hưởng tới việc thực hiện SDGs.

Bởi vậy, câu chuyện giảm thiểu hay xoá bỏ bất bình đẳng ở Afghanistan không chỉ của riêng Kabul mà đó là trách nhiệm của LHQ và toàn thế giới trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập sâu rộng hiện nay.

“Phụ nữ không cần tham gia nội các, họ chỉ nên sinh con”, người phát ngôn Taliban Sayed Zekrullah Hashimi nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 11/9. Điều này đi ngược lại với những gì chúng ta đang hướng tới.

Hiện nay, nhiều phụ nữ Afghanistan đang phải điều chỉnh lối sống cho phù hợp với quy tắc đặt ra bởi chính quyền Taliban.

Đứng trước thực trạng trên, ngay lúc này, người dân Afghanistan nói chung và phụ nữ, trẻ em gái Afghanistan nói riêng cần đứng lên đòi quyền lợi cho bản thân. Đồng thời, cũng cần có sự chung tay bảo vệ của cộng đồng quốc tế, để họ tiếp tục những giấc mơ còn dang dở và hưởng những quyền lợi đáng có.

Phương Anh