Bế tắc ngoại giao Mỹ-Trung: Người đầu sông, kẻ cuối sông

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:30, 11/10/2021

Nếu Washington muốn giải quyết từng vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung, Bắc Kinh lại chủ trương ‘tất cả hoặc không có gì’ và chỉ hợp tác khi mọi yêu sách được đáp ứng.
Quan hệ Mỹ - Trung là cặp quan hệ có ảnh hưởng lớn nhất tới các trục quan hệ quốc tế. Ảnh: Reuters
Quan hệ Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu cải thiện sau khi Mỹ từ bỏ việc dẫn độ Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu. - Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Còn nhiều gai góc

Hiện chiến lược ngoại giao với Mỹ của Trung Quốc dựa trên một loạt yêu cầu không khoan nhượng trong “Ba điểm mấu chốt”, “Danh sách những hành động Mỹ cần chấm dứt” và “Danh sách những cá nhân mà Trung Quốc quan ngại”. Điều này khiến nỗ lực cải thiện quan hệ của Washington trở nên khó khăn hơn.

Cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9 và động thái gần đây khi Mỹ từ bỏ dẫn độ giám đốc điều hành cấp cao của Huawei chưa xoay chuyển tình thế trong đối đầu ngoại giao Mỹ-Trung.

Đáng ngại hơn, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược đàm phán “tất cả hoặc không có gì” khi đưa ra hai danh sách về vạch ranh giới đỏ, yêu cầu Mỹ thực hiện.

Cụ thể, các điều kiện này yêu cầu Washington ngừng can thiệp vào Tân Cương (Trung Quốc) và Hong Kong (Trung Quốc), tuyên bố Bắc Kinh có quyền thực hiện bất kỳ biện pháp cần thiết nào trước động thái của Đài Loan (Trung Quốc). Đồng thời, Trung Quốc yêu cầu Mỹ hủy trừng phạt với quan chức và công ty nước này.

Những yêu cầu này làm dấy lên nghi ngờ về tiến độ cải thiện thực chất trong quan hệ Mỹ-Trung, dù là về thương mại, hợp tác chống biến đổi khí hậu hay quân sự.

Ngày 28/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định: “Có phương tiện truyền thông nhận xét vụ thả bà Mạnh Vãn Chu đã loại bỏ cái gai cắm sâu vào quan hệ Mỹ-Trung, nhưng chính sách của Mỹ với Trung Quốc gần đây đã tạo ra nhiều cái gai khác có độ dài ngắn khác nhau”.

Bà cho biết Bắc Kinh hy vọng Washington coi trọng, hành động thực chất nhằm xóa bỏ hai danh sách này.

Bà Diana Fu, Phó Giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Toronto, Canada cho biết: “Việc xóa bỏ hai danh sách và đồng ý với 'Ba điểm mấu chốt' do Bắc Kinh đề xuất là không khả thi trong cả mục tiêu chính trị hay ý thức hệ của Washington. Về bản chất, yêu cầu của Trung Quốc đi ngược lại giá trị Mỹ theo đuổi”.

“Việc xóa bỏ hai danh sách và đồng ý với “Ba điểm mấu chốt” do Bắc Kinh đề xuất là không khả thi trong cả mục tiêu chính trị cũng như ý thức hệ của Washington. Bởi lẽ, về bản chất, các yêu cầu của Trung Quốc đặt ra đi ngược lại những giá trị mà Mỹ theo đuổi”.

Ngoại giao liên kết của Trung Quốc

Trong nhiều thập niên, Bắc Kinh đã đàm phán theo chiến lược ngoại giao liên kết, móc nối các vấn đề với nhau. Giờ đây, điểm khác biệt nằm ở chỗ Trung Quốc đã công khai đòi hỏi các đối tác phải tuân thủ đầy đủ khiếu nại của mình.

Theo ông Matt Turpin, cựu giám đốc phụ trách Trung Quốc tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, đây là tiến trình đã được nhìn thấy từ trước và thời gian tới, Trung Quốc có thể công khai hành động quyết liệt hơn.

Trong cuộc họp kéo dài 6 tiếng tại Zurich, Thụy Sỹ ngày 7/10 với ông Dương Khiết Trì, quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã thách thức cách tiếp cận này.

Ông khẳng định Washington sẽ không chấp nhận cách Bắc Kinh liên kết các vấn đề song phương với thách thức toàn cầu quan trọng như hợp tác về biến đổi khí hậu.

Dù cuộc họp diễn ra một cách nghiêm túc, với sự tôn trọng lẫn nhau nhằm chuẩn bị cho Thượng đỉnh Mỹ-Trung cuối năm nay, song nó không cho thấy chỉ dấu tích cực về quan hệ song phương.

Ông David Shambaugh, giám đốc Chương trình chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington, Mỹ nhận định: “Phong cách ngoại giao này phản ánh cách giải thích tư tưởng Tập Cận Bình, kêu gọi áp dụng ‘một phong cách ngoại giao đặc biệt’ bảo vệ ‘lằn ranh đỏ’ trong các lợi ích cốt lõi mà Trung Quốc tự tuyên bố”.

Từ năm 1972-1982, Washington và Bắc Kinh từng ban hành Ba thông cáo chung đề cập đến cam kết của Mỹ trong giải quyết vấn đề Đài Loan. Đây cũng là tinh thần chung của Mỹ trong xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Tháng 3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tóm gọn phương cách tiếp cận ngoại giao với Trung Quốc với công thức “cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể và đối đầu nếu cần thiết”.

7 tháng sau cuộc gặp căng thẳng, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ gặp lại Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì. (Nguồn: THX)
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gặp lại Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 7/10 tại Zurich, Thụy Sỹ. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Nước và lửa

Bà Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc ở Trung tâm Stimson, tổ chức tư vấn tại Washington D.C., Mỹ cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy là bế tắc và xung đột giữa hai cách tiếp cận này.”

Giả sử, Washington nói “sẽ tuân theo nguyên tắc của mình và không nhượng bộ về Đài Loan, Tân Cương, Hong Kong và Tây Tạng”. Khi đó, câu trả lời của Bắc Kinh là: “Nếu Mỹ không thay đổi thái độ thù địch, sẽ không có hợp tác giữa hai quốc gia”.

Điều này khiến đàm phán song phương dưới thời ông Joe Biden càng trì trệ. Theo đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry, chặng đường phía trước sẽ còn chông gai, nhất là sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố hợp tác khí hậu “không thể tách rời khỏi tình hình chung của quan hệ Mỹ-Trung”.

Sau những động thái ngoại giao thời gian qua, giới lập pháp ở Washington cho rằng hai bên cần có cách tiếp cận tích cực hơn. Tuy nhiên, phương án này khó xảy ra khi hiện song phương vẫn chưa tìm được chung.

Hạ nghị sĩ Michael McCaul, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nhận định: “Bắc Kinh rất rõ ràng về các vấn đề hợp tác chung. Mỹ không thể lựa chọn và phải đồng ý với tất cả điều khoản của Trung Quốc... Nếu Washington tiếp tục để Bắc Kinh đặt điều và cầm trịch quan hệ, Mỹ sẽ không thể có kết thúc tốt đẹp với Trung Quốc”.

Trả lời China Watcher, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi sẽ tiến hành ngoại giao thực tế, hạn chế nguy cơ ngộ nhận và tính toán sai lầm để hướng tới kết quả tốt đẹp nhất”.

“Bắc Kinh rất rõ ràng về các vấn đề hợp tác chung. Mỹ không thể lựa chọn và phải đồng ý với tất cả điều khoản của Trung Quốc... Nếu Washington tiếp tục để Bắc Kinh đặt điều và cầm trịch quan hệ, Mỹ sẽ không thể có kết thúc tốt đẹp với Trung Quốc”. (Hạ nghị sĩ Mỹ Michael McCaul)

Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang thực hiện một nỗ lực ngoại giao “cờ vây” bằng cách thu hút các ngân hàng và tổ chức tài chính ở Phố Wall có xu hướng thân thiện với Trung Quốc làm những đại diện ngoại giao tiềm năng.

Tháng trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính đã gặp cựu Chủ tịch Goldman Sachs và Chủ tịch điều hành của Barrick Gold Corp. Theo bà Yun Sun, Trung Quốc tin rằng thông qua Phố Wall và các tổ chức thương mại Mỹ, Bắc Kinh có thể buộc Washington dưới thời Tổng thống Joe Biden phải nhượng bộ thêm.

Mỹ Lệ