Covid-19 ở Đông Nam Á: Diễn biến phức tạp tại thủ đô của Lào, Malaysia hoàn thành tiêm chủng 66% dân số

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:59, 10/10/2021

Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại thủ đô Vientiane của Lào khi có số ca cộng đồng tăng vọt trong một ngày. Trong khi đó, Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng cho 66% dân số.
Một khu vực bị phong tỏa ở thủ đô Vientiane của Lào sau khi phát hiện các trường hợp Covid-19. (Nguồn: THX)
Một khu vực bị phong tỏa ở thủ đô Vientiane của Lào sau khi phát hiện các trường hợp Covid-19. (Nguồn: THX)

Ngày 10/10, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 508 ca mắc mới Covid-19, trong đó có tới 507 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Lào đã lên tới 28.540 trường hợp; trong đó có 26 người tử vong.

Theo Bộ Y tế Lào, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại thủ đô Vientiane khi địa phương này ghi nhận số ca cộng đồng tăng vọt trong một ngày, với 400 trường hợp.

Bộ Y tế Lào đang lo ngại các bệnh viện tại nước này sẽ quá tải khi số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao, thậm chí nghiêm trọng hơn là số ca tử vong sẽ tăng do không được điều trị kịp thời.

Đáng chú ý, những ca nhiễm và tử vong gần đây do Covid-19 tại Lào hầu hết chưa được tiêm phòng và đều là người cao tuổi, có bệnh nền.

Chính vì vậy, Ủy ban chuyên trách về phòng ngừa Covid-19 của Lào kêu gọi người dân thuộc nhóm có nguy cơ cao đến các cơ sở y tế để được tiêm vaccine. Bộ này khẳng định tiêm chủng là biện pháp quan trọng để phòng ngừa lây nhiễm và giảm các triệu chứng nặng của bệnh.

Đồng thời, chính quyền thủ đô Vientiane yêu cầu ngành y tế nhanh chóng đưa người mắc bệnh đi điều trị và người tiếp xúc gần đi xét nghiệm, cách ly kịp thời; tiến hành vệ sinh khử khuẩn địa điểm làm việc và nơi ở của người nhiễm bệnh; tiêm vaccine Covid-19 lưu động cho cá nhân chưa được tiêm chủng.

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia cập nhật dữ liệu cho thấy có 89,7% dân số trưởng thành của quốc gia này đã hoàn thành tiêm chủng, tương đương với khoảng 66% dân số.

Tại cuộc họp báo chiều 10/10, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tuyên bố dỡ bỏ Lệnh cấm dịch chuyển liên bang từ ngày 11/10. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người dân Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng có thể tự do đi lại trong và ngoài nước. Những công dân Malaysia trở về từ nước ngoài vẫn phải cách ly bắt buộc 14 ngày, trường hợp đã hoàn thành tiêm chủng sẽ được cách ly tại nhà.

Tuy nhiên, việc dỡ bỏ sắc lệnh này không được áp dụng đối với những khu vực đang phải áp đặt Lệnh kiểm soát dịch chuyển tăng cường (EMCO).

Phát biểu trước báo giới, ông Ismail cho biết đây là một quyết định khó khăn trước áp lực của người dân và giới chuyên gia y tế. Tuy nhiên, chính phủ tin tưởng người dân Malaysia sẽ tuân thủ quy định giãn cách xã hội.

Ông Ismail cho biết dù các chốt cảnh sát trên đường cao tốc đã được dỡ bỏ nhưng cảnh sát có thể kiểm tra chứng nhận điện tử hoàn thành tiêm chủng của người dân tham gia giao thông trên đường cao tốc bất cứ lúc nào.

Hiện 70,4% thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại Malaysia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. Giới chức Malaysia kỳ vọng với độ phủ vaccine tương đối rộng, quốc gia này có thể tự tin từng bước nới lỏng những hạn chế trước đây và chuyển sang giai đoạn coi Covid-19 như căn bệnh đặc hữu.

Trước đó, phát biểu tại lễ khai mạc Trung tâm y tế Mawar, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết việc dỡ bỏ Lệnh cấm dịch chuyển liên bang là quyết định đúng đắn và đúng thời điểm vì bất kỳ sự trì hoãn nào có thể dẫn đến việc nảy sinh những vấn đề liên quan, đặc biệt là vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Lệnh cấm dịch chuyển liên bang đã được dỡ bỏ một thời gian ngắn vào năm ngoái, nhưng được áp đặt trở lại vào tháng 1/2021 sau khi số ca nhiễm hằng ngày tăng đột biến. Lệnh cấm được thực hiện chặt chẽ từ sau tháng 5, nhất là sau khi Malaysia đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới do nhiều người bất chấp lệnh cấm về quê vào dịp tết của người Hồi giáo.

Huyền Trâm