Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu: Chuyên gia nói Tổng thống Nga có cử chỉ hợp tác đích thực

Đối ngoại - Ngày đăng : 17:24, 09/10/2021

Vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Gazprom - tập đoàn năng lượng khổng lồ của nước này có thể tăng cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Tuyên bố của Tổng thống Nga về cung cấp khí đốt cho châu Âu là một cử chỉ hợp tác
Tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc đoàn năng lượng Gazprom có thể tăng cung cấp khí đốt cho châu Âu được đánh giá tích cực. (Nguồn: Reuters)

Nhận định về phát biểu trên của Tổng thống Putin, ngày 8/10, ông Paul Adam Isbell, Giáo sư kinh tế chính trị về biến đổi khí hậu tại Đại học IE của Tây Ban Nha, cho rằng, tuyên bố đó là một cử chỉ nhằm thúc đẩy hợp tác năng lượng quốc tế vì lợi ích của tất cả mọi người.

Giáo sư Isbell nêu rõ: "Tuyên bố của ông Putin nên được coi là một cử chỉ đích thực của hợp tác năng lượng quốc tế và cần được tất cả mọi người hoan nghênh, bất kể người ta có cảm thấy đó là hành động tư lợi hay không.

Những cử chỉ hợp tác như thế này gần như luôn mang lại lợi ích cho bản thân nhưng cũng phục vụ cho lợi ích của nhiều người khác".

Vị chuyên gia này còn nhắc tới Nga và Saudi Arabia, hai nước đang tăng sản lượng khai thác dầu để kiềm chế giá dầu toàn cầu và giảm bớt áp lực kinh tế lên các đối tác phương Tây.

Ông Isbell lưu ý: "Giống như Saudi Arabia, Nga thường bị cáo buộc là lợi dụng năng lượng như vũ khí.

Tuy nhiên, một đánh giá rõ ràng cho thấy rằng, trong cả hai trường hợp, nhiên liệu hóa thạch được coi là đề xuất kinh doanh lâu dài hơn là vũ khí địa chính trị tiềm năng - có xu hướng không hoạt động hoặc thậm chí gây phản tác dụng".

Chuyên gia kết luận, châu Âu cần coi Nga là một đối tác cần thiết trong bối cảnh xu hướng khử cacbon và các vấn đề cấp bách về biến đổi khí hậu.

Theo đó, châu Âu nên đạt được một thỏa thuận với tất cả các nhà sản xuất nhiên liệu carbon, bao gồm cả Nga, để giảm thiểu rủi ro môi trường.

Huyền Trang