Covid-19 thế giới 7/10: WHO viện trợ y tế cho Triều Tiên; nghiên cứu hiệu quả thuốc Molnupiravir; Thụy Điển dừng tiêm vaccine Moderna cho thanh niên

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:12, 07/10/2021

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 237 triệu người mắc Covid-19, trong đó có gần 4,84 triệu ca tử vong và gần 214,2 triệu bệnh nhân bình phục.
Covid-19 thế giới 7/10: WHO viện trợ trang thiết bị y tế cho Triều Tiên; nghiên cứu về hiệu quả thuốc Molnupiravir
Theo Merck & Co, thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir có thể hỗ trợ giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện và tử vong đối với những trường hợp mắc bệnh có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. (Nguồn: Kyodo)

Tình hình dịch bệnh Covid-19

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Mỹ là quốc gia chịu sự tác động nặng nề nhất với 44,91 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 727.000 ca tử vong.

Xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm là Ấn Độ với 33,89 triệu ca, trong đó có gần 450.000 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với gần 21,51 triệu người nhiễm và hơn 599.000 người tử vong.

* Tại châu Mỹ

Ngày 6/10, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết số ca nhiễm Covid-19 tại khu vực châu Mỹ có xu hướng giảm trong tháng vừa qua, mặc dù chỉ có 37% dân số Mỹ Latinh và Caribbean tiêm chủng đầy đủ.

Tuần qua, khu vực châu Mỹ ghi nhận 1,2 triệu ca mắc mới, giảm so với mức 1,5 triệu ca của tuần trước đó.

Bang Alaska là nơi đang bùng phát đợt lây lan mới nghiêm trọng nhất tại Mỹ, trong khi Mexico cũng thông báo có sự gia tăng số ca nhiễm mới. Ở chiều ngược lại, hầu hết các nước Nam Mỹ đều đã hạn chế được số ca nhiễm mới.

PAHO cũng thông báo về việc đạt được thỏa thuận với các tập đoàn Sinovac và AstraZeneca để tiếp nhận và phân bổ 8,5 triệu liều vaccine trong năm nay cho các nước trong khu vực.

Một số nước như Jamaica, Nicaragua và Haiti vẫn chưa thể đạt được mục tiêu tiêm vaccine cho 10% dân số. Mục tiêu của PAHO là tập trung thu hẹp khoảng cách trong việc tiêm vaccine giữa các nước trong thời gian sớm nhất .

Hiện cơ chế COVAX vẫn chưa thể đạt mục tiêu cung cấp vaccine đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho 20% dân số ở Mỹ Latinh và Caribe vào cuối năm nay.

Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau đã công bố chính sách tiêm chủng bắt buộc, yêu cầu các công chức phải tiêm phòng trước cuối tháng này, hoặc buộc phải nghỉ làm không lương.

Chính phủ Canada yêu cầu toàn bộ nhân viên trong "bộ máy hành chính công cốt lõi" và lực lượng cảnh sát phải được tiêm chủng đầy đủ hoặc phải nộp đơn xin miễn trừ vào cuối tháng.

Ước tính có khoảng 267.000 nhân viên nằm trong khung điều chỉnh của chính sách này, sẽ phải báo cáo về tình trạng tiêm chủng của họ trước ngày 29/10.

Theo quy định mới, từ ngày 30/10, hành khách tới Canada phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng, trước khi lên máy bay, tàu hỏa hoặc tàu thủy.

* Tại châu Âu

Anh đã dỡ bỏ khuyến cáo hạn chế đi lại không cần thiết tới 32 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm đơn giản hóa quy định đi lại. Thay đổi này sẽ cho phép người dân dễ dàng đi lại đến các nước như Algeria, Malaysia và Senegal.

Gần đây, Anh cũng giảm bớt các yêu cầu xét nghiệm đối với du khách tiêm phòng đầy đủ.

Chính phủ Anh hiện vẫn khuyến cáo hạn chế đi lại không cần thiết tới các quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong danh sách đỏ, trong đó có Brazil, Mexico, Nam Phi và Thái Lan.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 50% các ca Covid-19 hiện tại ở nước này dưới độ tuổi 30. Đây là nguyên nhân khiến nước này đang tập trung chương trình tiêm chủng dành cho nhóm người trên 18 tuổi.

* Tại châu Á

Ngày 7/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo bắt đầu chuyển các chuyến các trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 cho Triều Tiên qua cảng Đại Liên của Trung Quốc.

Theo báo cáo cập nhật tình hình từ ngày 20-26/9, hàng viện trợ đã bắt đầu được chuyển vào cuối tháng trước. Tuy nhiên, báo cáo không nêu thời gian cụ thể hay các loại thiết bị y tế nào đã được chuyển cho Triều Tiên.

Triều Tiên siết chặt kiểm soát biên giới kể từ khi bùng phát dịch ở Trung Quốc, kể từ đó các nguồn cung cấp nguyên vật liệu và y tế thiết yếu không thể chuyển tới Triều Tiên.

Triều Tiên đã đóng cửa hầu hết các tuyến vận tải biển trọng yếu nối Đại Liên với cảng Nampo ở miền Tây nước này hồi tháng 7, trong bối cảnh Bình Nhưỡng nâng mức độ khẩn cấp phòng chống dịch lên mức cao nhất.

Ngày 6/10, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài ngắn nhất là 5 năm, trung bình là 10 năm, thậm chí cả hàng trăm năm.

Tuy nhiên, ông Budi dự báo rằng vẫn có khả năng đại dịch sẽ trở thành một loại bệnh đặc hữu nếu chính phủ và người dân hợp tác thực hiện một số chiến lược như tăng cường xét nghiệm, truy vết và điều trị (3T).

Tính đến ngày 6/10, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 4.221.610 ca mắc Covid-19, trong đó 142.338 ca tử vong và 29.823 bệnh nhân hiện đang điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly tại nhà.

Vaccine và thuốc điều trị Covid-19

Ngày 6/10, Quỹ Oswaldo Cruz (Fiocruz) - trung tâm nghiên cứu y khoa lớn nhất Mỹ Latinh, thông báo Brazil sẽ tham gia nghiên cứu về hiệu quả của Molnupiravir, loại thuốc điều trị Covid-19 do hãng Merck & Co của Mỹ sản xuất.

Tuần trước, Merck & Co tuyên bố sẽ thúc đẩy Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir sớm nhất có thể, đồng thời thông báo hoàn thành sớm giai đoạn thử nghiệm do những kết quả tích cực mà loại thuốc này đem lại.

Theo Merck & Co, Molnupiravir có thể hỗ trợ giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện và tử vong đối với những trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình.

Hiện Merck & Co đang lên kế hoạch đăng ký tiếp thị Molnupiravir với các cơ quan quản lý thuốc trên toàn thế giới.

Để giúp khẳng định hiệu quả của thuốc, các nghiên cứu lâm sàng kéo dài 6 tháng sẽ được tiến hành ở nhiều quốc gia khác nhau.

Tại Brazil, nghiên cứu về Molnupiravir sẽ được triển khai đồng thời tại 7 trung tâm y học, trong đó 2 cơ sở ở các bang Mato Grosso do Sul và Rio de Janeiro được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Fiocruz.

Theo kết quả báo cáo của Viện Y tế quốc gia (ISS) và Bộ Y tế Italy, đa số những người được tiêm các loại vaccine mRNA, hiệu quả chống lại sự lây nhiễm sau 7 tháng được tiêm mũi thứ hai là 89%, trong khi hiệu quả bảo vệ khỏi tình trạng nhập viện và tử vong sau 6 tháng lần lượt là 96% và 99%.

Báo cáo trên đã kiểm tra dữ liệu tính đến ngày 29/8 của hơn 29 triệu người dân Italy đã tiêm đủ liều vaccine mRNA, như các loại vaccine do Pfizer và Moderna sản xuất.

ISS cho biết hiệu quả của vaccine ở những người trên 80 tuổi và những người ở viện dưỡng lão cũng giảm, nhưng vẫn ở mức trên 80%.

Ngày 4/10, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã khuyến nghị nên tiêm liều tăng cường vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna cho những người có hệ thống miễn dịch yếu, nhưng để các quốc gia thành viên tự quyết định việc mở rộng đối tượng được tiêm mũi tăng cường.

Ngày 6/10, Thụy Điển thông báo sẽ tạm dừng sử dụng vaccine Spikevax của hãng dược Moderna (Mỹ) cho những người sinh sau năm 1990, sau khi có báo cáo về các tác dụng phụ hiếm gặp như viêm cơ tim.

Trong khi đó, nhà chức trách Đan Mạch thông báo tất cả những người dưới 18 tuổi sẽ không được tiêm vaccine của Moderna. Những người đã tiêm mũi 1 vaccine của Moderna sẽ không tiêm mũi thứ 2 bằng vaccine này.

Người phát ngôn của Moderna cho biết công ty này đã biết thông tin và nêu rõ những người bị tác dụng phụ thường nhẹ và có xu hướng phục hồi trong một thời gian ngắn sau khi được điều trị và nghỉ ngơi.

Một nhóm nhà khoa học Mỹ vừa tiến hành nghiên cứu về hiệu quả phòng chống Covid-19 của mũi tiêm thứ 3 đối với bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng hóa chất.

Kết quả nghiên cứu cho 80% trường hợp tiêm mũi thứ 3 của hãng Pfizer/BioNTech có sự cải thiện rõ ràng về kháng thể Covid-19, qua đó xác định hiệu quả của mũi tiêm tăng cường này trong việc bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương này trước nguy cơ mắc bệnh hoặc gặp biến chứng nặng của bệnh.

Huyền Trâm