Chiếc giường sinh tử trong bệnh viện điều trị Covid-19

Tin Y tế - Ngày đăng : 06:00, 07/10/2021

Bác sĩ phải lựa chọn bệnh nhân nào có cơ hội sống cao hơn để bố trí vào chiếc giường cuối cùng trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Đó là vào nửa đêm, một lượng lớn bệnh nhân Covid-19 được đưa vào Trung tâm Y tế Providence Alaska (Mỹ). Các bác sĩ đứng trước một lựa chọn: Nhiều bệnh nhân đang chờ tới lượt để được nhận chiếc giường duy nhất còn trống. Có một trường hợp cần được phẫu thuật khẩn cấp.

Ai là người sẽ được đưa vào chiếc giường cuối cùng?

Tiến sĩ Steven Floerchinger cùng các đồng nghiệp thảo luận để đưa ra quyết định. Họ cho rằng một bệnh nhân sẽ có khả năng sống sót cao hơn. Những người kia sẽ phải đợi.

Một bệnh nhân phải chờ đã mất.

Bác sĩ Floerchinger, người có 30 năm trong nghề, tâm sự: “Chuyện này thật đau đớn. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải chứng kiến. Chúng tôi phải đưa ra quyết định ai sẽ sống và ai sẽ không sống".

Chiếc giường sinh tử trong bệnh viện điều trị Covid-19

Tiến sĩ Steven Floerchinger

Kể từ đêm đó, các bác sĩ phải đưa ra nhiều lựa chọn nghiệt ngã hơn khi Alaska đang đối mặt với một đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ. Nguồn cung cấp kit xét nghiệm cạn kiệt, bệnh nhân được điều trị trong hành lang và các bác sĩ phân chia oxy. Khi các phòng cấp cứu quá tải, thống đốc bang yêu cầu sự trợ giúp của hàng trăm nhân viên y tế của các bang khác.

Trong phần lớn thời gian xảy ra đại dịch, sự cô lập về mặt địa lý tự nhiên đã bảo vệ cho tiểu bang Alaska. Những tháng đầu tiên, chính quyền áp dụng các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt đối với người đến từ vùng khác. Nhiều ngôi làng bị đóng cửa. Một đội máy bay, phà và xe trượt tuyết đã mang vắc xin đến các cộng đồng xa xôi. Bang đã duy trì con số tử vong thấp nhất nước Mỹ.

Nhưng hiện tại, mới chỉ 50% dân số đủ điều kiện tiêm phòng đầy đủ. Khi biến thể Delta tràn qua, dịch Covid-19 tiếp diễn ở Alaska dù số lượng ca bệnh giảm 1/3 so với hồi đầu tháng 9.

Phần lớn hệ thống bệnh viện của Mỹ chịu sức ép lớn nhưng các cơ sở quá tải có thể linh hoạt hơn trong việc chuyển bệnh nhân đến các thành phố lân cận hoặc tiểu bang khác. Ở Alaska, sự trợ giúp gần nhất cách đó 2.400 km.

“Khi bệnh viện hết chỗ, bạn không thể đưa họ vào xe cứu thương đến một thị trấn khác”, Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski nói.

Bệnh nhân tử vong trên không phải là người duy nhất trải qua lựa chọn sinh tử.

Hai bệnh nhân cần lọc máu liên tục nhưng chỉ có một chiếc máy. Các bác sĩ lắp thiết bị cho một bệnh nhân, sau đó chuyển máy sang cho người kia. Bệnh nhân đầu tiên đã qua đời.

Một người mắc Covid-19 trên nền bệnh ung thư cần đến máy thở. Nhưng khi rất nhiều bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực, người mắc ung thư đó đã không được cứu.

"Các tiêu chuẩn chăm sóc khủng hoảng" nhằm ưu tiên những bệnh nhân có nhiều khả năng sống sót nhất. Nhiều tiểu bang ở Mỹ đã thảo luận và thông qua hướng dẫn chăm sóc khủng hoảng trong thời kỳ đại dịch, nhưng ít tiểu bang chính thức thực hiện. Nhưng Alaska đã phải làm như vậy.

An Yên