Người lao động đi bộ về quê: Nhiều hoàn cảnh, lắm nỗi niềm

Xã hội - Ngày đăng : 20:58, 06/10/2021

Trụ hết nỗi, nhiều khó khăn, mong muốn về lại gia đình... là nguyên nhân chính cho dòng người lao động đi bộ về quê tăng liên tục những ngày qua.

Cùng đường mới tính phương án đi bộ về quê
"Không còn tiền ăn, chi tiêu để chờ một tháng nữa mới có việc làm dự kiến, nên hai cậu cháu buộc phải quyết định đi bộ về quê, cũng may lúc nãy cũng được cho quá giang đi một đoạn.”

Đây là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Toàn (41 tuổi, quê Bạc Liêu) khi vừa đi bộ qua TP.HCM vào địa phận Long An với mong muốn sẽ được về nhà càng sớm càng tốt.

Với nhiều người, trong hành trình đi bộ về quê, niềm vui mỗi lần được thông chốt chứa chan nhiều nước mắt trong hành trình mưu sinh xa xứ đầy gian nan những tháng ngày qua.

nguoi-lao-dong-di-bo-ve-que-nhieu-hoan-canh-lam-noi-niem-vov.jpg
Nhiều người chọn phương án đi bộ về quê vì thất nghiệp kéo dài trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: VOV.

Trường hợp ông Thạch Văn Triệu, 72 tuổi, vừa đi bộ vừa quá giang từ TP.HCM về tới tỉnh Vĩnh Long đã vỡ òa cảm xúc khi được lực lượng chức năng tiếp cháo và lương thực để chờ gửi xe về quê tận Cà Mau.

Theo thống kê của tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 1/10 đến nay, mỗi ngày có hàng nghìn người lần lượt nối tiếp nhau đi qua địa bàn tỉnh để về quê hương các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong số này, ngoài phương tiện xe máy tự túc, vẫn còn đó nhiều người quyết tâm đi bộ về quê, chung một niềm vui được trở về nơi chôn nhau cắt rốn.

Trong khi đó, tại Tây Nguyên và Miền Trung, nhiều người lao động tại Bình Dương, Đồng Nai... cũng đã chọn phương án đi bộ về quê khi không còn phương án để trụ lại.

nguoi-lao-dong-di-bo-ve-que-nhieu-hoan-canh-lam-noi-niem-vnexpress.jpg
Người dân đi bộ về quê được hỗ trợ vận chuyển liên tỉnh. Ảnh: VNE.

Tính đến thời điểm 6/10, các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai cho biết đã bố trí phương tiện hỗ trợ hàng nghìn lao động đi bộ về quê sau nhiều tháng mất việc vì dịch COVID-19 kéo dài, trong số này có cả trẻ em, phụ nữ mang thai.

Khi được phát ổ bánh mì kèm chai nước, gia đình 10 người của chị Y Bâu (28 tuổi, quê Kon Tum) cho biết đã đi bộ bộ hơn 3 giờ từ Tân Uyên, Bình Dương đến địa phận Bình Phước thì được chính quyền bố trí xe chở đến Đắk Nông. Sau gần một ngày di chuyển, gia đình chị đã đến Đắk Lắk và hy vọng sẽ đến quê trong hai ngày nữa.

Theo chị Y Bâu, thất nghiệp kéo dài ba tháng không có việc làm là nguyên nhân chính khiến gia đình người phụ nữ này quyết định đi bộ về quê vì không có tiền lo cho sinh hoạt.

Tại Miền Trung, Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết đơn vị đang phối hợp với các ngành chức năng thực hiện trung chuyển người đi bộ về quê từ các tỉnh phía Nam ngang qua địa phận.

Trước đó, trong 2 ngày 4 và 5/10, CSGT Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức 38 chuyến xe ô tô đưa 1.130 người từ chốt kiểm soát giáp ranh với tỉnh Quảng Nam ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc và bàn giao về chốt kiểm soát giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên - Huế.

nguoi-lao-dong-di-bo-ve-que-nhieu-hoan-canh-lam-noi-niem-nld.jpg
Dòng người đi bộ về quê khiến nhiều người khó kìm được cảm xúc khi nhìn thấy. Ảnh: Người Lao Động.

"Nhìn dòng người đi về rất xót xa, thương cho từng hoàn cảnh nên giúp được gì thì chúng tôi phải giúp hết sức. Đà Nẵng thật sự chia sẻ và lo lắng cho các tỉnh bạn", ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã bố trí 15 ôtô khách để chở 350 người đi bộ từ các tỉnh, thành phía Nam về quê. Đoàn người này chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao ở các tỉnh phía Bắc, họ đã đi bộ từ các tỉnh phía Nam lên Tây Nguyên, sau đó được chính quyền địa phương hỗ trợ ôtô trung chuyển.

Làm tròn nghĩa vụ với người dân trong đại dịch


"TP.HCM trân trọng mời người dân ở lại. TP sẽ tiếp tục có hỗ trợ, TP thấy trách nhiệm của mình khi để người dân tự phát về quê" - ông Phạm Đức Hải - Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 nói trên Tuổi Trẻ.

Trong khi đó, trước tình trạng người dân ồ ạt về quê trong những ngày này khi hơn 1.500 trường hợp, Thành ủy Thành phố Cần Thơ ngày 6/10 đã có chỉ thị yêu cầu xây dựng kế hoạch tiếp đón chu đáo, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn của địa phương.

nguoi-lao-dong-di-bo-ve-que-nhieu-hoan-canh-lam-noi-niem-zing.jpg
Người dân trong đại dịch COVID-19 rất cần những hỗ trợ thiết thực kịp thời từ chính quyền. Ảnh: Zing.

Tại An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh cho biết đến nay, An Giang đã tiếp nhận 35.127 người ngoài tỉnh trở về quê. Tỉnh cũng đã lên kế hoạch tiếp đón ân cần chu đáo, nghĩa tình.

Dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang tiếp tục kêu gọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tương thân tương ái cùng chung tay hỗ trợ và chăm lo tốt cho bà con xa quê trở về địa phương ổn định tâm lý, giúp họ sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Riêng tại khu vực Miền Trung, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các tỉnh miền Trung chú ý đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam trở về quê khi có mưa lũ lớn và bão đổ bộ.

Theo dự kiến của nhiều địa phương, trong các ngày tới, lượng người về quê sẽ tiếp tục tăng, gây áp lực lên hệ thống y tế. Do đó, các tỉnh/thành cũng đã lên kế hoạch tiếp nhận phù hợp, bên cạnh chăm lo ổn định tình hình, phù hợp điều kiện phòng chống dịch tại địa phương để từng bước giúp người dân thích nghi cuộc sống bình thường mới.

VÕ THANH BÌNH