Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Giữ xanh ngôi nhà biển

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:18, 05/10/2021

Ngôi nhà biển phải xanh thì Cảnh sát biển mới thuận lợi hơn trong hoàn thành nhiệm vụ. Và muốn cho ngôi nhà biển xanh thì không ai khác, mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển phải chung tay để giữ xanh ngôi nhà biển của mình.

Dài rộng khái niệm xanh

Anh em Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 2 chúng tôi vẫn quan niệm rằng, màu xanh ở đây còn bao hàm cả nội dung chủ quyền, an ninh biển. Vì vậy, chúng tôi luôn xác định: Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển là nhiệm vụ vinh dự của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nói chung và Vùng Cảnh sát biển 2 nói riêng, đồng thời góp phần giữ xanh ngôi nhà biển.

Cảnh sát biển tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường biển cho ngư dân

BTL Vùng Cảnh sát biển 2 được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, thực hiện công tác quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên từ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đến Cù Lao Xanh (Bình Định), bao gồm cả Quần đảo Hoàng Sa và phía Bắc Quần đảo Trường Sa.

Hàng năm, đơn vị đã tổ chức hàng trăm lượt tàu, xuồng thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên biển. Tiến hành kiểm tra an ninh hàng nghìn lượt tàu, xử lý các phương tiện vi phạm, tịch thu hàng buôn lậu, hàng quốc cấm, đảm bảo an toàn an ninh trên biển.

Xác định tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là “mệnh lệnh trái tim”, là hình ảnh và phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển”, thời gian qua, BTL Vùng Cảnh sát biển 2 đã thực hiện hàng trăm lượt tìm kiếm, cứu được nhiều người dân và phương tiện, trong đó có nhiều vụ việc diễn ra trên các vùng biển xa, trong điều kiện thời tiết khó khăn, phức tạp.

Ngoài ra, còn tổ chức ứng cứu, khắc phục sau thiên tai, lũ lụt, cấp hàng nghìn lít dầu, thuốc men, lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho ngư dân bị nạn, ngư dân làm ăn trên biển; Thực hiện tốt Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” (tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam); Trao tặng cờ Tổ quốc, áo phao cá nhân, phao tròn cứu sinh; Hướng dẫn ngư dân kỹ thuật cấp cứu người đuối nước; cấp phát sổ tay hướng dẫn nhận biết và xử trí một số tình huống cấp cứu trên biển; Tuyên truyền về biển đảo, Luật Cảnh sát biển Việt Nam; chống đánh bắt hải sản không khai báo và không theo quy định (IUU) cho hàng ngàn lượt cán bộ, nhân dân, ngư dân trên địa bàn đóng quân.

Những đóng góp tích cực của lực lượng Vùng Cảnh sát biển 2 đã góp phần khẳng định an ninh, chủ quyền biển đảo Việt Nam, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần tô thêm màu xanh bình yên cho biển đảo Tổ quốc.

Thanh niên BTL Vùng Cảnh sát biển 2 tham gia “Chiến dịch Hãy làm sạch biển” tại xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam

Không chỉ xanh màu bình yên mà còn phải xanh vì sạch

Địa bàn đóng quân và hoạt động của Vùng Cảnh sát biển 2 chủ yếu diễn ra trên biển, đảo và các vùng ven biển; chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và môi trường biển, tác động trực tiếp đến nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu; Trinh sát, tuần tra, kiểm soát thực hiện chức năng, nhiệm vụ; Làm gia tăng các hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn; Tác động đến công tác bảo đảm kỹ thuật; Ảnh hưởng đến công tác bảo đảm hậu cần, sức khỏe và đời sống bộ đội...

Vậy nên, ngôi nhà biển phải xanh thì Cảnh sát biển mới thuận lợi hơn trong hoàn thành nhiệm vụ. Và muốn cho ngôi nhà biển xanh thì không ai khác, mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển phải chung tay giữ xanh ngôi nhà biển.

Những năm qua, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đây là giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm, tính chủ động, tích cực cho cơ quan, đơn vị nói chung và quân nhân nói riêng để chủ động phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dự báo tác động, ảnh hưởng của môi trường biển đến thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Yêu cầu đề ra là phải nghiên cứu, đánh giá chính xác các yếu tố khí tượng như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, thay đổi mực nước biển và những hiện tượng bất thường khác của khí hậu, địa chất, thủy văn. Từ đó dự báo thời gian, số lượng và cường độ, cũng như tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lụt, ngập úng, triều cường, hạn hán và các sự cố khác,... làm tiền đề cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch, văn kiện tác chiến và công tác sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

BTL Vùng Cảnh sát biển 2 thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển

Xây dựng chương trình huấn luyện khoa học, sát với thực tiễn nhiệm vụ đơn vị, tổ chức thực hành huấn luyện theo từng mức độ, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó; cường độ tăng dần từ thấp đến cao; từ điều kiện tự nhiên thuận lợi đến điều kiện tự nhiên phức tạp; từ cá nhân đến tập thể, từ đơn lẻ đến hiệp đồng tác chiến… làm tăng khả năng thích nghi của bộ đội với môi trường và cường độ hoạt động.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra bất thường, một trong những yêu cầu đặt ra là nâng cao ứng dụng khoa học ứng phó với biến đổi khí hậu trong công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần. Đơn vị đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm kỹ thuật; nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tất cả hoạt động của ngành; dự báo chiều hướng biến động trước mắt cũng như lâu dài. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và các chương trình ngoại khóa để phổ cập kiến thức, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, xử lý hiệu quả những tác động nguy hại do biến đổi khí hậu gây ra, làm giảm thiểu thiệt hại về người và cơ sở vật chất, nhất là cơ sở vật chất, vũ khí trang bị kỹ thuật, đảm bảo cho môi trường biển không bị tác động trước các sự cố hoạt động của tàu thuyền.

Công tác quy hoạch, xây dựng doanh trại và các công trình đều phải phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời hạn chế tối đa tác động tới môi trường biển. Bố trí hợp lý các khu vực sinh hoạt, khu vực hoạt động hậu cần và ứng dụng đồng bộ các giải pháp bảo đảm nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống bộ đội. Bảo đảm đầy đủ phương tiện bảo quản lương thực, thực phẩm cho các tàu đi làm nhiệm vụ dài ngày trên biển, không để hư hỏng, thất thoát, giảm chất lượng làm ảnh hưởng đến sức khỏe bộ đội.

Thời gian tới, đơn vị sẽ áp dụng một số mô hình bảo vệ môi trường biển bằng các hoạt động thiết thực như phân loại rác trên tàu; không vứt rác sinh hoạt trực tiếp xuống biển; hạn chế tối đa việc xả thải trực tiếp ra môi trường biển bằng các ứng dụng khoa học tiên tiến nhằm xử lý chất thải trước khi xả ra biển... để ngôi nhà biển không chỉ xanh màu bình yên mà còn phải xanh vì sạch.

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ

Email: thukytoasoan.monre@gmail.com

Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)

Phạm Văn Bảo (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2)