Đi lại liên tỉnh vẫn khá khó khăn dù 'mở cửa' và nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 19

Xã hội - Ngày đăng : 10:58, 01/10/2021

Việc đi lại của người dân vẫn chưa thuận lợi dù nhiều địa phương 'mở cửa' từ 1/10 theo Chỉ thị 19. Riêng vận tải hành khách liên tỉnh vẫn được cho là án binh bất động.
di-lai-lien-tinh-van-kho-khan-du-duoc-mo-cua-va-nhieu-tinh-ap-dung-chi-thi-19-1.jpg
Nhiều tuyến xe liên tỉnh phải "đắp mền" chờ thông tin mới.

Vận tải hành khách liên tỉnh Miền Tây án binh bất động dù áp dụng Chỉ thị 19

Theo chỉ thị 19 của Thủ tướng, vận tải hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, từ thời điểm 1/10, nhiều tỉnh Miền Tây đã áp dụng Chỉ thị 19 nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cho việc đi lại liên tỉnh và giảm tải cho việc đi lại nội tỉnh với phương tiện hành khách công cộng.

Tại Vĩnh Long, tỉnh áp dụng Chỉ thị 19 từ 0h ngày 1/10 đến hết 15/10, tuy nhiên, việc vận chuyển liên tỉnh vẫn tạm dừng chờ thông báo mới.

Tại Bến Tre, dù áp dụng Chỉ thị 19 nhưng vẫn hạn chế khung giờ ra đường từ 21h hôm trước đến 4h ngày hôm sau. Người dân, phương tiện giao thông đăng ký trên địa bàn tỉnh được đi lại trong tỉnh, đảm bảo 5K và theo hướng dẫn của địa phương.

Bến Tre vẫn cho hoạt động các tuyến xe buýt nội tỉnh nhưng lượng người giảm 50% trên từng chuyến, tiếp tục dừng các xe khách liên tỉnh.

di-lai-lien-tinh-van-kho-khan-du-duoc-mo-cua-va-nhieu-tinh-ap-dung-chi-thi-19-3.jpg
Nhiều tỉnh Miền Tây áp dụng Chỉ thị 19 nhưng vẫn còn chốt ở các huyện, gây hạn chế đi lại cho người dân.

Bắt đầu từ 0h00 ngày 30/9, trên toàn tỉnh Kiên Giang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 cho đến khi có quyết định mới. Trong thời gian này, người dân chỉ được đi lại trong phạm vi huyện, thành phố.

Tỉnh dỡ bỏ tất cả các chốt trong phạm vi huyện, thành phố, trừ vùng đỏ đang áp dụng theo Chỉ thị 16. Các chốt kiểm soát liên tỉnh, liên huyện, thành phố vẫn tiếp tục duy trì.

Việc tăng cường quản lý, giám sát chặt lái xe, phụ xe ra vào tỉnh cũng được Bạc Liêu áp dụng sau khi chuyển trạng thái sang Chỉ thị 19. Tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm lơ là trong quản lý để xảy ra các trường hợp lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Đi lại liên tỉnh từ TP.HCM vẫn khá khó khăn

Trong khi đó, UBND TP.HCM gửi văn bản tới 5 tỉnh, bao gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh để lấy ý kiến dự thảo về phương án tổ chức giao thông cho một số đối tượng giữa TP.HCM và các tỉnh. Theo dự thảo này, hoạt động vận tải hành khách vẫn còn hạn chế trong giai đoạn đầu và chưa triển khai đại trà cho nhiều đối tượng.

di-lai-lien-tinh-van-kho-khan-du-duoc-mo-cua-va-nhieu-tinh-ap-dung-chi-thi-19.jpg
Buýt nội thành vẫn án binh bất động chờ thông tin mới, một phần do nhu cầu người dân giảm mạnh.

Đối với việc đưa đón công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức với đảm bảo các điều kiện bao gồm người trên xe đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế; Có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực theo quy định ngành y tế.

Riêng người dân từ các tỉnh đến TP.HCM để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực 72 giờ và phải đảm bảo một trong các điều kiện: Có giấy chuyển viện (của các bệnh viện) từ các tỉnh, thành đến bệnh viện tại TP hoặc giấy hẹn tái khám của các bệnh viện tại TP; Xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) về cho phép đến TP khám chữa bệnh. Giấy xác nhận có thể hiện đầy đủ thông tin về: người đi khám bệnh, người lái xe và phương tiện.

Khu vực TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng được xem là điểm nóng cho nhu cầu đi lại khá cao từ thời điểm 1/10.

Trước tình hình này, Công điện ngày 30/9 của Thủ tướng cũng quy định rõ về việc tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát người ra vào "Khu vực". Việc đưa đón người ra, vào "Khu vực" phải được chính quyền các tỉnh, thành phố trong "Khu vực" và tỉnh, thành phố khác thống nhất, tổ chức an toàn, chu đáo. Chính quyền TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự phát ra khỏi địa phương mình về các tỉnh, thành phố khác ngoài "Khu vực".

Các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong "Khu vực" tuyên truyền, vận động và có sự hỗ trợ cần thiết để động viên nhân dân không tự ý di chuyển về quê. Phối hợp đưa công nhân, người lao động đã về quê trở lại các tỉnh, thành phố trong "Khu vực" để khôi phục sản suất, kinh doanh.

VÕ THANH BÌNH