Tân Chủ tịch đảng LDP Nhật Bản Kishida Fumio: Tính cách ôn hòa, dày dạn chính trường, đóng góp vào những sự kiện lịch sử

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:16, 30/09/2021

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Nhật Bản đã bầu cựu Ngoại trưởng Kishida Fumio làm nhà lãnh đạo mới của đảng này ngày 29/9, gần như đảm bảo khả năng ông Kishida Fumio trở thành tân thủ tướng Nhật Bản trong vài ngày tới.
tân Thủ tướng Nhật Bản
Tân Chủ tịch đảng LDP Nhật Bản Kishida Fumio. (Nguồn: The Conversation)

Dù chỉ nhận được sự ủng hộ ở mức tương đối và không quá nổi bật, nhưng ông Kishida có được sự hậu thuẫn của một số nhân vật có ảnh hưởng trong LDP, từ đó kiềm chế được “ngôi sao đang lên” Taro Kono, một chính trị gia nổi tiếng thẳng thắn và hiện là bộ trưởng phụ trách việc triển khai vaccine ngừa Covid-19.

Những “nấc thang” trên con đường danh vọng

Ông Kishida, 64 tuổi, có tính cách ôn hòa, xuất thân từ một gia đình nghị sĩ khi cả ông nội và cha của ông đều là thành viên của nghị viện Nhật Bản.

Kishida Fumio từng có 3 năm sống ở New York, khi cha ông công tác tại Mỹ với tư cách là quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Nhật Bản.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Waseda danh tiếng ở Tokyo, ông Kishida có một thời gian ngắn làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, trước khi trở thành thành viên Hạ viện vào năm 1993.

Là Ngoại trưởng Nhật Bản dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Abe Shinzo từ năm 2012-2017, ông Kishida đã giúp sắp xếp chuyến thăm lịch sử của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima vào năm 2016.

Tổng thống Barack Obama thời điểm đó đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng vì quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, và kêu gọi một thế giới không vũ khí hạt nhân.

Sau vai trò Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Kishida có một thời gian ngắn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, và tiếp đó là vị trí Trưởng ban chính sách của LDP.

Ông Kishida rất thích giao lưu, uống rượu. Thời còn là Ngoại trưởng, ông từng thách thức người đồng cấp của Nga Sergey Lavrov trong một cuộc thi uống rượu vodka.

tân Thủ tướng Nhật Bản
Nếu được tín nhiệm làm Thủ tướng Nhật Bản sau phiên họp Quốc hội vào ngày 4/10 tới, ông Kishida sẽ được Nhật Hoàng Naruhito chính thức bổ nhiệm và trở thành Thủ tướng thứ 100 của nước này. (Nguồn: The Coversation)

Quan điểm trước các vấn đề lớn

Nếu được tín nhiệm bầu làm Thủ tướng Nhật Bản sau phiên họp Quốc hội vào ngày 4/10 tới, ông Kishida sẽ được Nhật Hoàng Naruhito chính thức bổ nhiệm và trở thành Thủ tướng thứ 100 của nước này.

Sau đó, ông sẽ công bố nội các mới. Có thể nhiều vị trí sẽ không bị thay đổi, như Phó Thủ tướng Taro Aso, Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi (em trai của cựu Thủ tướng Abe).

Hai ứng cử viên tranh cử Chủ tịch LDP vừa qua, bà Sanae Takaichi, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và truyền thông và bà Noda Seiko, đại diện Tổng thư ký LDP, có thể trở lại nội các để thúc đẩy các vấn đề bình đẳng giới. Ông Kono cũng có thể sẽ được giữ lại trong nội các.

Không lâu sau đó, trước ngày 28/11, ông Kishida sẽ phải dẫn dắt đảng LDP trong cuộc tổng tuyển cử. Nếu LDP giành chiến thắng như kỳ vọng, ông sẽ đứng trước áp lực hoàn thành đợt tiêm chủng Covid-19 và lèo lái đất nước phục hồi sau đại dịch.

Trong chiến dịch tranh cử lãnh đạo LDP, ông Kishida đã cam kết chi hàng chục nghìn tỷ Yên để kích thích nền kinh tế, ưu tiên hỗ trợ những người có thu nhập thấp, các khu vực khó khăn và ngành du lịch.

Chính sách này được xem là ưu thế hơn chính sách kinh tế “Abenomics” của cựu Thủ tướng Abe, vốn được chỉ trích là làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập trong xã hội Nhật Bản.

Là một thành viên của nhóm vận động hành lang chủ nghĩa dân tộc Nippon Kaigi, ông Kishida cho hay ông sẽ “cân nhắc” việc tới thăm đền Yasukuni mặc dù hành động này chắc chắn sẽ khiến các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc phẫn nộ.

tân Thủ tướng Nhật Bản
Ông Kishida coi việc duy trì quan hệ ổn định với Bắc Kinh như một ưu tiên. (Nguồn: The Conversation)

Chính sách đối ngoại có thay đổi?

Chính sách ngoại giao của ông Kishida có thể ít thay đổi.

Ông Kishida đã cam kết “bảo vệ các giá trị căn bản định hướng dân chủ” và “thể hiện sự hiện diện bằng cách đóng góp cho việc giải quyết các thách thức toàn cầu, với trọng tâm là các vấn đề môi trường”.

Tân Chủ tịch LDP sẽ tiếp tục thúc đẩy nhóm Bộ tứ (Quad) bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ. Thậm chí, ông có thể ủng hộ đề xuất mà ông Kono từng đưa ra, là phát triển các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử.

Nhật cũng có thể tìm cách gia nhập khối liên minh tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn), đây cũng là một đề xuất của ông Kono.

Ông Kishida sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, trong đó bao gồm việc phát triển các tên lửa có tầm bắn xa hơn nhằm đối phó với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Ông cũng ủng hộ việc Đài Loan (Trung Quốc) gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tuy nhiên, ông Kishida cũng coi việc duy trì quan hệ ổn định với Bắc Kinh như một ưu tiên, bởi vì, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản.

Cơ hội của phe đối lập trong tổng tuyển cử

Với việc lựa chọn ông Kishida, LDP cho thấy họ không hướng đến thay đổi, mà muốn tập trung vào sự thống nhất trong đảng.

Mặc dù đảng LDP được dự đoán là sẽ giành chiến thắng trong kỳ tổng tuyển cử, nhưng việc ông Kishida sẽ lên làm Thủ tướng có thể sẽ trao thêm chút hy vọng cho các đảng đối lập, những đảng này sợ phải chống lại ông Kono.

Đảng Dân chủ Lập hiến (CDP), đảng đối lập chính ở Nhật Bản, đã đạt một thỏa thuận với Đảng Cộng sản Nhật Bản và 2 đảng nhỏ khác là không chống lại nhau, nhằm tăng tối đa cơ hội đánh bại LDP.

Mặc dù khối liên minh này khó có khả năng thắng được LDP, nhưng lại đủ sức để làm giảm thế đa số trong Quốc hội của LDP.