Bài dự thi "Cùng giữ màu xanh của biển" - Những “Thầy thuốc môi trường” của biển

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:43, 30/09/2021

Tôi gọi những cán bộ, nghiên cứu viên Trung tâm Quan trắc - Phân tích môi trường biển, Bộ Tham mưu Hải quân là những “Thầy thuốc môi trường” bởi công việc của họ là “bắt bệnh” và tìm ra “đơn thuốc” chữa bệnh ô nhiễm môi trường biển, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và các hoạt động kinh tế - xã hội… Công việc thầm lặng giữa bốn bề sóng gió.

Khi nào ngủ, lúc ấy là đêm

Tôi có dịp cùng Đoàn công tác số 12 trên Tàu 571 đến thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1… Cùng tham gia hải trình với đoàn có nhóm cán bộ, nghiên cứu viên (CB, NCV) Trung tâm Quan trắc - Phân tích môi trường biển đi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn… Trong suốt hải trình, khi các thành viên trong đoàn công tác giao lưu hay tham quan, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ thì nhóm nhanh chóng triển khai công việc thầm lặng của mình.

Chuyến ấy, tôi đã chứng kiến nhiều đêm muộn, CB, NCV Trung tâm vẫn miệt mài thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường nước biển khu vực huyện đảo Trường Sa. Vừa chuẩn bị các trang thiết bị đo đạc, Trung tá, Tiến sĩ Vũ Thị Quỳnh Chi, Trưởng ngành Hóa học của Trung tâm vừa cho biết: “Đây là một trong những điểm lấy mẫu trên hải trình này. Khi tàu đến mỗi điểm lấy mẫu thì dù trời mưa hay nắng, ngày hay đêm, chúng tôi đều có mặt để thực hiện nhiệm vụ. Công việc này chỉ tạm dừng khi có giông, bão”…

Nhóm công tác của Trung tâm QT-PTMTB thực hiện quan trắc môi trường nước trên đảo Tốc Tan.

Trong nhóm CB, NCV, có những người lần đầu thực hiện nhiệm vụ trên biển, ăn uống trong điều kiện tàu không ngừng lắc lư và ngủ không theo giờ giấc nên luôn trong trạng thái chóng mặt, choáng váng. Thế nhưng bước vào nhiệm vụ, họ vẫn phải giữ đầu óc tỉnh táo vì các thao thác kỹ thuật đòi hỏi phải rất chuẩn xác. Công việc liên miên bất kể ngày đêm và gần như họ quên mất cảm giác về thời gian, cứ xong việc lúc nào là tranh thủ ngủ lúc ấy.

Mỗi lần đi biển, từ khó khăn lại rút ra được bài học cho những lần sau. Thiếu tá - Kỹ sư Kỹ thuật Môi trường Trương Văn Tân, Nghiên cứu viên ngành Môi trường chia sẻ: Lúc tàu chạy trên biển say sóng là thường, nhưng khi tàu neo, nhất là thời gian neo kéo dài, cảm giác say sóng lại hoàn toàn khác. Có vị trí neo xa bờ, rất khó cho việc lấy mẫu; đòi hỏi người thực hiện phải nhanh nhẹn và có tính cẩn thận, kiên nhẫn; vừa chú trọng bảo đảm an toàn vừa bảo đảm việc lấy mẫu theo đúng quy định

Công việc của các “thầy thuốc” bao gồm đo đạc, phân tích, đánh giá sơ bộ chất lượng nguồn nước sinh hoạt của quân, dân trên các đảo như nước mưa, nước giếng, nước lọc (qua máy lọc nước biển thành nước ngọt)… Với các chỉ tiêu pH, hàm lượng oxy hòa tan, amoni, nitrit... trong nước, nhóm đo đạc ngay để cho ra kết quả phân tích bảo đảm đánh giá đúng thực tế môi trường nước sử dụng. Khi đó, sân đảo, boong tàu đều trở thành “phòng thí nghiệm”. Những thông số khác cần xác định theo Quy chuẩn Việt Nam về chất lượng môi trường nước, nhóm thực hiện lấy và giữ mẫu trong các chai bảo quản để đem về phòng thí nghiệm tại Trung tâm phân tích…

Và đó chỉ là một trong rất nhiều chuyến đi thực tế của CB, NCV Trung tâm.

Niềm hạnh phúc giản dị

Có lần, CB, NCV Trung tâm quan trắc môi trường vùng biển Hải phòng - Quảng Ninh, dù đã thực hiện nhiệm vụ được 4 ngày nhưng gặp bão, tàu quan trắc phải quay về bờ. Bão tan, tàu tiếp tục ra khơi, khi đó họ phải bắt đầu lại công việc của mình. Lần khác, quan trắc ở giữa sông Đồng Nai, khi đang tập trung vào công việc thì tàu Container chạy qua, tạo sóng lớn ảnh hưởng tàu quan trắc buộc tàu quan trắc phải dời địa điểm để tránh, khi biển ổn định mới tiếp tục trở lại quan trắc…

Quan trắc môi trường nước biển.

Dù khó khăn nhưng họ vẫn đam mê, miệt mài với công việc của mình. Tham gia vào những chuyến công tác đó còn có đội ngũ CB, NCV trẻ có tinh thần học hỏi, tích cực và chủ động trong thực hiện nhiệm vụ. Trung tá, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lợi, Trưởng ngành Sinh học của Trung tâm cho biết: Năm 2019, nhiều cán bộ trẻ trong ngành đã xung phong đi thực tế trên đảo Trường Sa; giám sát lắp đặt các trang thiết bị về môi trường trên các đảo; tham gia cùng đoàn công tác hợp tác Nga - Việt khảo sát đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển Quần đảo Trường Sa; khảo sát hiện trạng môi trường tại các đơn vị trên bán đảo Cam Ranh... để đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường.

Sau những ngày tháng lênh đênh trên biển, kết quả thu được là hàng trăm lọ mẫu cần phân tích. Các số liệu sau phân tích sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, phục vụ cho việc xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường toàn quốc hàng năm, cung cấp cho các đề tài, dự án khi có yêu cầu…

Không chỉ thực hiện quan trắc - phân tích môi trường biển, Trung tâm còn thường xuyên khảo sát, nghiên cứu, phân tích, đo đạc các thông số về môi trường đất, nước, khí… ở đất liền. “Những nơi ô nhiễm, độc hại nhất như cống, rãnh ngầm,… là nơi chúng tôi thường xuyên tiếp xúc”, Trung tá, Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hường, Trưởng ngành Môi trường của Trung tâm chia sẻ.

Chị cũng cho biết thêm, hiện tại, Trung tâm đang triển khai nhiều hệ thống xử lý về môi trường cho các đơn vị trong và ngoài Quân chủng Hải quân. Trong đó có hệ thống xử lý chất thải rắn cho đơn vị đảo Ngọc Vừng (tỉnh Quảng Ninh) được triển khai từ năm 2018. Đến nay, hiệu quả xử lý rất cao vì toàn bộ chất thải sinh hoạt tại đảo được xử lý triệt để, bảo đảm những quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường.

Sau những ngày, tháng đi thực tế để quan trắc, lấy mẫu và đánh giá sơ bộ chất lượng môi trường, bắt được “bệnh” rồi, anh chị em trong Trung tâm lại miệt mài nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chữa “bệnh”. Điều kiện làm việc thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với các chất hóa học độc hại như hóa chất dung môi, axits… gây cho họ cảm giác dị ứng, ngứa râm ran trên mặt, hắt hơi, mỏi mệt và đắng miệng. Tuy vậy, anh chị em vẫn ham mê công việc, không quản ngại làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ…

Miệt mài t­rong phòng thí nghiệm.

Cũng rất mừng khi Trung tâm Quan trắc - Phân tích Môi trường biển được Quân chủng Hải quân quan tâm đầu tư những trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ CB, NCV có trình độ chuyên môn vững vàng, được rèn luyện và giàu kinh nghiệm đi biển. Nhờ đó, tạo được uy tín với nhiều đơn vị trên cả nước, các đơn vị tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học với Trung tâm. Trong đó, Trung tâm đã hợp tác với Liên đoàn địa chất biển, Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển bền vững; Trung tâm Nghiên cứu biển đảo, Đại học Quốc gia Hà Nội; Chi cục Bảo vệ môi trường Hải Phòng… ở nhiều dự án như: Khảo sát, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản vùng biển ven bờ tỉnh Sóc Trăng; Quan trắc môi trường vùng biển Hải Phòng - Quảng Ninh và vùng biển Bạch Long Vỹ; Quan trắc tổng hợp và quan trắc định kỳ phục vụ điều tra, nghiên cứu, đánh giá và dự báo mức độ tổn thương môi trường nước và trầm tích đáy do ô nhiễm ở các vùng biển Việt Nam; Đánh giá hiện trạng môi trường, phân hóa môi trường và dự báo biến động môi trường không khí ven bờ biển Việt Nam; Điều tra, đánh giá, tích hợp và dự báo biến động điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường, tai biến thiên nhiên các vùng biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận phục vụ phát triển kinh tế biển...

Hàng trăm chuyến đi, hàng nghìn “đơn thuốc” cho môi trường nói chung và môi trường biển ra đời từ những chuyến lênh đênh và nhiều đêm thức trắng trong phòng thí nghiệm. Mệt mỏi, khó khăn, thậm chí cả hiểm nguy. Nhưng chỉ cần lấy được mẫu, bắt được “bệnh” và cắt “đơn thuốc” chính xác để góp một chút nhỏ công sức của mình làm cho biển sạch thì mọi mệt mỏi dường như quên hết. Quả là, niềm hạnh phúc giản dị mà quý giá biết bao.

Nguyễn Thùy Liên (Báo Hải quan)