Thoả thuận AUKUS làm thay đổi cuộc chơi trong bàn cờ chính trị quốc tế, Nga sẽ đối phó như thế nào?

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:26, 28/09/2021

Tác giả Alexey D Muraviev* trong bài viết trên tờ Asia Times cho rằng, Nga cần có chiến lược phù hợp nhằm thích ứng với những thay đổi trong cuộc chơi do thoả thuận AUKUS mang lại.
Nga sẽ đối phó AUKUS như thế nào?
Các ý kiến về thỏa thuận an ninh AUKUS mới giữa Australia, Mỹ và Anh hiện vẫn nhiều chiều. Trung Quốc và Pháp đã ngay lập tức phản đối, trong khi Nhật Bản và Philippines lại ngày càng hoan nghênh. (Nguồn: Shutter Stock)

Nga, một trong số ít quốc gia sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trên thế giới, tỏ ra thận trọng hơn sau khi thoả thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) được thành lập.

Điện Kremlin đã hạn chế bình luận chính thức bằng một tuyên bố được cân nhắc cẩn thận với nội dung: “Trước khi hình thành quan điểm, chúng ta phải hiểu rõ những mục đích, mục tiêu của nó là gì? Những câu hỏi này cần phải được giải đáp trước. Có rất ít thông tin cho đến nay”.

Giới chức ngoại giao Nga đã cùng với những người đồng cấp Trung Quốc bày tỏ quan ngại rằng, việc Australia phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh sẽ phá hoại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và “đẩy nhanh một cuộc chạy đua vũ trang” trong khu vực này.

Hai nước trên cho rằng, việc xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân cần phải được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giám sát. Tuy nhiên, đây là một đề xuất khó có thể được Canberra chấp nhận.

“Nguyên mẫu của một NATO châu Á”

Khi biết nhiều hơn về thỏa thuận an ninh mới này, luận điệu của các quan chức Điện Kremlin bắt đầu thay đổi.

Cựu Đại sứ Australia tại Mỹ Joe Hockey mạnh dạn tuyên bố rằng, AUKUS không chỉ nhằm đối chọi với sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà còn cả sức mạnh của Nga.

Ngay sau đó, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đã gọi thỏa thuận này là “nguyên mẫu của một NATO châu Á”.

Ông nói thêm rằng “Mỹ sẽ cố lôi kéo các nước khác tham gia tổ chức này, chủ yếu là nhằm theo đuổi các chính sách chống Trung Quốc và chống Nga”.

Sự thay đổi luận điệu này không gây ngạc nhiên cho Australia. Từ lâu, Nga đã coi mọi sự thay đổi đối với an ninh khu vực - ví dụ như việc thành lập các liên minh mới hoặc triển khai các hệ thống vũ khí mới - là một nguy cơ quân sự cần phải đáp trả.

Do quan điểm của Moscow về AUKUS nghiêng về rủi ro chính trị và quân sự, không phải là một mối đe dọa, nên các phản ứng tức thời của Nga nhiều khả năng sẽ chỉ giới hạn ở mức biện pháp chính trị và nắm bắt cơ hội.

Có lẽ đáng chú ý nhất, Nga có thể coi thỏa thuận tàu ngầm trong AUKUS là một tiền lệ, cho phép nước này quảng bá công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho các bên quan tâm trong khu vực.

Trước đây, Nga từng từ chối chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân, vốn được coi là công nghệ tốt nhất trên thế giới, cho các nước.

Cho đến nay, Moscow chỉ mới ký kết thỏa thuận cho thuê với Ấn Độ, cho phép hải quân Ấn Độ vận hành các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân do Liên Xô và Nga sản xuất kể từ năm 1987.

Cuộc chơi sắp thay đổi?

Về lâu dài, Nga cũng sẽ không bỏ qua điều hiển nhiên này: thỏa thuận an ninh mới liên kết hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ và Anh với một Australia sắp sở hữu năng lực hạt nhân.

Độ bền và phạm vi hoạt động của các tàu ngầm Australia trong tương lai có thể giúp hải quân của xứ sở kangaroo hoạt động ở phía Tây và Tây Bắc Thái Bình Dương, nơi lực lượng hải quân Nga hoạt động thường xuyên.

Nếu các hệ thống tấn công trên các tàu ngầm này đặt vùng Viễn Đông hoặc vùng Siberia của Nga vào tầm ngắm, đó sẽ là một sự thay đổi cuộc chơi đối với Moscow.

Là một siêu cường hạt nhân, Nga sẽ cần lưu ý điều này trong công tác hoạch định chiến lược.

Theo Asia Times, trong vòng 12 tháng tới, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga dự kiến sẽ tiếp nhận ít nhất ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hai trong số các tàu ngầm thế hệ thứ tư này (lớp Yasen-M) có công nghệ vượt trội so với các tàu ngầm hiện đang được Trung Quốc đóng và được cho là gần như tương đương với các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.

Tàu ngầm thứ ba là tàu ngầm lớp Oscar II Belgorod có trọng tải 30.000 tấn đã được cải tiến để mang theo một số siêu ngư lôi hạt nhân có khả năng công phá các căn cứ hải quân lớn.

Đến năm 2028, theo tính toán, hải quân Nga sẽ sở hữu một lực lượng ít nhất 14 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và 6 tàu ngầm tấn công thông thường ở Thái Bình Dương.

Nếu Nga bắt đầu coi AUKUS là một mối đe dọa quân sự, thì sẽ có nhiều điều xảy ra. Địa bàn hoạt động của Nga cũng có thể được mở rộng ra Biển Đông và xa hơn nữa.

Trong kịch bản kịch tính nhất, Nga và Trung Quốc có thể thành lập một liên minh hàng hải “lỏng lẻo” để đối chọi sức mạnh quân sự tổng hợp của thỏa thuận AUKUS.

Tuy nhiên, khả năng này khó có thể trở thành một liên minh hàng hải thực sự. Dù vậy, nếu Nga và Trung Quốc dự định phối hợp các hoạt động hải quân, đó sẽ là một tin xấu đối với AUKUS.


*Tác giả Alexey D Muraviev là Phó Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược và An ninh Quốc gia thuộc Đại học Curtin, Australia.

Sơn Hà