Bất động sản mới nhất: ‘Đẩy sóng’ giá đất ăn theo cầu Trần Hưng Đạo-Hà Nội, làm đường 2 bên sông Hồng, cần làm gì trước khi đặt cọc mua nhà?

Kinh doanh - Ngày đăng : 10:55, 25/09/2021

Cầu Trần Hưng Đạo chưa duyệt, giá đất đã tăng cao ăn theo, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, cần làm gì trước khi đặt cọc mua nhà?… là những tin bất động sản mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Quy hoạch khu đô thị sông Hồng.
Bất động sản mới nhất: Quy hoạch khu đô thị sông Hồng sẽ có đường 2 bên sông.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Xây đường 2 bên sông, 6-8 làn xe

Tại tọa đàm "Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng" mới đây, nhiều bàn luận được đưa ra xung quanh quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội - cho biết, phân khu đô thị sông Hồng được xác định dựa trên dân số của 53 phường, xã, thuộc 13 quận, huyện Hà Nội.

Mặc dù khu vực ngoài đê sông Hồng là khu vực hạn chế phát triển của Thành phố trong nhiều năm qua song qua các số liệu điều tra hiện trạng và các nghiên cứu trước đây, dân số trong khu vực vẫn tăng dần theo từng năm với mức tăng tương đối cao. Dân cư trong khu vực nghiên cứu khoảng 235.000 người.

Đề cập một trong những nội dung quan trong quy hoạch phân khu, bà Hương cho biết sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy, phát triển các hướng tiếp cận với sông Hồng, kết nối giao thông dọc sông và qua sông cho các loại phương tiện.

Trong đó có việc xây dựng tuyến đường 2 bên ven sông, tạo thành hai trục giao thông song song, kết nối dọc sông, quy mô có thể 6-8 làn xe tùy đoạn. Tuyến đường này góp phần cải tạo chỉnh trang diện mạo đô thị, là ranh giới chống lấn chiếm của dân cư ven sông.

Cũng theo bà Hương, Viện đề xuất sẽ có một số bãi sông được ưu tiên quỹ đất tái thiết đô thị, bổ sung nhà ở tái định cư, các công trình công cộng phục vụ cư dân, gánh bớt quá tải khu vực nội đô…

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng, quy hoạch lần này cần giải quyết được vấn đề tái định cư, di dân cho dân cư ngoài bãi sông Hồng.

Đặc biệt, khi làm được hai tuyến đường dọc 2 bên sông, ông Chiến cho rằng điều này sẽ xây dựng được chỉ giới đỏ, tạo được thành phố hai bên sông. "Kể cả nhà dân nếu còn tồn tại cũng sẽ quay mặt lại sông chứ không quay lưng vào sông như trước đây nữa", ông Chiến nói.

Cầu Trần Hưng Đạo chưa duyệt, 'cò đất' đã rầm rộ thổi giá ăn theo

Theo Báo Tiền Phong, dù UBND TP Hà Nội khẳng định, đến nay vẫn chưa chốt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, nhưng giới đầu cơ, môi giới nhà đất đang rầm rộ "đẩy sóng" giá nhà đất xung quanh khu vực nơi dự kiến có cầu đi qua.

Các chuyên gia cảnh báo, việc đầu tư ăn theo quy hoạch hạ tầng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi giá bất động sản (BĐS) khu vực này đã đạt "đỉnh".

Thị trường nhà đất khu vực xung quanh các trục đường như Cổ Linh, Hồng Tiến (quận Long Biên) - khu vực giao, cắt với vị trí dự kiến của cầu Trần Hưng Đạo trở nên sôi động với nhiều thông tin mua bán.

Theo khảo sát, trên các website và hội, nhóm rao bán nhà đất, lượng tin rao bán nhà ở khu vực đường Hồng Tiến, Cổ Linh có sự gia tăng mạnh vài ngày gần đây.

Điển hình là một lô đất thổ cư có "sổ đỏ" rộng 473m2 (mặt tiền 20m) ở mặt phố Hồng Tiến đang được rao bán với giá 97 tỷ đồng (tương đương 205 triệu đồng/m2). Người bán mời chào, ô đất nằm ở mặt phố mới, tương lai đẹp nhất quận Long Biên vì ngay điểm giao với đường dẫn lên cầu Trần Hưng Đạo.

Trong khi ô đất thổ cư 42m2 khác được giới thiệu là nằm ngay ngã ba mặt phố Hồng Tiến, gần cầu Chương Dương và cầu Trần Hưng Đạo sắp tới vừa được rao bán với giá 10 tỷ đồng (tương đương 238 triệu đồng/m2).

Cuối năm 2019, ô đất 42m2 ở đường Hồng Tiến, gần vị trí cầu Trần Hưng Đạo dự kiến xây dựng có giá 7,82 tỷ đồng (hơn 186 triệu đồng/m2). Đến cuối tháng 9, sau khi Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, ô đất ở vị trí tương tự đã có giá 10 tỷ đồng (tương đương 238 triệu đồng/m2).

Tại đường Cổ Linh, căn nhà 4 tầng diện tích 78m2, mặt tiền 4,5m trong ngõ gần cầu Vĩnh Tuy và dự án cầu Trần Hưng Đạo đang được rao bán với giá 5,5 tỷ đồng. Hay một căn nhà 4 tầng 1 tum mới xây, diện tích 38m2 trong ngõ Tư Đình rộng 3m thì được rao bán với giá hơn 3 tỷ đồng (trung bình hơn 79 triệu đồng/m2).

Có thể thấy hiện tại giá nhà đất ở mặt đường Cổ Linh, gần dự án cầu Trần Hưng Đạo chào bán có giá trung bình từ 150 - 250 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Còn giá nhà đất trong ngõ dao động trung bình từ 70 - 80 triệu đồng/m2; trong khi hồi tháng 5/2019, một lô đất khu tập thể trong ngõ 139 Thạch Cầu, gần dự án cầu Trần Hưng Đạo rộng 40,24m2 được rao bán với giá 1,85 tỷ đồng (tương đương 46 triệu đồng/m2).

Một một số môi giới cho biết các khu vực như đường Hồng Tiến, Cổ Linh hưởng lợi trực tiếp từ dự án Cầu Vĩnh Tuy 2 và cầu Trần Hưng Đạo, kết nối giao thông vô cùng thuận lợi đến nên mặt bằng giá sẽ nhanh chóng tăng cao khi Hà Nội hoàn toàn khống chế được dịch.

Theo các chuyên gia, chuyện các dự án làm cầu, làm đường mở đến đâu, bất động sản “sốt” tới đó là thực trạng nhiều năm nay và nhiều nhà đầu tư nhờ đón sóng từ những chính sách xây dựng hạ tầng đã trúng đậm. Tuy nhiên, ngược lại hiện nay có nhiều dự án hạ tầng đến khi khởi công hoặc khánh thành lại không tạo giá trị cao như mong đợi.

Bài học gần nhất là khi Hà Nội công bố thông tin về 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, đất đai, BĐS ở khu vực có các cây cầu dự định đi qua đã bị giới đầu cơ đồn thổi dẫn đến giá đất tăng vọt.

Tuy nhiên, khi Hà Nội công bố dừng 82 dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), bao gồm một số dự án trong 10 cây cầu kể trên, nhiều người mới “vỡ mộng” vì trót “ăn theo” hạ tầng giao thông”.

Chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng khi đầu tư ăn theo quy hoạch cầu Trần Hưng Đạo vì thị trường BĐS khu vực Long Biên đã bị giới đầu cơ “tạo sóng” để nâng giá lên mức “gần đỉnh”.

Các tiêu chí chọn bất động sản ven biển

Theo các chuyên gia, khả năng sinh lời của bất động sản du lịch biển được đảm bảo qua nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng ngày càng tăng cao tại Việt Nam. Điều này thể hiện rõ qua lượt khách du lịch trong và ngoài nước tăng trưởng cao trong những năm gần đây.

Giai đoạn trước khi Covid-19 bùng phát, lượng khách quốc tế đến Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 22,7%/năm trong suốt năm 5 năm 2015-2019 và đạt hơn 18 triệu lượt vào năm 2019.

Không chỉ có nguồn khách quốc tế dồi dào, năm 2019 nền du lịch Việt Nam còn đón hơn 80 triệu lượt khách nội địa. Năm 2020, trong bối cảnh ngành du lịch thế giới lao đao và gần như đóng cửa thì lượng khách nội địa của Việt Nam vẫn đạt đến 56 triệu lượt.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Xây dựng tạm dừng cấp phép xây dựng đối với các dự án condotel. (Nguồn: cafef.vn)
4 tiêu chí giúp nhà đầu tư đảm bảo an toàn và khả năng sinh lời trong tương lai khi mua bất động sản ven biển, đó là địa điểm, giá cả, pháp lý, phong cách thiết kế. (Nguồn: cafef.vn)

Hiện nay, cùng với xu hướng sống gần gũi với thiên nhiên, nhiều người chuyển sang sở hữu bất động sản ven biển để du lịch nghỉ dưỡng, nâng cao sức khỏe và cho thuê. Chính vì thế, phân khúc này đang có sức hút với giới đầu tư nhờ tiềm năng sinh lời.

Tuy nhiên, giới đầu tư nhận định, các sản phẩm phân khúc này tại các thị trường truyền thống đang có xu hướng bão hòa, trở nên khan hiếm sản phẩm mới, giá cao và biên lợi nhuận không còn được như kỳ vọng.

Do đó, nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang "khai phá" những vùng đất mới, giá còn mềm, tiềm năng thu hút du lịch lớn để đảm bảo gia tăng giá trị của tài sản trong tương lai.

Tại sự kiện trực tuyến ra mắt Khu đô thị biển Takashi Ocean Suite Kỳ Co của Tập đoàn Danh Khôi diễn ra mới đây, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính có hơn 20 năm theo dõi thị trường bất đông sản cho rằng: "Nhà đầu tư có xu hướng chọn những nơi đang bắt đầu phát triển và có tiềm năng thu hút du lịch để tìm cơ hội gia tăng lợi nhuận cao hơn và an toàn hơn khi 'xuống tiền'. Đó là lý do chúng ta nhìn thấy sự sôi động của các thị trường mới nổi thời gian gần đây".

Vị chuyên gia cũng nhận định, Takashi Ocean Suite Kỳ Co là một trong số các dự án đáp ứng được 4 tiêu chí giúp nhà đầu tư đảm bảo an toàn và khả năng sinh lời trong tương lai, đó là địa điểm, giá cả, pháp lý, phong cách thiết kế.

Cap: Khu đô thị biển Takashi Ocean Suite Kỳ Co là một trong những sản phẩm bất động sản biển đang được triển khai tại Quy Nhơn.

Những điều cần làm trước khi đặt cọc mua nhà đất

Trước khi đặt cọc mua nhà đất, các bên cần lưu ý một số nội dung dưới đây để loại trừ rủi ro pháp lý.

Xác định thửa đất, nhà ở đủ điều kiện mua bán

Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Căn cứ Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau:

- Có giấy chứng nhận (trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại Khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013);

- Đất không có tranh chấp;

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

- Trong thời hạn sử dụng đất.

Điều kiện mua bán nhà ở

Theo Điều 118 Luật Nhà ở năm 2014, nhà ở được phép mua bán khi có đủ các điều kiện dưới đây:

- Có giấy chứng nhận;

- Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;

- Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

- Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.

Nắm rõ quy định về phạt cọc

Căn cứ Khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, nghĩa vụ của các bên khi ký hợp đồng đặt cọc như sau:

Nếu hợp đồng được giao kết, thực hiện

Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

Nếu hợp đồng không được giao kết, thực hiện

- Trường hợp bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.

- Trường hợp bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc.

Nên công chứng, chứng thực hợp đồng

Bộ luật Dân sự 2015 cũng như pháp luật đất đai và pháp luật nhà ở không bắt buộc hợp đồng đặt cọc phải công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, để tránh tranh chấp xảy ra thì các bên nên công chứng hoặc chứng thực.

Hoàng Nam