Nhật Bản dự kiến chi mạnh cho mua sắm vũ khí

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:05, 21/09/2021

Với đề xuất chi tiêu quốc phòng cao kỷ lục cho tài khóa tới, Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến mua sắm thêm nhiều loại vũ khí mới nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng.

Phát triển công nghệ “thay đổi cuộc chơi”

Reuters đưa tin, so với tài khóa 2021, Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn tăng 2,6% chi tiêu quốc phòng lên con số 5,48 nghìn tỷ yên (tương đương 49,93 tỷ USD) cho tài khóa 2022. Kyodo News cho biết, con số này không bao gồm chi phí thường niên lên tới 200 tỷ yên (tương đương 1,8 tỷ USD) liên quan tới các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản. Trong khi đó, tờ The Asahi Shimbun lưu ý rằng, trong số 5,48 nghìn tỷ yên này, khoản chi dự kiến dành cho việc mua sắm các loại vũ khí mới chiếm tới một nửa.

Theo AP, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất chi 130 tỷ yên (tương đương 1,18 tỷ USD) để mua 12 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) chế tạo. F-35 được đánh giá là sự kết hợp hoàn hảo giữa hệ thống vũ khí tầm xa, cảm biến hiện đại, kỹ thuật tàng hình và hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh. F-35 được Lầu Năm Góc quảng cáo là “loại máy bay có khả năng sát thương, yểm trợ và sống sót cao nhất từng được sử dụng”. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng dự định tăng chi tiêu lên mức kỷ lục 325,7 tỷ yên (tương đương 2,96 tỷ USD) cho nghiên cứu và phát triển những công nghệ có thể “thay đổi cuộc chơi” như máy bay không người lái sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản tham gia một cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 15-9 vừa qua và dự kiến kéo dài tới cuối tháng 11 tới. Ảnh: Kyodo News

Ngoài ra, gần 105 tỷ yên (khoảng 1 tỷ USD) dự kiến được dành cho việc phát triển các máy bay chiến đấu nội địa đầu tiên của Nhật Bản trong vòng 3 thập niên qua. Hãng tin UPI cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng dự định mua sắm thêm các tàu chiến mới và các loại tên lửa tầm xa, đồng thời tăng cường đầu tư cho lực lượng tác chiến vũ trụ và nâng cao khả năng phòng vệ trước các cuộc tấn công mạng.

Kyodo News cho rằng, nếu đề xuất của Bộ Quốc phòng Nhật Bản được Bộ Tài chính nhất trí và Quốc hội nước này thông qua vào cuối năm nay, tài khóa 2022 sẽ đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng. Trong khi đó, UPI khẳng định 5,48 nghìn tỷ yên sẽ là mức chi tiêu quốc phòng cao nhất từ trước tới nay của Nhật Bản và 2,6% sẽ là mức tăng lớn nhất trong một thập niên qua. Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, Nhật Bản hiện nằm trong tốp 10 quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới.

Giới hạn 1% GDP

Theo Sputnik, kể từ đầu thập niên 1990, Nhật Bản vẫn tuân theo một “quy định không chính thức”, đó là chi tiêu quốc phòng không vượt quá 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước, ngoại trừ năm 2010 khi GDP sụt giảm do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, tờ Nikkei Asia cho rằng có những tín hiệu cho thấy Nhật Bản có thể sẽ không tiếp tục duy trì mức giới hạn 1% này. Trả lời phỏng vấn Nikkei Asia hồi tháng 5-2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo tuyên bố Tokyo sẽ “phân bổ một cách phù hợp nguồn ngân sách cần thiết để bảo vệ đất nước mà không quan tâm tới mức trần 1% GDP”. Hồi tháng 8-2021, Thủ tướng Suga Yoshihide cũng khẳng định với Tạp chí Newsweek rằng, Chính phủ Nhật Bản “không chủ trương duy trì chi tiêu quốc phòng ở mức 1% GDP”.

Tờ The Asahi Shimbun cho rằng, tình hình an ninh tại khu vực Đông Á trong những năm gần đây ngày càng trở nên thách thức chính là lý do đầy thuyết phục để Nhật Bản liên tục tăng cường tiềm lực quốc phòng. Trên thực tế, trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2022, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng nêu rõ các quốc gia trong khu vực đã tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự thông qua việc tăng chi tiêu quốc phòng. Trong bối cảnh đó, Tokyo “cần tăng cường đáng kể tiềm lực quốc phòng và xây dựng lực lượng quốc phòng đa lĩnh vực”. AFP dẫn lời Giáo sư Hideshi Takesada tại Đại học Takushoku (Nhật Bản) cho rằng, việc Tokyo tăng chi tiêu quốc phòng những năm gần đây một phần là do sức ép của Washington yêu cầu các đồng minh và đối tác đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh. Trong một bài viết trên Nikkei Asia, ông Elbridge Colby, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lại cho rằng, Nhật Bản cần tăng chi tiêu quốc phòng để “đóng một vai trò lớn hơn không phải vì Mỹ mà vì lợi ích của chính mình”.

HOÀNG VŨ