Giảng viên dùng lời xúc phạm sinh viên: Giới hạn nào khi chọn nghề sư phạm?

Xã hội - Ngày đăng : 12:35, 20/09/2021

Gần đây liên tục xuất hiện những vụ việc giảng viên thiếu kiềm chế cảm xúc mà xúc phạm sinh viên, thậm chí đuổi các em ra khỏi lớp học khiến nhiều người bức xúc.

Trong buổi học trên Google Meet ngày 16/9, một sinh viên đề nghị giảng viên ĐH sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM nhắc lại bài vì trời mưa to, không nghe rõ. Thầy giáo hỏi tên nam sinh rồi "đuổi" anh ra khỏi lớp với lý do "mưa to phải tự lấy tai phone đeo vào, chứ mắc mớ gì mưa to tôi phải giảng lại nhiều lần".

Giảng viên còn yêu cầu những sinh viên còn lại bật webcam, mở micro, tự giới thiệu về mình rằng "tôi có đủ miệng và tai, các giác quan như người bình thường". Những người không thực hiện bị loại ra khỏi lớp.

Sau sự việc, giảng viên cho biết có ý định nhắc nhở sinh viên tập trung học hơn nhưng không kìm chế được cảm xúc nên lớn tiếng, lời nói không hay.

Khi sự việc bị lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội thì giảng viên này đã xin lỗi về việc sử dụng ngôn từ chưa phù hợp đến sinh viên và những người xem clip và hứa sử dụng phương pháp mềm dẻo hơn trong việc giảng dạy môn học.

cong-bo11.jpeg
Sự việc tại ĐH sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM khiến dư luận xôn xao về cách ứng xử của giảng viên với sinh viên

Trước đó, ngày 17/9, ông Trần Công Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Cam Lộ (H.Cam Lộ, Quảng Trị) cho biết, sau khi nhận được thông tin về đoạn clip ghi âm lan tràn trên mạng về lời lẽ của cô giáo xúc phạm học sinh trong giờ học trực tuyến, nhà trường đã tổ chức họp để xác minh.

Bước đầu xác định, cô giáo xúc phạm học sinh là T.T.H.Y (51 tuổi) giáo viên dạy văn của nhà trường. Học sinh bị cô giáo chửi là P.T.H.G, lớp 11A5, Trường THPT Cam Lộ.

Trước đó, mạng xã hội xuất hiện clip 6 phút, cô Y. đã buông những lời chửi rủa học sinh như: “quái thai về thể xác, quái thai về tâm hồn, rác rưởi của xã hội, con chó, đồ mạt hạng, đồ tiểu nhân, đồ nít ranh, đồ nớ chết quách đi cho rồi, đồ điên, xưng mày – tao với học sinh, cha mẹ bất hạnh đẻ ra đứa con quái dị, đồ nớ trước sau chi cũng trở thành rác thải của xã hội thôi, đồ rác thải, chết rấp dưới bùn đen của xã hội, ra xã hội em sẽ bị tống tù...” .

Theo cô Y, với kinh nghiệm 26 năm trong nghề, nhưng lần này cô đã giận mất khôn và thừa nhận dù là lỗi của học sinh đi nữa thì cách xử lý của cô như thực tế diễn ra là hoàn toàn sai.

Giới hạn nào cho giáo viên?

Nói về những sự việc đáng tiếc khi giảng viên dạy học trực tuyến, nhiều chuyên gia giáo dục thừa nhận rằng một khi đã chọn nghề sư phạm thì bản thân mỗi giáo viên phải rèn luyện nhân cách và làm gương về hành vi ứng xử cho đứa trẻ nên không thể nói vì áp lực nên xúc phạm học sinh, bên cạnh đó là cần áp dụng những kỷ luật có tính tích cực với mong học sinh thay đổi theo hướng tích cực,

Nhiều giáo viên luôn băn khoăn sẽ phải kỷ luật như thế nào nếu học sinh mắc lỗi? Đặc biệt với những hành vi phạm lỗi có tính chất nghiêm trọng thì hướng xử lý ra sao khi thầy cô không được phê bình, không được áp dụng hình thức kỷ luật mạnh?

“Nếu học sinh nói chuyện trong lớp, không học bài, không làm bài tập, thầy giáo quyết định đuổi em ra khỏi lớp, là những tình huống khá phổ biến mà giáo viên thường áp dụng khi đang hứng thú giảng bài nhưng thái độ của học sinh lại khiến giáo viên cảm thấy thất vọng, tức giận.

Có thể ngay tại thời điểm đó, việc đuổi học sinh ra khỏi lớp học khiến giáo viên “khuất mắt” và cũng là pha “dằn mặt” khiến những học sinh đang nói chuyện sẽ không nói chuyện nữa, học sinh không làm bài có thể không dám tái phạm lần sau.

Tuy nhiên, việc thay đổi hành vi này xuất phát từ nỗi sợ, sợ bị phạt, sợ bị bạo lực khôg mang tính lâu dài, làm sao kỷ luật khiến học sinh thay đổi từ trong ý thức mới là việc đáng bàn”, thạc sĩ Lê Thị Loan - nguyên giảng viên Học viện quản lý Giáo dục nói.

Theo thạc sĩ Lê Thị Loan cho hay vì tức giận giáo viên hãy có một động thái là thông báo cho học sinh biết giới hạn của lớp học, của những hành vi không được phép làm và hậu quả nếu vượt quá giới hạn đó.

Cùng với đó thì mỗi lớp học cần có những quy tắc chung về kỷ luật, những quy tắc này cần phải hướng đến mục tiêu giáo dục tích cực làm sao hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tiêu cực từ cảm xúc của giáo viên đến tinh thần của học sinh.

“Chọn nghề giáo là bản thân mỗi người cũng phải tự rèn luyện nhân cách cũng như chăm sóc sức khỏe tinh thân thật tốt để luôn giữ đúng chuẩn mực, không vượt quá giới hạn của cảm xúc dẫn đến những hành động tiêu cực như đánh học sinh hay xúc phạm học sinh của mình”, thạc sĩ Lê Thị Loan nói.

MINH AN