Tình hình Afghanistan: EU đặt điều kiện thiết lập quan hệ, Taliban cảm ơn thế giới về viện trợ, nhà trung gian Qatar lên tiếng

Đối ngoại - Ngày đăng : 22:30, 14/09/2021

Ngày 14/9, Qatar cảnh báo sẽ không chịu trách nhiệm đối với sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul nếu không có các thỏa thuận rõ ràng với tất cả các bên liên quan, trong đó có Taliban, về các hoạt động của nước này.

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về an ninh và đối ngoại Josep Borrell ngày 14/9 cho biết EU không có lựa chọn nào khác ngoài việc đàm phán với các thủ lĩnh mới ở Afghanistan, và EU sẽ tìm cách phối hợp với các nước thành viên để tổ chức một phái bộ ngoại giao tại Kabul.

Tình hình Afghanistan: EU đặt điều kiện thiết lập quan hệ, Taliban cảm ơn thế giới về viện trợ, nhà trung gian Qatar lên tiếng
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về an ninh và đối ngoại Josep Borrell chủ trì một hội nghị bàn tròn của các ngoại trưởng EU tại Kranj, Slovenia, hôm 2/9. (Nguồn: euronews)

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg (Pháp), ông Borrell cho biết: “Khủng hoảng Afghanistan chưa kết thúc. Để có cơ hội ảnh hưởng đến các sự kiện tại đây, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc cam kết với Taliban”.

Các Ngoại trưởng EU đã đặt điều kiện để tái thiết lập các quan hệ ngoại giao và nhân đạo với Taliban, lực lượng vừa giành quyền kiểm soát Afghanistan từ ngày 15/8 vừa qua. Một trong số các điều kiện là tôn trọng quyền của phụ nữ.

Trước các nghị sĩ, ông Borrell cũng cảnh báo EU nên chuẩn bị để chứng kiến cảnh người Afghanistan tìm cách đến châu Âu nếu Taliban cho phép họ rời đi. Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng không tái diễn cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 khi xảy ra chiến sự tại Syria.

Ủy ban châu Âu (EC) muốn đảm bảo hỗ trợ từ các chính phủ thành viên và ngân sách chung khoảng 300 triệu Euro (355 triệu USD) trong 2 năm tới để giúp tái định cư cho khoảng 30.000 người Afghanistan.

Cùng ngày, quyền Ngoại trưởng Taliban, ông Amir Khan Muttaqi bày tỏ cảm ơn cộng đồng quốc tế đã cam kết hàng tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp cho Afghanistan.

Phát biểu tại họp báo, ông Muttaqi cho biết Taliban sẽ chi số tiền tài trợ này một cách khôn ngoan và sử dụng để giải quyết đói nghèo, đồng thời cam kết “sẽ phân phát viện trợ tới những người cần hỗ trợ một cách hoàn toàn minh bạch”.

Lời cảm ơn trên được đưa ra một ngày sau khi Liên hợp quốc (LHQ) thông báo quỹ viện trợ lên tới 1,2 tỷ USD đã được cam kết cho Afghanistan.

Trong cuộc gặp người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn Filippo Grandi cùng ngày, ông Muttaqi kêu gọi thế giới ủng hộ Afghanistan và không khuyến khích người dân Afghanistan di cư và xin tị nạn.

Ngày 13/9, ông Grandi đã tới Kabul nhằm đánh giá nhu cầu nhân đạo và tình hình ở Afghanistan.

Quyền Ngoại trưởng Muttaqi khẳng định Taliban muốn có “mối quan hệ tốt” với các nước, song kêu gọi các nước không nên gây áp lực đối với Kabul bởi “sức ép không có tác dụng và không mang lại lợi ích cho Afghanistan hay các nước khác”.

Since the US pullout, Qatar Airways planes have made many trips to Kabul [File: Karim Sahib/AFP]
Sau khi Mỹ rút đi, các máy bay của hãng hàng không Qatar Airways cũng đã bay tới Kabul. (Nguồn: AFP)

Trong một diễn biến liên quan, ngày 14/9, Qatar cảnh báo sẽ không chịu trách nhiệm đối với sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul nếu không có các thỏa thuận rõ ràng với tất cả các bên liên quan, trong đó có Taliban, về các hoạt động của nước này.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani khẳng định nước này cần được đảm bảo mọi thứ được giải quyết một cách rõ ràng nếu không Doha sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm nào đối với sân bay ở Kabul.

Theo ông, hiện các bên vẫn đang đàm phán vì Qatar cần có thỏa thuận rõ ràng về việc bên nào sẽ chịu trách nhiệm vấn đề kỹ thuật, bên chịu trách nhiệm vấn đề an ninh. Có khả năng hợp tác với các nước khác nếu cần, song hiện cho đến nay vẫn chỉ có Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Taliban thảo luận với nhau.

Qatar là nhà trung gian chính ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân hoàn toàn vào tháng trước, giúp di tản hàng nghìn người nước ngoài và công dân Afghanistan cũng như tiếp xúc với Taliban và hỗ trợ các hoạt động tại sân bay Kabul.

Sau khi Mỹ rút đi, các máy bay của hãng hàng không Qatar Airways cũng đã bay tới Kabul, chở hàng cứu trợ và các đại diện của Doha, đồng thời đưa những người có hộ chiếu nước ngoài rời khỏi Afghanistan.

Ngày 12/9 vừa qua, Ngoại trưởng Al-Thani đã tới thủ đô Kabul của Afghanistan và gặp Thủ tướng lâm thời Afghanistan được lực lượng Taliban chỉ định là ông Mullah Muhammad Hassan Akhund. Cho đến nay, ông được cho là quan chức nước ngoài cấp cao nhất có cuộc gặp với lãnh đạo chính quyền mới ở Afghanistan.

Trong khi đó cùng ngày, một đại sứ tại Liên hợp quốc (LHQ) được bổ nhiệm dưới thời chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani, ông Nasir Ahmad Andisha, đã đề nghị Hội đồng Nhân quyền LHQ ngay lập tức triển khai phái đoàn tìm kiếm sự thật tới điều tra các cáo buộc đối với chính quyền Taliban vi phạm nhân quyền, đặc biệt là các quyền của phụ nữ và bé gái.

Hiện ông Andisha vẫn là đại diện của Afghanistan tại LHQ ở Geneva do chính quyền Taliban chưa đề nghị thay đổi.

Minh Khôi