Bầu cử Quốc hội Na Uy: Liên minh cầm quyền mất thế đa số, nữ Thủ tướng Solberg thông báo từ chức

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:02, 14/09/2021

Đảng Lao động Na Uy đã thắng cử trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 13/9, mở đường cho liên minh trung tả điều hành quốc gia Bắc Âu này.
Bầu cử Quốc hội ở Na Uy: Liên minh cầm quyền mất thế đa số, nữ Thủ tướng Solberg thông báo từ chức
Liên minh Trung hữu của đương kim Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đã bị mất thế đa số tại Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử ngày 13/9.(Nguồn: Worldakkam)

Không có gì ngạc nhiên khi đảng Lao động của triệu phú Jonas Gahr Store giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Na Uy ngày hôm qua.

Theo kết quả đợt kiểm phiếu đầu tiên được công bố tối 13/9 (theo giờ địa phương), dựa trên việc bỏ phiếu sớm, đảng Lao động dự kiến sẽ giành được 26,5% phiếu bầu, gần với mức của năm 2017 (27,4%) và cao hơn mức kỳ vọng.

Để giành được quyền cầm quyền tại Na Uy, đảng Lao động có thể phải thành lập một liên minh trung tả với đảng Xã hội (Sosialistisk Venstreparti, 7,7%) và đảng Trung dung (Senterpartiet, 14,7%).

Tuy nhiên, cả hai đảng trên đều ủng hộ việc giảm hoạt động thăm dò dầu khí tại nước này, trong khi Thủ tướng tương lai của Na Uy Jonas Gahr Store, 61 tuổi, hiện không có kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu khí hoặc ngừng thăm dò trong chương trình nghị sự của mình.

Trong khi đó, Liên minh Trung hữu của đương kim Thủ tướng Erna Solberg đã bị đẩy về phe đối lập sau 8 năm cầm quyền không liên tục.

Đảng Bảo thủ của bà, vốn đang bị mất dần quyền lực, đã bị khuất phục trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận. Đảng này dự kiến sẽ thu được 18,7% phiếu bầu so với 25% vào năm 2017.

Trong bài phát biểu tối muộn cùng ngày trước đảng Bảo thủ, Thủ tướng Solberg xác nhận thất bại của Liên minh này, đồng thời cho biết bà cùng chính phủ sẽ từ chức.

Bà Solberg nói: "Tôi muốn chúc mừng ông Jonas Gahr Store, người hiện nay dường như đã nắm được thế đa số để thay đổi chính phủ".

Tương lai của ngành công nghiệp dầu mỏ - nguồn tài nguyên chính của Na Uy- và các vấn đề khí hậu là trọng tâm của cuộc bầu cử Quốc hội lần này. Người Na Uy buộc phải lựa chọn giữa việc chống lại biến đổi khí hậu và duy trì mức sống cao nhờ vào nguồn dầu mỏ.

Na Uy là nước sản xuất dầu khí lớn nhất ở Tây Âu. Nền kinh tế của nước này chủ yếu phụ thuộc vào dầu mỏ, chiếm khoảng 20% GDP, 42% kim ngạch xuất khẩu, cung cấp hơn 200.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Cũng nhờ vào “vàng đen” mà Na Uy có quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, với 1.400 tỷ USD.

Tuy nhiên, Na Uy cũng là một mô hình chuyển đổi năng lượng về mặt sản xuất điện, với 95% trong số đó được lấy từ các con đập thủy điện và hệ thống xe điện ngày càng gia tăng.

Na Uy đặt mục tiêu sẽ không còn xe chạy xăng trên thị trường nước này vào năm 2025.

Bảo Hà